Đến dự có các đồng chí Nguyễn Thị Doan, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước; Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Bộ, Ban, ngành Trung ương và Hà Nội.
Phát biểu tại Lễ trao giải, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức đánh giá: “Nhìn chung các tác phẩm đã bám sát chủ đề cuộc thi, nội dung phong phú, đa dạng. Số người tham gia viết bài dự thi đông đảo hơn, rộng khắp hơn lần trước. Trong số hơn 800 bài dự thi, nhiều tác giả tham gia dự thi từ hai đến năm bài. Đề tài các tác phẩm khá phong phú, phản ánh nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thuộc nhiều tầng lớp xã hội”.
Đồng chí Thuận Hữu, Uỷ viên TW, TBT báo Nhân Dân phát biểu khai mạc.
Từ hơn 800 bài dự thi của bạn đọc, phóng viên báo đài trên cả nước, Ban Tổ chức đã chọn 150 tác phẩm đăng tải trên các ấn phẩm theo đúng quy trình xuất bản của Báo Nhân Dân. 40 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo và 19 tác phẩm xuất sắc nhất được trao giải, bao gồm: một giải Nhất, ba giải Nhì, năm giải Ba, 10 giải Khuyến khích.
Những người thật, việc thật vì nhân dân phục vụ
Các tác phẩm dự thi đã phản ánh chân thật, sống động những người thật việc thật. Đó là: Tấm gương về những người Anh hùng trong cuộc sống thường ngày “Súng gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa”, khảng khái cho rằng “Chiến công này không phải của riêng tôi…”; Tấm gương về cô gái nhiễm chất độc màu da cam với việc làm thật ý nghĩa “Góp đá xây dựng Trường Sa”; Ấn tượng về buổi Lễ kết nạp đảng viên của một doanh nghiệp dầu khí tại nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo), với bài học tạo dựng niềm tin thật ấn tượng; Tấm gương về một thầy giáo không ngại gian khổ, tình nguyện đến vùng sâu, vùng xa dạy chữ cho đồng bào Pa Cô, Vân Kiều…
Giải nhất được trao cho nhà báo Trần Trọng Duy (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Bạc Liêu) với tác phẩm “Bí thư lúa mới”.
Tác giả đoạt giải cuộc thi và nhân vật trong tác phẩm giao lưu với khán giả
Nhân vật chính được đề cập trong “Bí thư lúa mới” là ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện uỷ Hồng Dân (Bạc Liêu). Khi đang là Chủ tịch huyện, ông quyết tâm đưa một giống lúa mới vào sản xuất. Ông dám cam kết với nhân dân bằng câu nói: “Nếu dự án này không thành công, đời sống nhân dân trong huyện không đi lên, tôi xin nhận hình thức kỷ luật là cách chức chủ tịch UBND huyện.”
Khi được hỏi điều gì đã khiến ông tin tưởng vào thành công của dự án, ông tâm sự: “Trong quá trình làm cách mạng của mình, tôi cố gắng làm những gì nhỏ nhỏ để đóng góp xây dựng cho quê hương, làm cho sản xuất và đời sống người dân đi lên. Khi nhận nhiệm vụ là cán bộ chủ chốt của cấp uỷ, tôi cố gắng làm, nhưng làm gì cũng phải có niềm tin. Niềm tin của tôi đơn giản lắm, tôi tin vào các nhà khoa học, tin vào sức mạnh của nhân dân, đặc biệt là bà con lối xóm, tin vào sự đóng góp của tập thể”
Ông Nguyễn Hùng Dũng, TGĐ công ty CP Kỹ thuật Dầu khí được mệnh danh là “Người của biển” trong tác phẩm cùng tên đoạt giải ba của nhà báo Hồng Thanh Quang. Theo ông, sở dĩ ông được gắn với tên gọi này là do tuy lớn lên ở Hà Nội, nhưng ông chọn theo học đại học Hàng hải, và cuộc đời ông đã gắn bó với đủ mọi phương tiện trên biển: tàu cá, tàu hàng, tàu dịch vụ dầu khí…
Ông Dũng đã chia sẻ về những quyết định được đưa ra trong những hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên trước mỗi quyết định, các anh đều tâm niệm: “Mỗi khi một con tàu ra khơi, chỉ khi tàu về bình an thì mới yên tâm, vì sau mỗi chuyến tàu là chở cả hạnh phúc, ước mơ của những thuyền viên và bao người thân của họ.”
Đến dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nuớc
Còn rất nhiều tấm gương khác, mỗi người một vùng miền, một hoàn cảnh, nhưng họ đều có điểm chung là từ trong ý thức đến hành động, với vị trí của mình họ đều hết lòng đóng góp cho lợi ích chung của cộng đồng.
Viết về người tốt tuy khó nhưng là việc đáng làm trước nhất
Nhà báo Trọng Duy đã chia sẻ những khó khăn khi nhân vật của anh là lãnh đạo, người đứng đầu của một huyện. Anh thú thực khi viết về Bí thư Út, ngoài những cái khó như phải viết làm sao cho “trung thực, chính xác, tin cậy đồng thời phải sinh động, hấp dẫn” thì còn một cái khó khác là: “Nếu mình tô hồng thì làm khó cho người lãnh đạo”.
Theo nhà báo Trọng Duy, bài viết thành công khi vừa trung thực vừa “tạo thêm động lực giúp người lãnh đạo hăng hái, tích cực hơn trong công việc, góp phần đưa đời sống của người dân ngày càng đi lên.”
Sinh viên các trường Đại học trên địa bàn hà Nội đến dự
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Viết về người tốt, việc tốt, những nhân cách cao đẹp theo tư tưởng Hồ Chí Minh là công việc văn hoá, giáo dục góp phần làm cho cái tốt, cái đẹp, cái thiện ngày càng có nhiều hơn, trở thành phổ biến trong xã hội, chiến đấu và chiến thắng cái xấu, cái ác, đem lại hạnh phúc cho mọi người. Trong bộn bề công việc thì đây là công việc văn hoá-giáo dục đáng làm trước nhất.”
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng hoan nghênh báo Nhân Dân đã tổ chức tốt cuộc thi trong hai năm nay. Đồng chí mong muốn và tin tưởng cuộc thi sẽ ngày càng có nhiều kết quả tốt, lan toả mạnh mẽ và có chiều sâu, phát hiện ngày càng nhiều và nhân rộng các giá trị đạo đức, góp phần trực tiếp và quan trọng vào việc xây dựng một xã hội lành mạnh, tốt đẹp.
Tại lễ trao giải, đồng chí Thịnh Giang – Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân cũng đã chính thức phát động Cuộc thi viết về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” lần thứ ba (năm 2013 – 2014).Ban Tổ chức cuộc thi sẽ trao giải cho các tác phẩm đoạt giải vào dịp kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-05-2014).
Danh sách tác giả đoạt giải Cuộc thi viết về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (2012 – 2013)
Giải Nhất: Bí thư lúa mới – tác giả: Trần Trọng Duy
Giải Nhì:
- Súng gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa – tác giả: Nguyễn Phương Liên
- “Chiến công này không phải của riêng tôi…” – tác giả: Nguyễn Thị Việt Hà
- Cô gái bị chất độc da cam “Góp đá xây Trường Sa”
Giải Ba:
- Bài học về niềm tin trước khi kết nạp Đảng – tác giả: Nguyễn Như Phong
- Người gửi 20 nghìn thư báo tin cho thân nhân liệt sĩ – tác giả: Trần Công Thi
- Người của biển – tác giả: Phú Quang (Hồng Thanh Quang)
- Lão ngư 35 năm vác tù và trên sông Hậu – tác giả: Bùi Quốc Dũng
- Phần thưởng của trái tim – tác giả: Phan Huy Thắng
Giải Khuyến khích:
- Vị tướng hưu và lửa sống tuổi 20 – tác giả: Tuấn Linh
- Gần 20 năm trụ vững với nhà giàn – tác giả: Lê Quý Hoàng
- Tấm lòng của người thầy giáo khiếm thị - tác giả: Yến Long (Hoàng Đình Thành)
- Còn một ngày được sống là còn một ngày để yêu thương – tác giả: Quỳnh Dung (Tạ Quang Dũng)
- Người nông dân phục tráng thành công gạo đỏ - lúa mùa – tác giả: Nguyễn Bảo Trị
- Mẹ của… 170 đứa con bất hạnh – tác giả: Thùy Hương (Trần Nam Cao)
- “Tôi học Bác Hồ đức tính kiên trì và nhẫn nại”… - tác giả: Nguyễn Khôi
- Người Anh hùng trên đất bạn – tác giả: Lữ Thị Mai
- Sức lan tỏa từ một phong trào – tác giả: Nguyễn Thị Anh Đào
- Người mang chữ Bác Hồ đến với đồng bào Vân Kiều, Pa Cô – tác giả: Lê Văn Minh
Theo Nhân Dân