Bà Lưu Thị Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho biết, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đánh giá là nước có tốc độ giảm suy dinh dưỡng nhanh nhất trong khu vực với mức trung bình 1,5%/năm.
Trong những năm qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi (thể nhẹ cân) ở Việt Nam đã giảm nhanh, bền vững từ 44% năm 1994 xuống còn gần 20% vào năm 2008, 18% vào năm 2009 và 17% vào năm 2010.
Bà Hồng cho hay, so với Mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và chỉ tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đặt ra (hạ tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 20% vào năm 2010) thì Việt Nam đã vượt trước hai năm.
Cùng với việc giảm mạnh tử vong mẹ, tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi cũng giảm nhanh và bền vững. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi của Việt Nam đã giảm gần 2/3 từ 44‰ năm 1990 xuống còn 16‰ năm 2008 - vượt xa so với mục tiêu giảm tử vong trẻ em dưới 1 tuổi của Chiến lược Quốc gia về Chăm sóc sức khỏe sinh sản là 25‰ vào năm 2010.
Như vậy, Việt Nam đã đạt Mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tử vong trẻ em dưới 1 tuổi của năm 2010 là 16‰ trước 2 năm.
Theo bà Hồng, bên cạnh những việc đã làm được như trên, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em hiện vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn cần giải quyết.
Tử vong mẹ, tử vong trẻ em tuy đã giảm nhưng vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các khu vực, các vùng miền (tại các vùng miền núi chỉ số này gấp tới 3 lần so với ở vùng đồng bằng). Tử vong sơ sinh vẫn còn khá cao, chiếm tới 70% tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và 50% tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức cao thì tình trạng thừa cân - béo phì và một số bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang có xu hướng gia tăng./.
Thùy Giang (Vietnam+)