Rà soát của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thống kê, năm 2018, kế hoạch vốn đầu tư công giải ngân Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT hơn 27.000 tỷ đồng, năm 2019 là hơn 30.000 tỷ đồng, năm 2020 hơn 36.000 tỷ đồng, năm 2021 xấp xỉ 43.000 tỷ đồng, năm 2022 hơn 55.000 tỷ, tới nă
Cam kết tiến độ giải ngân
Năm 2023, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ, với nhiều giải pháp đã và đang được Bộ GTVT thực hiện, trong đó cam kết tiến độ giải ngân từng dự án giao thông là giải pháp ưu tiên.
Thống kê của Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, nếu nửa nhiệm kỳ 2016 - 2018, kế hoạch vốn được phân bổ cho Bộ GTVT là hơn 111.000 tỷ đồng, nửa nhiệm kỳ 2021 - 2023, con số lên tới hơn 192.000 tỷ đồng. Khối lượng công việc, giá trị phải giải ngân lớn, giá trị năm sau luôn cao kỷ lục so với các năm trước, song Bộ GTVT luôn coi nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và luôn nỗ lực phấn đấu để giải ngân tối đa.
Quán triệt coi nhiệm vụ giải ngân là nhiệm vụ chính trị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu ngay từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị, Ban Quản lý dự án giao thông, phải gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án và cam kết chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT về tiến độ giải ngân; kịp thời điều hòa, điều từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án giải ngân nhanh. Nhất là các nhà thầu thi công không đáp ứng đủ năng lực, làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân phải bị thay thế, không được làm dự án mới.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GTVT cũng được phân công phụ trách, thường xuyên kiểm tra tiến độ giải ngân, trong đó, đối với các dự án đang thi công có khối lượng lớn, tổ chức thi công 3 ca tại hiện trường; công tác nghiệm thu, thanh toán được đẩy nhanh; kịp thời điều hòa từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án giải ngân nhanh...
Qua tìm hiểu, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc, thông tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông; phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc; hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; đầu tư nối thông đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội…; đồng thời, hoàn thành xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn I), mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên; triển khai nghiên cứu, đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam...
Ngoài ra, các cảng biển cửa ngõ như Cảng Cái Mép - Thị Vải, Cảng Lạch Huyện cũng sẽ được nâng cao năng lực; kết cấu hạ tầng giao thông sẽ được từng bước đồng bộ, hiện đại, được quy hoạch bảo đảm phân bổ nguồn vốn hợp lý, hài hòa giữa các vùng động lực như Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ... Tiến độ thi công nhanh tất cả các dự án này sẽ trở thành động lực giải ngân vốn đầu tư công của ngành GTVT.
Tăng tốc giải ngân các dự án giao thông trọng điểm cuối năm
Năm 2023, các Ban Quản lý dự án/chủ đầu tư giao thông thuộc Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn gần 86.800 tỷ đồng. Đến cuối tháng 8/2023, các chủ đầu tư đã giải ngân được gần 42.400 tỷ đồng, đạ gần 49% kế hoạch. Bốn tháng cuối năm, kế hoạch còn tới 44.400 tỷ đồng, vì vậy, các dự án đều đang dồn lực thi công đảm bảo kế hoạch giải ngân.
Cụ thể, đến trung tuần tháng 8, gói thầu XL12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng đón nhận những tín hiệu tích cực khi thủ tục xin cấp phép khai thác 3 mỏ đất, với tổng trữ lượng hơn 3 triệu m3 được hoàn thiện, dự kiến có thể khai thác vào cuối tháng 9. Hay gần thời điểm về đích, cao tốc thành phần giai đoạn I Nghi Sơn - Diễn Châu đang bước vào những ngày bứt phá sản lượng, khối lượng bê tông nhựa được các nhà thầu thi công đợt cao điểm chạy nước rút hiện nay có ngày lên đến 7.000 - 7.500 tấn, tăng gấp đôi so với thời điểm lớp móng chưa hoàn thành toàn bộ...
Đảm nhận giá trị thi công hơn 1.800 tỷ đồng (chiếm gần 56% tổng giá trị gói thầu) đường tại gói thầu XL1 cao tốc thành phần giai đoạn II đoạn Bùng - Vạn Ninh, Tập đoàn Cienco4 cũng đang dồn lực chạy đua, bám đuổi kế hoạch đăng ký năm 2023. Nếu 2 tháng đầu năm, sản lượng xây lắp chỉ đạt gần 10 tỷ đồng, thì trong tháng 7/2023, giá trị tăng lên gần 46 tỷ đồng, tổng giá trị xây lắp đến nay gần 200 tỷ đồng, đạt hơn 12%, cơ bản đáp ứng kế hoạch...
Được giao kế hoạch vốn kỷ lục gần 10.800 tỷ đồng năm 2023, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, trong 7 tháng đầu năm, đơn vị đã giải ngân hơn 6.700 tỷ đồng (đạt 62%). Kết quả trên có được nhờ một số dự án trọng điểm như cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau được địa phương đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng. Dự án Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch cũng đang được đẩy mạnh thi công...
Bám sát mặt bằng giải ngân chung của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7 đến nay đã giải ngân được 5.850/12.800 tỷ đồng năm 2023. Trong đó, cao tốc thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tiến độ và giải ngân tốt, vượt và đạt yêu cầu đăng ký. Các Ban Quản lý dự án có kết quả giải ngân đạt trên 50% kế hoạch như: 2, 7, Thăng Long, Mỹ Thuận
Để đáp ứng khối lượng giải ngân còn lại trong 4 tháng cuối năm, quy trình xử lý hồ sơ nghiệm thu, thanh toán cũng đang được hầu hết các Ban Quản lý dự án tối ưu các bước, rút ngắn thời gian. Trước đây, công tác giải ngân thực hiện theo quy trình: Phòng dự án rà soát ở hiện trường chuyển lên phòng kỹ thuật - thẩm định và phòng kế hoạch - tổng hợp của các Ban Quản lý dự án ban đánh giá, sau đó chuyển sang phòng tài chính thực hiện các thủ tục chuyên ngành, rồi gửi giám đốc các ban ký ủy nhiệm chi. Hiện tại, sau khi được phòng dự án hiện trường xác nhận, hồ sơ chỉ cần gửi qua phòng kỹ thuật - thẩm định rà soát theo hợp đồng rồi chuyển ngay sang phòng tài chính xử lý bước tiếp theo. Nhờ vậy, thời gian xử lý hồ sơ giải ngân cho nhà thầu được rút ngắn chỉ còn 1 - 2 ngày./.
Theo baotintuc.vn