Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 8/5/2013 11:13'(GMT+7)

Nhà báo trẻ với nhiệm vụ tuyên truyền chủ quyền biên giới, biển đảo

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Tuyên truyền về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo luôn là lĩnh vực nhạy cảm, mang tính thời sự, nhất là đối với một quốc gia có đường biên giới dài và vùng biển rộng, nhiều đảo và quần đảo như Việt Nam. Đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đồng thời là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, báo chí luôn là lực lượng xung kích, có vai trò quan trọng. Mặt trận này cũng là nơi phát huy cao độ năng lực, trí tuệ, lòng đam mê của đội ngũ nhà báo trẻ.

Trong quá trình tiếp cận thực tế và chuyển tải thông tin về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo của Tổ quốc, nhà báo trẻ luôn thể hiện được vai trò của mình, góp phần thông tin kịp thời, thu hút sự quan tâm và phản ứng của dư luận trong nước cũng như bạn bè quốc tế. Những thông tin, phóng sự, hình ảnh mà báo chí đưa đến cho công chúng là minh chứng thể hiện sự vào cuộc tích cực của không ít nhà báo trẻ.

Thực tế cho thấy, nhà báo trẻ đã luôn phát huy được thế mạnh của sự nhanh nhạy, kịp thời. Nhiều tác phẩm báo chí đã thể hiện "đúng tầm" sự kiên quyết phản đối, lên án những việc làm sai trái của nước ngoài trên Biển Đông; nêu rõ quan điểm, đường lối và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong việc xử lý và giải quyết những vấn đề phức tạp, đó là kiên trì thông qua giải pháp hòa bình, đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh hải, tranh thủ sự ủng hộ của các nhà khoa học và dư luận xã hội để vạch rõ và phê phán sự phi lý của “đường lưỡi bò” do nước ngoài ngang ngược vạch ra; chuyển tải thông tin để thế giới thấy rõ lập trường đúng đắn của ta, ủng hộ thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông - DOC” và tiến tới xây dựng "Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông  - COC" nhằm duy trì, ổn định hòa bình trên khu vực này...

Bên cạnh những thông tin nhanh về những vấn đề "nóng" liên quan đến diễn biến mà phía nước ngoài công khai xâm phạm chủ quyền của nước ta, nhà báo trẻ cũng đã  đi sâu phản ánh đậm nét và sinh động những "lát cắt" khác trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo. Qua đó, góp phần giúp cho các cơ quan thông tin tuyên truyền trong nước chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động phù hợp với từng địa bàn với những nội dung cụ thể, kịp thời định hướng dư luận...

Hình thức, cách thức chuyển tải nội dung trên báo chí cũng đã được phóng viên, nhà báo trẻ từng bước đa dạng hóa, tranh thủ các thành tựu khoa học, công nghệ thông tin hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền...

Tuy nhiên, một số nhà báo trẻ do chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của công tác tuyên truyền xây dựng, quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo, nên đưa tin bài đôi khi thiếu chuẩn xác, gây hiểu lầm, kích động dư luận.

Yêu cầu đặt ra cho các nhà báo trẻ trước những  vấn đề quan trọng của Tổ quốc, trong đó có lĩnh vực an ninh biên giới, biển đảo chính là kinh nghiệm, sự nhạy cảm và bản lĩnh chính trị trong quá trình tác nghiệp. Trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm công dân đòi hỏi những người làm báo trẻ phải không ngừng nâng cao bản lĩnh và kinh nghiệm, để chất lượng hiệu quả của thông tin đưa ra vừa đảm bảo tiêu chí nhanh nhạy, kịp thời, vừa không làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, đến chiến lược đối ngoại của đất nước.

Nâng cao hơn nữa trách nhiệm chính trị của đội ngũ phóng viên, nhà báo trẻ với nhiệm vụ tuyên truyền xây dựng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo trong tình hình mới, theo chúng  tôi cần quan tâm đến một số nội dung sau.

Trước hết, phóng viên, nhà báo trẻ được giao nhiệm vụ phải nhận thức sâu sắc, tiếp cận và nắm bắt kịp thời những chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này, để từ đó xác định được tính tư tưởng, chủ đề, nội dung từng bài viết. Đây là một trong những điều kiện đầu tiên, quan trọng đối với bất cứ người làm báo nào, tuy nhiên đối với nhà báo trẻ, yêu cầu này phải được đặt ra thường xuyên, bởi bên cạnh sự nhiệt huyết, năng nổ, có trình độ chuyên môn, thì ý thức chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp trong nhiều tình huống dễ bị "bỏ quên".

Việc nắm chắc được những định hướng của cơ quan chức năng và cơ quan chủ quản báo chí sẽ khắc phục được tình trạng đưa thông tin một cách vội vàng, bất lợi, chạy theo dư luận tiêu cực, trong đó có những "dư luận ảo". Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành uỷ với chức năng là cơ quan tham mưu về công tác tư tưởng chú trọng định hướng, chỉ đạo phối hợp với cơ quan báo chí đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhà báo trẻ khi tác nghiệp liên quan đến những văn kiện pháp lý quan trọng trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo giữa Việt Nam với các nước láng giềng…

Hai là, nâng cao hơn nữa kỹ năng nghiệp vụ và kiến thức lịch sử, pháp lý. Cùng với việc tăng cường hỗ trợ đầu tư về mặt phương tiện cho các hoạt động của nhà báo trẻ theo dõi tuyên truyền về chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo, cần thường xuyên nâng cao hơn nữa kiến thức về luật biên giới đường bộ; luật biển; công ước quốc tế về luật biển; những quy định về chủ quyền vùng lãnh thổ, lãnh hải; sử dụng đúng các thuật ngữ và thuật ngữ khoa học trong những quy định về biên giới, lãnh thổ, các công ước quốc tế về luật biển, đặc biệt là đối với những thuật ngữ liên quan đến quyền, quyền chủ quyền, lãnh hải, lãnh thổ... Việc sử dụng chính xác những thuật ngữ khoa học nhằm tránh gây sự hiểu nhầm của dư luận, đặc biệt là không tạo cơ hội cho "đối phương" lợi dụng công kích và phản bác, gây bất lợi cho công tác tuyên truyền của ta.

Đối với một số vấn đề, vụ việc phức tạp, nhạy cảm liên quan đến tranh chấp chủ quyền, cơ quan báo chí, đặc biệt là những nhà báo trẻ được giao nhiệm vụ tuyên truyền, cần chủ động bám sát các định hướng thông tin của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo chất lượng thông tin đúng, đủ, phù hợp, kịp thời, giúp dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ và đầy đủ bản chất sự việc; đấu tranh phản bác những thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực cơ hội, phản động, thù địch.

Ba là, để có được những thông tin đúng, chất lượng, hiệu quả, nhà báo trẻ trong quá trình nắm bắt thông tin cần thiết phải có sự trao đổi, giúp đỡ, hướng dẫn của cơ quan chức năng liên quan. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với đồng bào, cư dân vùng biên giới, hải đảo, để tìm hiểu đời sống và những công việc hàng ngày cũng chính là một trong những "kênh" thông tin quan trọng để nhà báo trẻ có nguồn cảm hứng, có thêm thực tiễn viết bài.

Bốn là, phát huy tính đa dạng hoá trong hình thức, cách thức chuyển tải thông tin, tranh thủ tính hiệu quả và phương pháp tuyên truyền của những binh chủng thông tin khác, cũng như thành tựu của khoa học công nghệ thông tin, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên báo chí.

Phóng viên trẻ, bên cạnh lợi thế về sức khoẻ và tinh thần nhiệt huyết, cần biết tận dụng kinh nghiệm của các nhà báo kỳ cựu; tranh thủ, nắm bắt thông tin từ đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, đặc biệt là thông tin từ cơ sở; học hỏi và khai thác thông tin từ các cựu chiến binh, già làng, trưởng bản... Kinh nghiệm và sự nhanh nhạy sẽ phát huy "sức nặng" và chất lượng của thông tin báo chí, góp phần  động viên, thuyết phục nhân dân về những vấn đề liên quan đến xây dựng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo...

Việc sử dụng những thể loại tác phẩm báo chí phù hợp với từng vấn đề, đối tượng công chúng trong quá trình tuyên truyền cũng là một yếu tố quan trọng để thông tin đến với người dân dễ nhất, thuận lợi nhất. Không phải lúc nào tác phẩm báo chí phản ánh về lĩnh vực này cũng cần phải "chính luận" hoặc "nghiêm trang" với những từ ngữ, thuật ngữ trang trọng và quyết liệt. Nhiều tác phẩm báo chí nói về đời sống, tâm tư tình cảm của bộ đội, nhân dân vùng biên giới, biển, đảo không đề cập trực tiếp đến vấn đề bảo vệ an ninh biên giới, biển, đảo mà vẫn hấp dẫn, gây xúc động cho công chúng, qua đó càng thể hiện quyết tâm của nhân dân trong việc giữ gìn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều tác phẩm báo chí chỉ là những tiểu phẩm nhẹ nhàng, nhưng vẫn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc liên quan đến chiến lược xây dựng, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta.

Nghệ thuật sử dụng văn phong - cách hành văn phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền cũng tạo hiệu quả rất lớn. Việc đưa vào tác phẩm báo chí những "từ địa phương", "thổ ngữ" một cách chừng mực và đúng thời điểm cũng là phương pháp tạo hiệu ứng tuyên truyền cho tác phẩm báo chí.

Năm là, coi trọng, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp từ những thao tác tưởng như đơn giản và nhỏ nhất, như cách rút đầu đề chính, đầu đề phụ (tít), sử dụng ảnh và chú thích ảnh, lời giới thiệu (sa-pô)....

Yêu cầu của một đầu đề tác phẩm báo chí phản ánh về lĩnh vực này, bên cạnh tính hấp dẫn, phải đảm bảo sự trung thực, chính xác, dễ hiểu, tránh sử dụng tên tác phẩm theo kiểu "giật gân", gây hiểu nhầm cho người xem, ảnh hưởng đến chất lượng thông tin.

Một số nhà báo trẻ trong quá trình tác nghiệp, nhất là đối với báo mạng điện tử hiện nay, chưa chú trọng việc sử dụng ảnh minh họa, nhiều ảnh minh hoạ không phù hợp với nội dung bài báo Ví dụ: bài viết về biên giới, biển đảo Việt Nam ở địa danh này mà lại minh họa bằng hình ảnh phong cảnh địa danh khác hoặc của nước ngoài; sử dụng hình ảnh khai thác từ trang mạng nước ngoài không phù hợp, nguy hiểm nhất là không chú ý đến các nguồn dẫn chính thống...

Việc sử dụng chú thích ảnh trong các bài viết tuyên truyền về biên giới, biển, đảo cũng đòi hỏi sự thận trọng. Một số phóng viên trẻ vẫn có thói quen sử dụng chú thích ảnh sao cho "hoành tráng, độc đáo", điều này rất dễ tạo sự hiểu nhầm cho công chúng trong nước và người nước ngoài. Có những tác phẩm báo chí chỉ là những thông tin khách quan về việc xây dựng, quản lý đường biên giới, vùng biển, đảo Tổ quốc của nhân dân, nhưng nhà báo trẻ lại sử dụng ảnh và chú thích ảnh theo hướng kích động, khiêu khích, hoặc bỏ qua sự chân thực của nội dung hình ảnh, chú thích "bình luận" theo kiểu "dây cà ra dây muống"...

Quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo là một quá trình lâu dài, kiên trì, bền bỉ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Bên cạnh sự quyết tâm, đầu tư công sức, trí tuệ, sức mạnh của toàn dân là vai trò xung kích của báo chí trong công tác tuyên truyền. Cùng với kiến thức, sức khoẻ, sự tâm huyết, đam mê, lĩnh vực này còn đòi hỏi ở nhà báo trẻ sự khéo léo, linh hoạt trong quá trình tác nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, trách nhiệm công dân và trách nhiệm chính trị đòi hỏi nhà báo trẻ phải luôn phát huy được sự nhanh nhạy, kịp thời nhưng không bị "chệch hướng", gây ảnh hưởng đến chiến lược đối ngoại, ngoại giao trên mọi lĩnh vực kinh tế - chính trị - văn hoá - xã hội của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta./.

Thế Hoàng

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất