Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 14/6/2009 10:28'(GMT+7)

Việt Nam ủng hộ giải pháp hòa bình và toàn diện cho vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên

Đại sứ Lê Lương Minh chủ trì cuộc họp của nhóm công tác HĐBA thuộc Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ sáng 12/6, ngay trước cuộc họp của HĐBA để bỏ phiếu về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên

Đại sứ Lê Lương Minh chủ trì cuộc họp của nhóm công tác HĐBA thuộc Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ sáng 12/6, ngay trước cuộc họp của HĐBA để bỏ phiếu về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên

Ngày 12/6, với 15/15 phiếu thuận, Hội đồng Bảo an đã thông qua Nghị quyết 1874 (2009) về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ, Đại diện Việt Nam tại HĐBA nói: Là một bên tham gia tất cả các hiệp ước đa phương chủ chốt về giải trừ quân bị hạt nhân, đặc biệt Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân và Hiệp ước Cấm thử Vũ khí Hạt nhân Toàn diện, Việt Nam trung thành với mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân, coi đó không chỉ là biện pháp hữu hiệu đạt tới mục tiêu cuối cùng là thủ tiêu hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên thế giới, mà còn là công cụ không thể thiếu nhằm bảo đảm môi trường thuận lợi cho việc tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Là một bên tham gia Hiệp ước về Khu Phi hạt nhân Đông Nam Á, Việt Nam đồng thời ủng hộ việc thiết lập các khu phi vũ khí hạt nhân trên thế giới, và ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên phục vụ lợi ích lâu dài vì hòa bình, an ninh và ổn định không chỉ của khu vực Đông Bắc Á, mà của cả khu vực rộng lớn hơn.

Về đóng góp của Việt Nam đối với nội dung Nghị quyết vừa được thông qua, Đại sứ Lê Lương Minh khẳng định: Xuất phát từ lập trường nguyên tắc của Việt Nam, chúng ta ủng hộ giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình. Các biện pháp đưa ra tại Nghị quyết 1874 lần này là theo quy định của Điều 41 của Hiến chương LHQ, đó là các biện pháp không sử dụng vũ lực.

Trong quá trình đàm thảo vấn đề này tại HĐBA, chúng ta cũng kiên trì quan điểm là trong khi nhằm mục tiêu ngăn chặn việc không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như việc phát triển các công nghệ tên lửa đạn đạo theo Nghị quyết 1718 của HĐBA, các biện pháp HĐBA đưa ra lần này phải tránh tác động tiêu cực đối với đời sống nhân dân cũng như các hoạt động nhân đạo, phát triển và các hoạt động kinh tế hợp pháp bình thường khác của CHDCND Triều Tiên.

Chúng ta đồng thời khẳng định thực hiện các biện pháp được HĐBA thông qua lần này phải phù hợp với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ.

Các nội dung thể hiện lập trường nguyên tắc của chúng ta có sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên HĐBA đã được phản ánh trong Nghị quyết 1874.

Về triển vọng giải quyết vấn đề tiếp theo việc thông qua Nghị quyết 1874, Đại sứ Lê Lương Minh khẳng định: Nghị quyết 1874 vừa được thông qua không chỉ thể hiện cam kết của HĐBA LHQ mà còn phản ánh nguyện vọng của các nước thành viên và cộng đồng quốc tế thúc đẩy một giải pháp hòa bình và toàn diện cho vấn đề hạt nhân ở Bán đảo Trìều Tiên vì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và thế giới. Việc nối lại Đàm phán 6 bên sẽ là một bước quan trọng. Trước mắt, chúng ta kêu gọi các bên hết sức kiềm chế, tránh mọi hành động có thể làm căng thẳng thêm tình hình, tạo điều kiện và không khí thuận lợi cho các nỗ lực nối lại các cuộc thương lượng đạt tới mục tiêu trên.

Hôm nay, 13/6, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến Nghị quyết 1874 (2009) của HĐBA về việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân ngày 25/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói, "Việt Nam ủng hộ hoà bình, ổn định, phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên và những nỗ lực phấn đấu vì những mục tiêu này".

Ông Dũng cho rằng việc thực hiện các biện pháp trong Nghị quyết mới của HĐBA cần tránh làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các hoạt động vì mục đích nhân đạo, phát triển cũng như các hoạt động kinh tế hợp pháp.

"Nghị quyết mới này khẳng định cam kết của Hội đồng Bảo an đối với một giải pháp hòa bình, ngoại giao, chính trị cho tình hình hiện nay; đồng thời cũng hoan nghênh các nước thúc đẩy một giải pháp toàn diện thông qua đối thoại, trong đó có cơ chế Đàm phán 6 bên, và tránh những hành động có thể làm căng thẳng thêm tình hình", ông Dũng nhấn mạnh.


  Chinhphu.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất