Thứ Bảy, 30/11/2024
Pháp luật
Thứ Tư, 10/12/2008 20:25'(GMT+7)

Việt Nam nắng, gió và mến khách

Nụ cười thân thiện của người Việt Nam. (Ảnh: Corbis)

Nụ cười thân thiện của người Việt Nam. (Ảnh: Corbis)

Người lái xe taxi nhìn tôi qua gương chiếu hậu sau đó thốt lên một câu hỏi quen thuộc: “Bà có khỏe không?”.

 

Tôi biết đây là một câu hỏi cửa miệng khi người châu Á bắt chuyện với một người nước ngoài, nhưng tôi vẫn tỏ vẻ khó chịu một chút. “Đó không phải là câu anh nên hỏi một phụ nữ”, tôi nói.

 

“Tôi nghĩ rằng, bà rất khỏe mạnh”, người lái taxi nói. Rất hãnh diện, tôi nói: “Đúng vậy, tôi đã 76 tuổi rồi và tôi vẫn rất khỏe mạnh”.

 

 

Những con đường rợp bóng cây xanh của Hà Nội.
(Ảnh: Imageshack.us)

 

Nắng, gió Việt Nam 

 

Việt Nam là một đất nước với những thắng cảnh đẹp kỳ lạ cùng nghệ thuật ẩm thực độc đáo. Đây là một đất nước đáng đến tham quan, đặc biệt là với những khách du lịch lớn tuổi như tôi.

 

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa và ôn hòa. Thời điểm tôi đến Hà Nội là vào đầu tháng 4, nhiệt độ lúc đó khoảng 35 - 38oC, đủ nóng để thôi thúc người ta đi ngắm cảnh đẹp và mua sắm.

 

Gió từ những hàng cây rợp bóng ven đường, cùng với nhiệt độ điều hòa trong phòng khách sạn, trong những tòa nhà công cộng, trong những quán cà phê bán những đồ uống như sinh tố dứa, nước mía, chanh leo và đu đủ làm cho tôi tỉnh táo hơn.

 

Khi đi ra ngoài tôi thường dùng một cái quạt nhỏ mua trong chợ, và nó gần như đã sắp hỏng vì bị sử dụng nhiều quá. Ở Việt Nam, tôi thường nghỉ trưa khoảng hai giờ đồng hồ, đủ để tôi phục hồi lại sức khỏe.

 

Tôi không quá để ý đến những căn bệnh thường gặp phải ở Việt Nam, nhưng tôi vẫn luôn đề phòng. Tôi luôn tiêm chủng đúng thời hạn, tôi uống thuốc chống sốt rét mỗi ngày (mặc dù chỉ 1/5 khách du lịch đến đây dùng thuốc như tôi) và dùng các loại thuốc diệt côn trùng.

 

Trong chuyến du lịch đó, tôi chỉ bị ốm duy nhất một lần ở Huế - bị viêm phổi, có lẽ do ảnh hưởng của khói bụi. Con trai tôi đã nhờ một vị bác sĩ đến khám cho tôi ở khách sạn. Ông bác sĩ cao, trông cũng dễ nhìn đến khách sạn của tôi hai lần, mang theo một đống thuốc.

 

 

Quê của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nam Đàn, Nghệ An. (Ảnh: Thugian)

 

Người cha già của dân tộc Việt Nam 

 

Tôi rất thích tìm hiểu về “Người cha già" của dân tộc Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã đến thăm quê ông, một làng quê cách thành phố Vinh không xa lắm.

 

Vì thích tìm hiểu mọi thứ như vậy nên trong khi hầu hết các du khách khác đều đáp máy bay từ Hà Nội đi Huế thì tôi lại mất đến hai ngày để đi tàu và đi xe buýt, những phương tiện di chuyển thật ồn ào.

 

Nhưng khi tới ngôi làng yên tĩnh Hoàng Trù, nhìn thấy hai ngôi nhà tranh đơn sơ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra và lớn lên, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm dấy lên trong tôi một tình cảm ấm áp, thân thiết hơn khi nghĩ về người Việt Nam.

 

Một bà mẹ trẻ nói với tôi: “Chúng tôi vẫn thường kể cho con cái mình về Bác Hồ. Bác Hồ là một nhà lãnh đạo tài ba, một nhà chính trị kiệt xuất mà nhân dân Việt Nam luôn biết ơn và kính trọng”.

 

Một nơi mà những người khách du lịch phương Tây khi đến Việt Nam không thể bỏ qua đó là đến viếng Lăng Bác Hồ ở Hà Nội. Tôi cũng đã tham gia xếp hàng suốt mấy giờ liền cùng hàng trăm du khách khác để có thể nhìn thấy hình ảnh của Người.

 

 

Người Việt Nam ở đâu cũng mến khách

 

Một ấn tượng sâu sắc nhất của tôi (và có lẽ là của hầu hết du khách nước ngoài khác) khi đến Việt Nam là sự ân cần, lòng nhiệt tình của con người nơi đây. Khắp mọi nơi tôi đi qua đếu có những nụ cười, câu chào hỏi thân thiện, hành động giúp đỡ dù rất nhỏ nhoi của người Việt. Việc một cô gái trẻ chỉnh lại dây mũ cho tôi để nó không bay ra khỏi đầu khi ngồi trên xe xích lô đã làm tôi rất cảm động.

 

Có một chuyện nữa làm tôi nhớ mãi - đó là khi tôi đến nhận phòng tại một khách sạn đã đặt trước ở vịnh Hạ Long - vì tôi đặt phòng qua Internet nên khi đến đây tôi mới nhận ra là nó không được như những mô tả sinh động trên mạng.

 

Nhận thấy điều này, người chủ khách sạn đã hỏi tôi: “Bà có muốn một khách sạn tốt hơn không?”. Khi tôi tỏ vẻ “muốn” thì anh ta đã gọi một chiếc taxi đến và bảo anh lái xe đưa tôi đến một khách sạn phù hợp hơn và không nhận tiền công.

 

Dân số Việt Nam vào khoảng 83 triệu người, trung bình cứ 10 người thì có 1 người có xe máy – và có lẽ ở các thành phố lớn thì cứ 5 người lại có 1 người có xe máy – giữa dòng xe cộ tấp nập như vậy, việc sang đường là một thách thức rất lớn của bất cứ du khách nào.

 

Trên thực tế, hầu hết người Việt Nam đều rất tôn trọng những người đi đường. Do vậy, khi tôi nhìn thấy người địa phương sang đường, thì tôi cũng bắt chước. Tôi bước từng bước chậm chạp và sải từng bước đều đặn qua đường, không bao giờ dừng lại đột ngột và luôn xem chừng dòng xe chạy ngược hướng.

 

Hầu hết các khách sạn ở Việt Nam đều phục vụ tốt và có giá cả khá rẻ. Khách sạn tôi thích ở nhất là khách sạn Thanh Bình 3 ở Hội An. Nó rất sáng sủa, tiện đi lại, và được trang trí với những món đồ Trung Hoa.

 

Căn phòng của tôi có một cánh cửa thông với một bể bơi và khu vực có nhiều cây cảnh, và cửa kính phía sau mở sang một khu sân trong sạch sẽ - tất cả chỉ mất có 25 đôla một tối, kèm theo một bữa ăn sáng rất ngon và được truy cập Internet miễn phí.

 

Khách sạn đắt nhất mà tôi ở là khoảng 35 đôla một đêm. Đó là một căn phòng nằm trên tầng 9 của một khách sạn nguy nga nhìn ra Vịnh Hạ Long. Ở Hà Nội, tôi luôn đến với một khách sạn quen ở khu phố cổ, giá chỉ có 30 đôla nhưng các dịch vụ và cách phục vụ ở đó rất tốt.

 

Chuyến du lịch của tôi đã để lại trong tôi những ấn tượng đặc biệt, tôi nhận ra rằng đất nước Việt Nam rất đẹp và thanh bình. Con người Việt Nam rất thân thiện và hiền hòa. Tất cả những điều ấy làm cho tôi thêm yêu mến con người Việt Nam, đất nước Việt Nam hơn./.

(VietNamNet)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất