Thứ Tư, 27/11/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 29/7/2012 21:7'(GMT+7)

Phát triển không gian ngầm tại các đô thị Việt Nam

 Các báo cáo khoa học tại hội thảo tập trung vào các nội dung chính: Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị quy hoạch phát triển không gian ngầm; đặc điểm quy hoạch chi tiết không gian ngầm tại các khu đô thị cũ, các khu đô thị mới, hệ thống giao thông và hạ tầng ngầm; hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị, các vấn đề liên quan đến hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị.

Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong khi quỹ đất ngày càng thu hẹp thì xu hướng phát triển không gian ngầm giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của các đô thị, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng..

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cho rằng phát triển không gian ngầm đang giữ vai trò chiến lược khi không gian trên cao đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các đô thị cũ không còn nhiều quỹ đất. Thậm chí, có một số công trình giao thông ngầm đô thị mà hệ thống giao thông mặt đất không thể nào thay thế được.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật –  Bộ Xây dựng  cho rằng, những năm gần đây, trước yêu cầu của cuộc sống và sự phát triển kinh tế xã hội, công tác hạ ngầm nhiều công trình đường dây nổi tại thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… đã được quan tâm thực hiện, bước đầu tạo bộ mặt khang trang hơn và an toàn hơn. Các công trình giao thông ngầm cũng đã được xây dựng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đặc biệt là hầm đường ô tô vượt sông Sài Gòn, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thành phố, tạo động lực lớn cho sự phát triển kinh tế của TP.

Tuy nhiên, tốc độ xây dựng các công trình ngầm còn chậm so với yêu cầu, nhiều công trình còn bộc lộ những hạn chế. Một số công trình ngầm (xây dựng tầng hầm nhà cao tầng) đã có sự cố như hư hỏng, sụt lún, nứt gãy..

Tại hội thảo, TS Nguyễn Hoàng Giang - Viện Nền móng và Công trình ngầm FECON đưa ra những rủi ro trong xây dựng công trình ngầm. Theo ông, trong những năm tới, việc TP Hồ Chí Minh và Hà Nội xây hệ thống tàu điện ngầm, bãi giữ xe ngầm đặt ra thách thức lớn cần phải nghiên cứu, đánh giá các rủi ro và đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp.


Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh có nhiều công trình hạ tầng được xây dựng dưới lòng đất như: tàu điện ngầm (khoảng hơn 60 km đi ngầm), một hệ thống bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư... Đến năm 2015, dự kiến 100% lưới điện khu vực trung tâm sẽ đi ngầm dưới đất. Hệ thống đường cáp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông cũng sẽ được xây dựng ngầm để đảm bảo mỹ quan đô thị. 

Theo Chinhphu.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất