Đại sứ Tuyết Mai khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, nhấn mạnh ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng, quyền chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, ngày 30/6 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Khóa họp lần thứ 44 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã khai mạc, với sự tham dự của đại diện 47 nước thành viên và hơn 100 nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva.
Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền bà Elisabeth Tichy-Fisslberger - Đại sứ Cộng hòa Áo - đã chủ trì phiên khai mạc, với sự tham dự và phát biểu của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc bà Michelle Bachelet.
Đoàn Việt Nam tham dự do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva làm Trưởng đoàn.
Trong bối cảnh tiếp tục phòng chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát, Khóa họp lần thứ 44 được tổ chức trên cơ sở kết hợp giữa hình thức họp tập trung và họp trực tuyến, tương tự hình thức họp tuần cuối Khóa 43 trước đó (15-19/6)
Khóa họp cũng nghiêm túc thực hiện một số biện pháp đặc biệt tuân thủ quy định của Thụy Sĩ và Liên hợp quốc về phòng chống dịch COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn cho đại biểu tham dự (như các đại biểu có thể lựa chọn gửi bài phát biểu bằng video ghi hình trước hoặc phát biểu trực tiếp tại hội trường, trong hội trường cũng phải giữ khoảng cách 2m, bắt buộc đeo khẩu trang, đăng ký mã QR để truy dấu tiếp xúc, không tổ chức các sự kiện bên lề...).
Khoảng 125 nước và nhóm nước tham gia các phiên Đối thoại với Cao ủy trong ngày đầu của khóa họp.
Trình bày Báo cáo hằng năm của Cao ủy về tình hình nhân quyền và tác động của đại dịch COVID-19 đối với bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trên thế giới, bà Michelle Bachelet nhấn mạnh lo ngại về tác động tiêu cực của đại dịch đối với hòa bình và phát triển, nhấn mạnh đại dịch có thể chấm dứt hy vọng đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) thuộc Chương trình nghị sự 2030 nếu các nước không chung tay hành động khẩn cấp.
Trong bối cảnh đại dịch, bà Michele cho rằng cần bảo đảm hơn nữa các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt đối với nhóm dễ bị tổn thương trong đó có các nhóm thiểu số, người bản địa, phụ nữ, trẻ em và người già; nhấn mạnh tác động của việc đóng cửa các trung tâm, chương trình đào tạo, giảm việc làm đối với người trẻ dưới 25 tuổi và lưu ý việc này sẽ tác động đến các dòng di cư trong tương lai.
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cũng kêu gọi các nước tiếp tục hợp tác chống dịch bệnh trên cơ sở cách tiếp cận quyền con người để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau; với các nguyên tắc chủ đạo về năng lượng tái tạo, bảo vệ xã hội và củng cố hệ thống y tế.
Trong ngày khai mạc Khóa họp lần thứ 44, Trưởng đoàn Việt Nam - Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã trình bày bài phát biểu với tư cách quốc gia và đại diện ASEAN phát biểu chung với vai trò Việt Nam là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại các phiên đối thoại về Báo cáo hàng năm của Cao ủy về tình hình quyền con người và tác động của đại dịch COVID-19, tình hình nhân quyền ở Philippines.
Đại sứ Tuyết Mai một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người; đề cao các biện pháp ứng phó đại dịch rất đúng đắn, kịp thời và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam được triển khai ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, cùng với đoàn kết và hợp tác khu vực và quốc tế; nhấn mạnh ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng, quyền chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương trong xã hội; đồng thời nêu bật kết quả của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong phòng chống dịch, ổn định kinh tế-xã hội, trật tự công cộng và cuộc sống bình thường của nhân dân, cũng như chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch, nhằm bảo vệ các quyền con người.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều nước phương Tây phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền nêu quan ngại về Luật An ninh ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), ngay sau phát biểu của Cao ủy Nhân quyền, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga - Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong - đã có bài phát biểu qua video ghi hình, khẳng định Hong Kong là một phần của Trung Quốc, chính quyền trung ương có quyền và trách nhiệm đưa ra luật nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân Hong Kong; nhấn mạnh Luật An ninh không làm ảnh hưởng đến độc lập tư pháp, quyền lợi chính đáng và tự do của người dân, không làm suy yếu chính sách “Một quốc gia, hai chế độ”; kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc và nguyện vọng ổn định và hòa hợp của người dân Hong Kong.
Dự kiến Khóa họp lần thứ 44, diễn ra từ ngày 30/6 đến hết ngày 17/7, sẽ gồm hơn 30 phiên đối thoại, trong đó có các phiên đối thoại với Cao ủy Nhân quyền về tình hình nhân quyền ở một số nước như Philippines, Myanmar, Eritrea, Belarus, Syria, Burundi, Venezuela, Nicaragua, Ukraine, Sudan; 7 phiên thảo luận chuyên đề (quyền trẻ em, công nghệ số, biến đổi khí hâu, phụ nữ trong đại dịch COVID-19, hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực).
Khóa họp này dự kiến sẽ xem xét 82 báo cáo của Tổng Thư ký, Cao ủy, các nhóm công tác và các Thủ tục đặc biệt.
Ngoài ra, theo chương trình, Khóa họp cũng xem xét thông qua báo cáo Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Tây Ban Nha và Kuwait; bổ nhiệm 4 Báo cáo viên đặc biệt; và thảo luận, thông qua 23 Nghị quyết, trong đó có nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu do Việt Nam, Bangladesh và Philippines là nhóm nòng cốt./.
Theo TTXVN