Thứ Ba, 24/9/2024
Đời sống
Thứ Năm, 2/8/2012 17:33'(GMT+7)

Vĩnh Long nỗ lực giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc Khmer

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Năm 2012, Đảng bộ, Chính quyền, đoàn thể của huyện, của xã tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển trong đồng bào dân tộc thành các giải pháp cụ thể giúp bà con Khmer phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, tạo cơ hội cho bà con tham gia các lớp dạy nghề, học nghề, giúp phương án làm ăn, khắc phục dần các tập tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc. Huyện cũng phối hợp các ngành chức năng khuyến khích, tạo điều kiện các hộ gia đình đồng bào dân tộc Khmer cho con em đi lao động xuất khẩu để tăng thu nhập cho gia đình.

Thực hiện Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Bình Minh tổ chức nhiều lớp dạy các nghề may công nghiệp, hồ, mộc, thủ công nghiệp, đan đát, chăn nuôi, trồng trọt cho người lao động, trong đó có hơn 300 lao động là người Khmer giúp bà con làm việc tại nhà hoặc xin việc làm ở các khu công nghiệp. Sau khi học nghề, hộ nào có nhu cầu vốn để phát triển đã được chính quyền và các ngành chức năng xem xét cho vay.

Hiện nay, huyện Bình Minh có gần 200 nữ lao động người dân tộc Khmer đang làm việc trong khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ); gần 70 lao động đã làm ở khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, Vĩnh Long; gần 70 lao động khác đang làm việc tại các công trình xây dựng và nhiều lao động nhận làm các nghề đan đát, tách vỏ hạt điều... Năm 2011 và 2012, trong huyện còn hình thành những tổ chuyên nhận thu hoạch khoai lang, trong đó đa số là người Khmer. Nhờ đó tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều bà con, khắc phục dần tình trạng cả gia đình đi làm thuê, làm mướn xa, ảnh hưởng đến việc học hành của con em. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer ở Bình Minh chỉ còn 29,77% , giảm hơn 17% so với năm 2008.

Không chỉ giúp đồng bào Khmer phát triển về kinh tế mà huyện Bình Minh còn chú trọng nâng cao trình độ trong đồng bào dân tộc. Huyện đã hoàn thành phổ cập tiểu học và sắp hoàn thành phổ cập trung học trong đồng bào dân tộc; tỷ lệ trẻ đến tuổi vào trường được duy trì ở mức độ cao. Để tạo nguồn cán bộ là con em đồng bào Khmer có trình độ cao, hàng năm huyện đều thực hiện tốt các chế độ cử tuyển. Chỉ tính riêng năm 2011, huyện đã cử tuyển 21 em, nâng tổng số toàn huyện có hơn 70 học sinh người Khmer đang học các trường đại học, trung học chuyên nghiệp trong, ngoài tỉnh.

Bình Minh đang hướng tới xây dựng một thị xã Bình Minh trong tương lai gần, sự phát triển của kinh tế đô thị, việc thu hút đầu tư ở các khu công nghiệp của tỉnh trên địa bàn và của huyện sẽ giúp cho người dân Khmer nói riêng và nhân dân Bình Minh nói chung có nhiều cơ hội tìm việc làm, có thu nhập ổn định. Đồng thời lao động theo thời vụ, thu nhập thấp sẽ được thay thế dần bằng lao động công nghiệp có chuyên môn kỹ thuật, có thu nhập ổn định, góp phần giúp đồng bào dân tộc Khmer ở Bình minh giảm nghèo nhanh và bền vững./.

Phạm Thị Bình - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất