Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 67 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Pháp.
Đại sứ đã nêu bật sự phát triển của mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp, cũng như vai trò của Việt Nam trong chiến lược phát triển mối quan hệ đối ngoại của Pháp với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là với Đông Nam Á, nhất là từ sau khi Tổng thống F. Holland lên nắm quyền.
- Thưa Đại sứ, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong những năm gần đây?
Đại sứ Dương Chí Dũng: Trước tiên, tôi muốn khẳng định Pháp luôn là một đối tác đặc biệt đối với Việt Nam dưới nhiều góc độ như lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa. Những mối liên hệ phong phú đó đã làm nền tảng cho sự phát triển của quan hệ Việt-Pháp trong nhiều năm qua.
Những năm gần đây, hợp tác giữa hai nước tiếp tục được nuôi dưỡng bằng quyết tâm chính trị thông qua nhiều chuyến thăm quan trọng, như các chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp F. Fillon năm 2009; Bộ trưởng Quốc phòng Pháp năm 2010; các Bộ trưởng Công vụ, Giao thông Vận tải năm 2012; các chuyến thăm Pháp của lãnh đạo một số bộ ngành Việt Nam cũng như qua việc trao đổi đoàn giữa nhiều bộ, ngành, địa phương hai bên. Hai nước đã nhất trí hướng tới quan hệ đối tác chiến lược và thống nhất tổ chức Năm giao lưu Việt Nam-Pháp nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương 1973-2013.
Các cơ chế đối thoại, định hướng hợp tác đa dạng trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng an ninh, kinh tế thương mại tiếp tục được hoàn thiện và nâng cao hiệu quả, nội dung trao đổi đáp ứng tốt hơn yêu cầu, quan tâm của hai nước, trong đó phải kể tới Ủy ban hỗn hợp hợp tác Quốc phòng họp lần hai tại Paris tháng 10/2011 và Hội đồng cấp cao vì sự phát triển hợp tác kinh tế họp phiên thứ hai tại Paris tháng 11 năm ngoái; Đối thoại chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng lần thứ năm tại Hà Nội và Diễn đàn kinh tế-tài chính khuyến nghị chính sách vĩ mô lần chín tại Hà Nội trong tháng 3/2012.
Về kinh tế, tuy bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng trao đổi thương mại song phương giữa hai nước năm 2011 đạt 2,8 tỷ USD, tăng gần 30% so với 2010. Nhiều dự án ODA, đầu tư lớn giữa hai nước đang được tích cực thúc đẩy như dự án Đường sắt nội đô Hà Nội, dự án lắp ráp và phóng vệ tinh quan sát tài nguyên thiên nhiên.
Hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai bên được chú trọng với việc tăng cường triển khai các chương trình của trường Đại học Khoa học Công nghệ Pháp tại Hà Nội và nhiều chương trình đào tạo khác. Giao lưu nhân dân, hợp tác phân vùng giữa các địa phương, một đặc thù truyền thống của quan hệ Việt-Pháp thực sự đang ngày càng được mở rộng hơn với việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác, kết nghĩa mới giữa nhiều địa phương, tỉnh, thành phố của cả hai nước.
- Theo Đại sứ, đối với Pháp, Việt Nam có vị trí như thế nào trong chiến lược phát triển mối quan hệ đối ngoại của nước này với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là với Đông Nam Á, nhất là từ sau khi Tổng thống F. Holland lên nắm quyền?
Đại sứ Dương Chí Dũng: Thế giới đang có nhiều biến chuyển, châu Á-Thái Bình Dương ngày càng có vai trò lớn hơn trong chính trị-kinh tế toàn cầu, các nước đều muốn tăng cường sự hiện diện của mình tại đây. Việt Nam cũng ngày càng khẳng định chỗ đứng về chính trị và kinh tế, có vai trò quan trọng trong ASEAN cũng như trong các mối liên kết, hợp tác đang đan xen trong khu vực và liên khu vực. Tôi cho rằng Pháp, với tư cách là một nước có vai trò quốc tế lớn, tiếp tục có nhiều lợi ích để duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác đa dạng với khu vực nói chung và với Việt Nam nói riêng.
Trong các phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 22 của Pháp vừa kết thúc, lãnh đạo Pháp, đặc biệt là Tổng thống F. Hollande đã nhắc đến châu Á như một khu vực Pháp cần dành nhiều quan tâm hơn. Thực tế trong thời gian qua, tuy phải dành nhiều công sức cho khắc phục khủng hoảng kinh tế ở châu Âu và thúc đẩy liên kết EU, nhưng Pháp vẫn tiếp tục các nỗ lực tăng cường quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nâng cấp quan hệ với Indonesia và Australia, quan tâm đến mở cửa của Myanmar. Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ Tổng Thống F. Hollande vừa qua đã dự Diễn đàn ShangriLa ở Singapore, bày tỏ sự quan tâm đến các vấn đề an ninh đang nổi lên trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, mối quan hệ truyền thống và hợp tác nhiều mặt đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam-Pháp, vai trò tích cực của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ là những yếu tố thuận lợi để Pháp làm chỗ dựa để triển khai chính sách trong khu vực. Việc hai nước đang tích cực hướng tới quan hệ đối tác chiến lược và có một chương trình lớn mừng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Pháp là những minh chứng cho điều này.
Nhân đây, cũng phải nói, quan hệ Việt-Pháp đã và sẽ luôn phát triển trên tinh thần đối tác và cùng có lợi. Nâng quan hệ lên phù hợp với tiềm năng của hai nước, chúng ta có thể tranh thủ được nhiều nguồn lực quan trọng từ các thế mạnh kinh tế, khoa học kỹ thuật của Pháp cho sự phát triển đất nước và việc tăng cường quan hệ Việt-Pháp cũng là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy tổng thể quan hệ giữa Việt Nam và EU nói chung.
- Xin Đại sứ cho biết những dự án và hoạt động nổi bật sẽ tiến hành trong năm giao lưu chéo Việt Nam-Pháp 2013 nhằm góp phần nâng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước thành mối quan hệ đối tác chiến lược?
Đại sứ Dương Chí Dũng: Năm giao lưu Việt Nam-Pháp trải dài bằng nhiều hoạt động trong năm 2013 và kéo dài cả sang đầu 2014 sẽ là một sự kiện đặc biệt trong quan hệ Việt-Pháp thời gian tới. Đây không chỉ là dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương và đánh dấu một chặng đường phát triển quan trọng đã qua của hợp tác Việt-Pháp, mà thật sự còn là một chương trình tổng thể thắt chặt quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, có ý nghĩa như là sự mở ra, tạo một sự khởi động mới trong hợp tác Việt-Pháp. Vì vậy, hai nước dự định sẽ trao đổi các chuyến thăm của các cấp lãnh đạo; thời điểm các chuyến thăm còn cần được thống nhất giữa hai bên, nhưng đó sẽ là dịp để khẳng định việc nâng quan hệ Việt-Pháp lên tầm cao mới.
Việc nhóm họp các cơ chế đối thoại, định hướng hợp tác lớn giữa hai nước đã được lên chương trình về cơ bản và các cơ quan chức năng, các bộ, ngành liên quan của hai nước đang tích cực chuẩn bị về nội dung, như Ủy ban hợp tác Quốc phòng, Hội đồng cấp cao vì sự phát triển hợp tác kinh tế, Đối thoại chiến lược, Diễn đàn kinh tế-tài chính, Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học kỹ thuật, Hội nghị hợp tác phi tập trung.
Năm giao lưu Việt Nam-Pháp còn được sự hưởng ứng rộng khắp của các đối tác các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các cơ quan hợp tác, các địa phương và đoàn thể ở hai nước. Quan hệ Việt-Pháp có nền tảng giao lưu nhân dân rất quan trọng, và đó chính là cơ sở để làm lan tỏa Năm Việt Nam-Pháp đến nhiều vùng miền ở nước Pháp.
Trong Năm giao lưu Việt-Pháp đặc biệt sẽ có nhiều điểm nhấn về văn hóa với nhiều loại hình đa dạng, từ biểu diễn nghệ thuật truyền thống cũng như hiện đại đến tổ chức các triển lãm với các chủ đề, chủng loại hiện vật khác nhau, từ những hội thảo chuyên đề hay hợp tác văn hóa đến các tuần lễ phim, giới thiệu sách, tác phẩm văn học, giới thiệu nghệ thuật ẩm thực…
Có thể nói, đây sẽ là một cố gắng lớn với sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước để giới thiệu những tinh hoa của hai nền văn hóa, của bản sắc Việt Nam và Pháp nhằm tạo sự giao thoa, gần gũi hơn nữa giữa nhân dân hai nước, một cơ sở quan trọng để tạo điều kiện cho quan hệ Việt-Pháp vươn tới những tầm cao mới.
- Xin cảm ơn Đại sứ!
Lê Hà-Trung Dũng/Paris (Vietnam+)