Từ nay đến 2015 và những năm tiếp theo, Vĩnh Long tiếp tục quán triệt
và thực hiện tốt Nghị quyết 22 và Chương trình hành động của Ban thường
vụ Tỉnh ủy, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh; đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng phù hợp với
từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng.
Ngày 30/7, tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá hiệu quả
sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về
thực hiện Nghị quyết 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nâng
cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất
lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thực hiện Nghị quyết
22, từ cuối năm 2008, các cấp ủy Đảng trong tỉnh Vĩnh Long đã rà soát,
đánh giá đội ngũ cán bộ, điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức của một số Đảng
ủy cơ sở, xã, phường, thị trấn; các phòng, ban của huyện, thị xã, thành
phố; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; các doanh nghiệp; xây
dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức cơ sở đảng... Hiện, Đảng bộ Vĩnh
Long có hơn 411 tổ chức cơ sở đảng với hơn 30.660 đảng viên.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng,
các cấp ủy cấp trên phân công các ủy viên thường vụ, các cấp ủy viên
trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cơ sở; phát huy vai trò tiền phong, gương
mẫu; xây dựng phong cách làm việc khoa học, sâu sát cơ sở, gần gũi với
nhân dân. Trong đó, thủ trưởng hoặc cấp phó cơ quan, đơn vị phải tham
gia cấp ủy và trực tiếp làm bí thư cấp ủy góp phần nâng cao năng lực
lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao trách nhiệm cá
nhân của người đứng đầu trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của
địa phương, đơn vị. Trong quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các
cấp giai đoạn 2015 – 2020, Vĩnh Long chú trọng việc đảm bảo cơ cấu nữ,
trẻ, có 3 độ tuổi, trình độ chuyên môn, chính trị; thực hiện luân
chuyển, bố trí lại cán bộ theo hướng tăng cường cho cơ sở để cán bộ được
quy hoạch có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn.
Thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch
ủy ban nhân dân cấp xã, từ năm 2009, Vĩnh Long chọn 4 xã (Trung Thành -
huyện Vũng Liêm, Hòa Hiệp - huyện Tam Bình, Phước Hậu - huyện Long Hồ,
Hựu Thành - huyện Trà Ôn) làm điểm chỉ đạo. Đến nay, các xã điểm cơ bản
tạo được sự đồng thuận trong nội bộ, nhân dân, phát huy được trí tuệ tập
thể, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ
đạo, điều hành các hoạt động của địa phương. Các đảng bộ xã hàng năm đều
được công nhận đạt trong sạch, vững mạnh và trong sạch, vững mạnh tiêu
biểu; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động tích cực. Vĩnh
Long phấn đấu đến 2015 có 20% số xã thực hiện mô hình này.
Từ nay đến 2015 và những năm tiếp theo, Vĩnh Long tiếp tục quán triệt
và thực hiện tốt Nghị quyết 22 và Chương trình hành động của Ban thường
vụ Tỉnh ủy, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh; đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng phù hợp với
từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng. Đặc biệt, tỉnh thực hiện quy hoạch,
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng đúng chuyên môn, bố trí đúng ngành
nghề đào tạo. Trước mắt tăng cường, luân chuyển một số cán bộ trẻ, có
trình độ chuyên môn ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các phòng, ban cấp
huyện, thị xã, thành phố về công tác ở xã, phường, thị trấn để có kinh
nghiệm thực tiễn, tạo nguồn cán bộ lâu dài và tăng thêm năng lực lãnh
đạo, sức chiến đấu cho tổ chức đảng ở cơ sở.
Trong
thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4
(khóa XI), Vĩnh Long gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên,
nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và tổ chức thực hiện các giải pháp đã
đề ra để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm của tổ chức cơ sở Đảng và đảng
viên./.
Phạm Thị Bình (TTXVN)