Chủ Nhật, 6/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 25/10/2015 10:14'(GMT+7)

Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu (Ảnh DP)

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu (Ảnh DP)

Sáng ngày 24/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015”.

Dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương. Tham dự Hội thảo còn trên 180 đại biểu từ các Ban của Đảng, Quốc hội, các bộ,  ngành Trung ương và các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Báo cáo Hội thảo cho biết: Việt Nam đã kết thúc 30 năm đầu tiên của quá trình đổi mới và đang bước sang giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, về cơ bản Việt Nam vẫn chưa hình thành được các ngành công nghiệp có tính nền tảng cho kinh tế; công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phân tán, manh mún, công nghiệp hỗ trợ còn yếu.

Thống kê cho thấy, 63% xuất khẩu của Việt Nam là hàng chế biến, 56% vốn đầu tư vào Việt Nam cũng tập trung vào ngành công nghiệp chế biến và chế tạo. Chỉ riêng trong năm 2015, có trên 80% vốn đầu tư nước ngoài về lĩnh vực này.

Trong khi đó cơ cấu kinh tế của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò quan trọng, là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có khả năng sẽ là điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia trong làn sóng dịch chuyển của các trung tâm chế biến, chế tạo và có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong vòng 20 năm tới. Vì vậy, việc nhận diện đúng xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực, đề xuất các giải pháp toàn diện và đồng bộ cho phát triển Việt Nam trở thành mộg trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới có ý nghĩa hết sức cần thiết.

 

Việt Nam được cho là có nhiều cơ hội và lợi thế để trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới


Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Hiện nay, trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế.  Công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được sự quan tâm từ doanh nghiệp, đặc biệt khối FDI. Tỷ trọng ngành này tại Việt Nam tăng dần theo từng năm. Năm 2011 chiếm 50%, 2012 chiếm 70%, 2013 chiếm 76,6%, đến 2014 là 72%. Có 80/101 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này.

Cho nên, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới được xác định là cần phải đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. việc nhận diện đúng xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực, đề xuất các giải pháp toàn diện và đồng bộ cho phát triển Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới có ý nghĩa hết sức cấp thiết.

Đồng quan điểm trên, bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương cũng khẳng định triển vọng Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. Dự kiến trong vòng 10 năm, sẽ có 90 tỷ USD, gần bằng 50% GDP, đổ vào lĩnh vực chế biến chế tạo. Lĩnh vực này cũng chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam cần phải làm rõ có tiền đề gì, nhu cầu chuyển dịch trung tâm thế giới thế nào và Việt Nam có điều kiện để tiếp nhận cơ hội hay không. Một trong những xu hướng chuyển dịch của các trung tâm chế biến, chế tạo là từ nơi có chi phí lao động cao sang nơi có chi phí lao động thấp.

Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, Chính phủ ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính thì cần áp dụng các chính sách thu hút đầu tư như bãi bỏ thuế suất, hỗ trợ hơn về vốn cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, sản xuất; cùng với đó là tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao, nới lỏng hơn nữa việc tiếp nhận nguồn nhân lực có công nghệ, kỹ năng từ nước ngoài để chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm.

Hội thảo đã góp phần cung cấp luận cứ cho xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 cũng như tầm nhìn Việt Nam 2035. Đây thực sự là hoạt động khoa học thiết thực hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng/.

Duy Phong
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất