Nhà nông học Norman Borlaug, cha đẻ cuộc “cách mạng xanh”, người giành giải Nobel vì đã có công chiến đấu chống lại nạn đói trên thế giới và cứu hàng trăm triệu người khỏi nạn đói, vừa qua đời ở Texas, Mỹ, hưởng thọ 95 tuổi.
Ám ảnh bởi cái đói
Norman Borlaug qua đời lúc 11 giờ đêm 12/9 (tức ngày 13/9 theo giờ Việt Nam) tại nhà riêng của ông ở Dallas do tuổi cao, bệnh nặng.
Borlaug sinh ngày 25/3/1914, trong một gia đình Na Uy nhập cư vào Mỹ. Là con cả, từ bé Borlaug đã tiếp xúc với nghề nông. Suốt quãng thời gian từ năm 7 tuổi tới 19 tuổi, Borlaug làm việc tại trang trại rộng 43 ha của gia đình ở Protivin, Iowa. Ông dành nhiều thời gian để đi săn, câu cá, trồng ngô, yến mạch, thu lượm cỏ khô, nuôi gia súc và gia cầm.
Học xong trung học, Borlaug quyết định rời nông trại của gia đình. Ông cho biết chính ông nội Nels Olson Borlaug đã khuyến khích đứa cháu đi theo con đường học tập. Ông nội có lần nói với Borlaug: “Nếu cháu khôn ngoan thì nên tích lũy kiến thức từ giờ để no bụng sau này”.
Năm 1933, Borlaug theo học Trường Đại học Minnesota, chuyên ngành chăm sóc và quản lý rừng. Thời điểm Borlaug đi học, nước Mỹ đang ở giai đoạn khó khăn. Nhằm có tiền học tập, Borlaug tạm nghỉ đến trường một thời gian để kiếm tiền. Ông từng làm việc trong chương trình Civilian Conservation Corps chuyên giúp đỡ người Mỹ thất nghiệp. Rất nhiều đồng nghiệp của Borlaug khi đó đói ăn thường xuyên. Điều đó ám ảnh Borlaug. “Tôi đã thấy cái ăn khiến con người ta thay đổi như thế nào. Chuyện đó để lại những vết sẹo trong tâm hồn tôi” - ông kể lại.
Làm “cách mạng xanh”
Tốt nghiệp ra trường, Borlaug có thời gian ngắn làm việc cho Cơ quan Dịch vụ lâm nghiệp Mỹ, trước khi trở lại Trường Đại học Minnesota để nghiên cứu bệnh ở thực vật. Ông nhận bằng Thạc sĩ vào năm 1940 trước khi lấy bằng Tiến sĩ vào năm 1942. Từ năm 1942 tới năm1944, Borlaug làm việc tại Viện Nghiên cứu DuPont ở Delaware.
Tháng 7/1944, từ chối đề nghị tăng lương gấp đôi của Dupont, để lại sau lưng đứa con gái mới 14 tháng tuổi và người vợ đang mang bầu, Borlaug đã bay tới Mexico tham gia Chương trình Hợp tác Nghiên cứu và Sản xuất lúa mỳ Mexico. Chương trình này là sản phẩm hợp tác của chính phủ Mexico và quỹ Rockefeller, theo đó các nhà khoa học nghiên cứu gien, trồng thử các giống lúa, nghiên cứu bệnh học, côn trùng học, khoa học đất trồng... nhằm mang lại các loại lúa mì chất lượng tốt. Những năm đầu ở Mexico thật khó khăn với Borlaug. Ông không có các cán bộ khoa học địa phương trợ giúp, thiếu trang thiết bị. Nông dân Mexico thì không tin vào chương trình nghiên cứu bởi họ mới bị mất mùa trong giai đoạn 1939 - 1941 vì bệnh nấm. Borlaug mất 10 năm để nghiên cứu loại lúa mì có khả năng kháng bệnh cao. Trong khoảng thời gian đó, nhóm của Borlaug đã tiến hành hơn 6.000 lần lai giống các loại lúa mỳ. Cuối cùng, ông đã thành công và tạo ra loại lúa mì có thời gian sinh trưởng ngắn, kháng bệnh tốt và đặc biệt là có năng suất rất cao.
Năm 1965, nhóm nghiên cứu của Borlaug bắt đầu chuyển 450 tấn lúa mì giống Lerma Rojo và Sonora 64 sang Ấn Độ và Pakistan. Mặc dù gặp một số trở ngại, việc gieo trồng các loại lúa mì này đã mang lại sản lượng cao chưa từng thấy tại khu vực Nam Á. Giới lãnh đạo Ấn Độ, vốn đang đau đầu vì nạn đói trong nước, đã vội vã mua 18.000 tấn lúa mì giống vào năm 1966. Đây là vụ mua bán hạt giống lớn nhất thế giới khi đó. Năm 1967, Pakistan theo chân Ấn Độ, nhập 42.000 tấn lúa mì giống. Số lúa mì nhập của Pakistan không nhiều nhưng đã tạo ra hạt giống đủ để dùng trên toàn bộ ruộng trồng mỳ của nước này. Kể từ cuối những năm 1960, sản lượng lương thực của Ấn Độ và Pakistan đã tăng nhanh hơn tốc độ tăng dân số. Năm 1968, Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Mỹ lần đầu tiên gọi công việc của Borlaug đã làm ở Nam Á là một “cuộc cách mạng xanh”.
Một con người nhân ái
Nhờ “cách mạng xanh”, sản lượng lương thực thế giới đã tăng gấp đôi trong những năm từ 1960 - 1990. Pakistan và Ấn Độ, hai quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ các giống lúa mì mới, đã có sản lượng tăng gấp 4 lần trong khoảng thời gian này. Ngoài việc tăng sản lượng lúa mỳ, Borlaug còn cải thiện chất lượng các loại lúa gạo và ngô ở châu Á, Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi.
Năm 1970, Borlaug đã được trao giải Nobel vì thành tích tạo ra các loại giống lúa tốt và giúp làm cách mạng nông nghiệp ở các nước đang phát triển. Nhiều người tin rằng cuộc cách mạng xanh do ông tạo ra đã giúp ngăn chặn được nạn đói lẽ ra đã xảy ra trong nửa sau của thế kỷ 20 do tốc độ tăng dân số vượt quá tốc độ sản xuất lương thực, cứu sống khoảng 1 tỉ người.
Với Borlaug, tất cả những gì ông làm chỉ là để giúp đỡ đồng loại. Ông thường nói rằng lúa mỳ chỉ là phương tiện chuyển tải mối quan tâm của ông tới việc cải thiện cuộc sống của con người. “Chúng ta phải nhận ra rằng đầy đủ lương thực mới chỉ là điều kiện cần thiết đầu tiên cho cuộc sống” - ông phát biểu khi nhận giải Nobel năm 1970.
Cho tới tuổi 90, Borlaug vẫn tích cực hoạt động và cổ súy cho việc dùng công nghệ sinh học để chống nạn đói. “Chúng ta vẫn còn rất nhiều người khốn khổ, đói ăn và điều này góp phần gây ra tình trạng bất ổn trên thế giới” - Borlaug nói năm 2006 - “Sự cùng khổ của con người rất dễ bùng nổ và bạn không bao giờ được quên đều đó”.
Gia Bảo (TT&VH)