Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 29/11/2013 20:23'(GMT+7)

Việt Nam tham gia tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN

Việt Nam tham gia tích cực vào các hoạt động của ASEAN

Việt Nam tham gia tích cực vào các hoạt động của ASEAN

Triển khai Quy chế làm việc và phối hợp hoạt động giữa các Cơ quan của Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN, ngày 29/11/2013, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, với tư cách làm Cơ quan Điều phối Quốc gia về Hợp tác ASEAN, đã tổ chức cuộc họp liên Bộ, Ngành nhằm tổng kết, đánh giá tình hình hợp tác ASEAN và sự tham gia của Việt Nam năm 2013; xác định phương hướng tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam từ nay đến 2015, cũng như xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN giai đoạn sau 2015.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh chủ trì cuộc họp. Đại diện 3 trụ cột cộng đồng của Việt Nam (Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cùng các Bộ, Ngành liên quan đã tham dự cuộc họp.

ASEAN hoàn thành gần 80% Lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, Ngành cho rằng năm 2013, ASEAN đã đạt thành tựu khả quan trong thực hiện Lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN 2015 với việc ASEAN đã hoàn thành gần 78% các biện pháp trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh; gần 80% các mục tiêu trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đã và đang triển khai khoảng 90% các hoạt động trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN.

Về trụ cột Chính trị - An ninh, ASEAN tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực thông qua đẩy mạnh xây dựng lòng tin, đề cao và chia sẻ các chuẩn mực chung trong ứng xử giữa các quốc gia trong khu vực và với các nước bên ngoài; phát huy, nâng cao, mở rộng các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị - an ninh hiện có của khu vực như TAC, SEANWFZ, DOC… Năm 2013, Na Uy đã chính thức tham gia TAC (7/2013), nâng tổng số nước và tổ chức tham gia TAC là 32.

Về trụ cột kinh tế, ASEAN nỗ lực thực hiện Kế hoạch tổng thể AEC thông qua việc triển khai đầy đủ Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) và thúc đẩy triển khai Hiệp định Hải quan ASEAN, Hiệp định thương mại hàng hóa (ATIGA)…; thúc đẩy tự do hóa thương mại và dịch vụ, thúc đẩy triển khai thí điểm chương trình “Một cửa ASEAN”, hoàn tất bản chào Gói 8 về thương mại dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS), phấn đấu sớm hoàn thành bản chào Gói 9…; với bên ngoài, ASEAN đẩy mạnh triển khai các Hiệp định tự do thương mại (FTA) đã có với các Đối tác và đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Về trụ cột văn hóa – xã hội, ASEAN tiếp tục nỗ lực triển khai Kế hoạch Tổng thể, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gồm: văn hóa, giáo dục, thể thao, quản lý thiên tai và biến đổi khí hậu. Cấp cao ASEAN 23 đã thông qua các Tuyên bố về Doanh nhân trẻ và việc làm, An sinh xã hội, Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em, tăng cường hợp tác chống thiên tai, hợp tác phòng chống bệnh không lây nhiễm, tạo cơ sở để ASEAN tiếp tục thúc đẩy mục tiêu hướng tới người dân trong thời gian tới.

Về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, ASEAN tiếp tục nỗ lực thúc đẩy triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) trên cả 3 lĩnh vực kết nối về hạ tầng, thể chế và con người trong đó chú trọng xây dựng các chiến lược huy động nguồn lực thông qua thúc đẩy mô hình PPP.

Đồng thời, ASEAN từng bước mở rộng kết nối ra ASEAN+3 và Đông Á với vai trò nền tảng là kết nối ASEAN, và đã thiết lập cơ chế đối thoại và tham vấn với Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… ASEAN tích cực tăng cường hợp tác để tranh thủ sự hỗ trợ từ các đối tác trong việc triển khai IAI.

, ASEAN tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác thông qua các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMMplus).

Hội thảo ASEAN-Trung Quốc về Biển Đông 


Về quan hệ đối ngoại

Các nước và Tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm và mong muốn thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN (đến nay đã có 77 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế cử Đại sứ tại ASEAN).

Nhìn chung, các đối tác đều coi trọng tăng cường quan hệ với ASEAN, khẳng định tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, tăng cường liên kết, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển; cam kết tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, ứng phó với các thách thức như thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và lương thực, an ninh và an toàn hàng hải…; Đồng thời, ASEAN tiếp tục thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận đã cam kết với từng đối tác, chú trọng việc nâng tầm và làm sâu sắc hơn quan hệ, hợp tác, ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu; thúc đẩy hợp tác tiểu vùng, trong đó có Tiểu vùng sông Mekong: ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia… Hợp tác tiểu vùng, trong đó có Tiểu vùng sông Mekong cũng được thúc đẩy thông qua các khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mekong với các Đối tác quan trọng như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…

Hội nghị đã trao đổi về phương hướng hợp tác ASEAN 2014 và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2014. Theo đó, năm 2014 ASEAN cần tiếp tục nỗ lực thực hiện tối đa các mục tiêu còn lại trong Lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN 2015, chú trọng nỗ lực xây dựng cộng đồng hướng tới người dân; củng cố đoàn kết và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN; tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác; tăng cường phối hợp đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu.

Việt Nam tham gia đầy hiệu quả vào hợp tác ASEAN

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao sự tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam năm 2013.

Việt Nam đã nỗ lực góp phần thúc đẩy đoàn kết, thống nhất thông qua kiên trì thúc đẩy và giữ vững các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, xử lý khéo léo các vấn đề nhạy cảm, phức tạp cũng như nỗ lực cùng các nước thành viên khác giải quyết thỏa đáng các vấn đề vướng mắc trên tinh thần Hiến chương ASEAN và vì lợi ích chung của Hiệp hội, qua đó góp phần duy trì đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và uy tín của Hiệp hội.

Mặt khác, Việt Nam cùng các nước thành viên đóng góp vào việc thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các trọng tâm ưu tiên của ASEAN trong năm 2013; trực tiếp tham gia và đóng góp quan trọng trong việc xác định các quyết sách lớn của ASEAN và phương hướng phát triển của Hiệp hội, nhất là tham gia xây dựng các Văn kiện Hội nghị như Tuyên bố Chủ tịch Cấp cao 22, Cấp cao ASEAN 23, các Tuyên bố trong lĩnh vực chuyên ngành về an sinh xã hội, phụ nữ và trẻ em, phòng chống dịch bệnh, quản lý thiên tai dịp Cấp cao 23, Tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN giai đoạn sau 2015…

Việt Nam đã chủ động, tích cực bám sát các mục tiêu chung của Hiệp hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành trách nhiệm quốc gia của Việt Nam trong tiến trình chung, bảo đảm thực hiện đúng các thỏa thuận mà ta đã cam kết, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đến năm 2013, tỷ lệ thực hiện các mục tiêu xây dựng AEC của Việt Nam cho giai đoạn 2008 – 2013 là 84,8% đứng thứ 4 sau Singapore, Malaysia, và Thái Lan.

Việt Nam tham gia tích cực vào các hoạt động của ASEAN


Năm 2013, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm Đặc trách IAI và đã phát huy tốt vai trò này.

Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, hiệu quả và thực chất thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; khuyến khích các Đối tác tham gia và đóng góp xây dựng vào các trọng tâm và ưu tiên của khu vực.

Việt Nam đã đảm nhiệm và đang phát huy tốt vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN–EU (2012 – 2015), cùng các nước ASEAN xác định những ưu tiên cần thúc đẩy trong thời gian ta đảm nhiệm vai trò nước điều phối, tạo cơ sở để tiếp tục phát triển quan hệ ASEAN – EU trong thời gian tới. Đồng thời, Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các nước điều phối quan hệ với các đối tác của ASEAN thúc đẩy và nâng quan hệ lên tầm cao hơn, nhất là phối hợp với Thái Lan trong thúc đẩy quan hệ ASEAN – Trung Quốc, trong đó có việc xử lý vấn đề Biển Đông và thúc đẩy xây dựng COC…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh mặc dù ASEAN đã đạt các kết quả khả quan năm qua, tuy nhiên ASEAN vẫn gặp nhiều thách thức thời gian tới, nhất là trong bối cảnh thời gian từ nay đến 31/12/2013 khi cộng đồng ASEAN ra đời không còn nhiều, nguồn lực hạn chế, tác động từ cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực… đòi hỏi từng nước thành viên phải nỗ lực hơn nhằm duy trì đoàn kết phấn đấu thực hiện tối đa các mục tiêu còn lại trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng.

Thứ trưởng hoan nghênh nỗ lực của các Bộ, Ngành của Việt Nam, chủ động và tích cực tham gia hợp tác ASEAN, phấn đấu hoàn thành những thỏa thuận mà Việt Nam đã cam kết trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, được các nước ghi nhận và đánh giá cao, góp phần thúc đẩy triển khai các mục tiêu chung của Hiệp hội.

Thứ trưởng đề nghị các Bộ, Ngành cần xây dựng chương trình công tác cụ thể, xác định những nội dung ưu tiên trong lĩnh vực phụ trách, tiếp tục nỗ lực thực hiện, đồng thời tăng cường phối hợp, hợp tác để cùng thúc đẩy triển khai. Đồng thời, các Bộ, Ngành cần chủ động sớm xác định hướng tham gia hợp tác ASEAN giai đoạn sau 2015 trong lĩnh vực phụ trách nhằm tiếp tục phát huy tinh thần tích cực, chủ động trong tham gia hợp tác ASEAN theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11./.

Bùi Hùng/VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất