Thứ Ba, 24/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 7/1/2016 9:39'(GMT+7)

Vở cải lương “Hừng đông”: Tìm tiếng nói đồng điệu từ góc nhìn đương đại

 

Hừng đông do tác giả PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt; đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên; âm nhạc NSƯT Trọng Đài; thiết kế mỹ thuật họa sĩ Doãn Bằng; chịu trách nhiệm cổ nhạc NSƯT Hoàng Đạt, Sỹ Hùng; thể hiện ca khúc NSƯT Mai Hoa và chỉ đạo nghệ thuật Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Nguyễn Xuân Vinh... thực hiện

Đây là đứa con tinh thần thứ ba của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương gửi gắm cho đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng.

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ (ảnh trên) chia sẻ: "Sau khi xem sơ duyệt, tôi thấy rất hài lòng với những xử lý của đạo diễn, vở diễn có hơi thở hơn, nâng tầm lên rất nhiều so với kịch bản. Các nghệ sĩ đã xây dựng được cái thần cũng như cái tầm của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, nhà lãnh đạo kiên trung, xuất sắc, mẫu mực, có tầm nhìn xa trông rộng, mưu lược, khôn khéo, bản lĩnh, nhân văn, xả thân vì nghĩa lớn; ông còn nhà báo, nhà văn, một nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta, khai thác văn hóa - văn nghệ, báo chí như vũ khí tranh đấu hiệu quả. Tầm vóc còn thể hiện ở chỗ tôn vinh đồng chí của mình, sẵn sàng lãnh trách nhiệm ở nơi biết rõ mình có thể bị bắt, hy sinh. Phan Đăng Lưu sẽ là quyền Tổng Bí thư thay đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nhưng ông tiến cử đồng chí Trường Chinh, còn mình trở lại phía Nam. Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra trong khí thế cách mạng ngút trời của quần chúng; kẻ thù đàn áp hết sức dã man; Phan Đăng Lưu cùng nhiều chiến sĩ cách mạng ưu tú ngã xuống trước hừng đông của độc lập, tự do…Trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, đạo đức và nhân cách của ông đã góp phần xuất sắc cho Đảng, cho cách mạng, cho nhân dân ở một giai đoạn đầy vẻ vang, đầy bão táp, tạo tiền đề quan trọng tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Những cống hiến to lớn, xuất sắc của Phan Đăng Lưu; tấm gương cộng sản sáng ngời của ông mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, ra sức học tập, noi theo".

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết: "Đây là lần thứ ba tôi và tác giả Nguyễn Thế Kỷ cộng tác để làm vở. Chính điều này đã tạo áp lực rất lớn đối với ê kíp dàn dựng khi mà cả hai vở trước đây là Chuyện tình Khau Vai và Mai Hắc Đế đã gây được sự chú ý của công luận, làm thế nào đểHừng đông không bị đánh giá là lặp lại là một thử thách lớn. Hơn nữa đã từ lâu Nhà hát Cải lương Việt Nam không xây dựng tác phẩm với đề tài cách mạng. Cốt truyện trải dài về thời gian và nhiều sự kiện liên tiếp là những trang sử của Đảng làm thế nào để đảm bảo tính chân thực và cả sức hấp dẫn để vở diễn không rơi vào sự mô phỏng, khô cứng là áp lực rất lớn đối với chúng tôi. Theo yêu cầu của tác giả vở diễn phải thật sự chân thực nhưng sinh động, chúng tôi đã đi theo xu hướng dàn dựng này vì thấy nó phù hợp với đề tài chiến tranh cách mạng".

Cảnh trong vở diễn.

Để làm tăng tính mới mẻ trên sân khấu, đạo diễn kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong vở diễn như màn trình diễn của nhóm nghệ thuật đường phố Hub, jazz, rock, pop... Việc đưa nghệ thuật đương đại vào sân khấu cải lương theo đạo diễn không hề có sự chênh hay làm phá vỡ hệ thống bài bản, âm nhạc cải lương bởi nghệ thuật cải lương vốn có những ưu thế tiếp thu những cái mới. Vở diễn tận dụng ưu thế tối đa của đặc trưng của sân khấu truyền thống cải lương đó là tính ước lệ để diễn tả những không gian khác nhau, thời khắc lịch sử khác nhau.

Háo hức nhất vẫn là các nghệ sĩ tham gia các vai diễn trong vở Hừng đông. Nghệ sĩ Hoàng Tùng chia sẻ: "Lời thoại không mang tính giáo điều mà rất bình dị và gần gũi. Vở diễn cũng có những chi tiết hờn ghen đời thường, những câu chuyện vui do các đồng chí Trần Phú, Phan Đăng Lưu kể. Câu chuyện cách chúng ta hơn 75 năm, nhưng khán giả có thể cảm thấy những con người ấy vẫn sống bên ta, có những phần của họ trong chúng ta. Trong vở này, nhân vật hiện lên mộc mạc, mang lại độ mềm mại cho vở diễn”. Nghệ sĩ Hoàng Tùng tham gia ba vai: Phan Đăng Dư (cha của Phan Đăng Lưu), Phan Bội Châu và Ngô Đình Diệm. Ba tính cách khác nhau trong cùng một vở diễn cũng là một thử thách khiến cá nhân anh phải rất nỗ lực để làm rõ từng nhân vật trong lịch sử.

Nghệ sĩ Quang Khải, người có duyên vào cả ba nhân vật chính trong cả ba vở Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế và giờ là Hừng đông chia sẻ: "Vai diễn Phan Đăng Lưu là một thử thách mới của tôi. Từ vai Mai Hắc Đế trong vở cùng tên vừa tham gia Cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tháng 12-2015 tôi đã phải nỗ lực để tăng cân lên 73 kg. Ở vai Phan Đăng Lưu tôi lại phải tập luyện để giảm trở lại 65 kg cho phù hợp với vai diễn theo yêu cầu của đạo diễn. Nhân vật Phan Đăng Lưu là một tri thức tiêu biểu, với kiến thức sâu rộng am hiểu văn học, nông học, chính trị học, xã hội học, giỏi về tiếng Hán, tiếng Pháp... Để thể hiện tốt tư chất của nhân vật tôi đã phải đọc rất nhiều, nghe tác giả và đạo diễn phân tích rất kỹ về nhân vật. Có giai đoạn ông Phan Đăng Lưu còn học cả tiếng Ê đê để tuyên truyền, giác ngộ cho người dân địa phương, tôi cũng đã phải nhờ người bản xứ thu video rồi học cách phát âm tiếng Ê đê sao cho giống”.

Để bảo đảm tính chất chân thực và dung dị cho tác phẩm, đạo diễn đã tiết chế tối đa hóa trang, nghệ sĩ lên sân khấu với trang phục và hóa trang mộc mạc để có sự hòa nhập với nhân vật cũng như giai đoạn lịch sử lúc đó. Từ cách ca, cách thoại đều dung dị, mộc mạc, tiết chế sự luyến láy, điệu đàng làm đẹp cho ngôn từ thường thấy trong ca cải lương. Và nhân vật Phan Đăng Lưu do nghệ sĩ Quang Khải thể hiện sẽ thoại đúng chất giọng xứ Nghệ, quê hương của Phan Đăng Lưu

Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất