Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Phiên thảo luận toàn thể về An ninh lương thực diễn ra rạng sáng 30/1 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2010 diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Tổng thống Tanzania Zakaya; Chủ tịch Quỹ Bill và Melinda Ngài Bill Gates; đồng Chủ tịch Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới 2010, đại diện Ngân hàng thế giới; Chủ tịch Tập đoàn Dupont của Hòa kỳ bà Ellen Kullman đã tập trung thảo luận, phân tích làm thế nào đáp ứng nhu cầu lương thực bền vững và kinh tế nhất” khi dân số thế giới tăng lên hơn 9 tỷ người vào năm 2050. Các biện pháp đưa ra tại phiên thảo luận là tăng năng suất, sản lượng lương thực thông qua phát triển nông sản biến đổi gen, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, quan tâm phát triển thủy lợi, hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân và đảm bảo giá nông sản xứng đáng với công sức của người nông dân…
Trên cơ sở thực tiễn Việt Nam là một nước đã từng chịu cảnh thiếu đói trong nhiều thập kỷ nay vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất 3 điều kiện đáp ứng nhanh và bền vững nhu cầu lương thực cho thế giới. Đó là bảo đảm nguồn cung lương thực, đầy đủ mọi nơi, mọi lúc, ổn định hệ thống phân phối và khả năng tiếp cận lương thực của người dân. Thứ hai cần thiết phải cải tổ và mở rộng chức năng, tăng cường quyền lực cho Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO). Thứ ba là có một cơ chế chắp nối để các nước có thể hợp tác và bổ trợ cho nhau khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong nỗ lực phát triển nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực.
Một vấn đề nữa để tăng năng suất lương thực của thế giới, Thủ tướng nêu rõ: “Vấn đề rất quan trọng là cộng đồng quốc tế cần cam kết cắt giảm tối đa hàng rào thuế quan và phi thuế quan, đặc biệt là các nước phát triển cắt giảm ngay không điều kiện việc trợ giá khổng lồ đối với nông sản trong nước. Chỉ như vậy mới khuyến khích các nước sản xuất lượng thực và mới tăng nhanh sản lượng lương thực”.
Thủ tướng cũng kêu gọi các nước phát triển, các nước đang phát triển, các nước nhập khẩu ròng lương thực có thiện chí, gạt bỏ bất đồng để cùng nhau kết thúc vòng đàm phán Doha trong năm nay. Đây là điều kiện quan trọng thúc đẩy tăng nhanh sản lượng lương thực trên thế giới.
Các diễn giả đều bày tỏ đồng tình với quan điểm này của Việt Nam và nhấn mạnh thêm rằng, chủ nghĩa bảo hộ và mức trợ cấp rất cao của các nước phương tây đối với nông sản đã, đang và tiếp tục cản trở phát triển lương thực và gây méo mó thị trường.
Cũng tại phiên thảo luận này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các diễn giả cũng nhấn mạnh đến các biện pháp giảm thất thu sau thu hoạch; bổ sung nguồn lực và mở rộng phạm vi hoạt động cho Quỹ Phát triển Nông nghiệp Thế giới; phân tích mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và an ninh lượng thực, đồng thời có các biện pháp giảm thiểu những tác hại của biến đổi khí hậu đến sản xuất lương thực.../.
VOVNews