Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 6/2/2013 22:35'(GMT+7)

Vòng luẩn quẩn

Tổng thống Lee Myung Bak họp với các lãnh đạo quốc phòng cao cấp - Ảnh: Yonhap

Tổng thống Lee Myung Bak họp với các lãnh đạo quốc phòng cao cấp - Ảnh: Yonhap

Không lo ngại sao được khi quan hệ giữa hai miền Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh kể từ sau Hiệp ước đình chiến Bàn Môn Điếm 27/7/1953 và câu chuyện riêng tư của hai miền Triều Tiên vẫn luôn có sự can thiệp của nhiều phía bên ngoài.

Ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2013, bầu không khí thù địch trên bán đảo Triều Tiên lại được hâm nóng bởi Nghị quyết 2087 (ngày 22/1/2013) của Hội Đồng Bảo An (LHQ). Theo Nghị quyết 2087, HĐBA sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên nhằm lên án vụ phóng tên lửa của nước này hôm 12/9/2012.

Khác với thái độ tương đối mềm mỏng hai lần trước, (vào các năm 2006 và 2009 khi HĐBA thông qua hai nghị quyết 1718 và 1874 trừng phạt Triều Tiên vì hai vụ thử hạt nhân trong lòng đất), ngay lập tức, qua Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên- KCNA, Ủy ban thống nhất hòa bình tổ quốc Triều Tiên tuyên bố: “Cấm vận đồng nghĩa với chiến tranh và là lời tuyên chiến đối với chúng ta”, đồng thời còn khẳng định “sẽ sử dụng biện pháp vũ lực mạnh mẽ” trừng phạt Hàn Quốc nếu nước này tham gia trực tiếp vào lệnh trừng phạt mở rộng của LHQ.

Phản ứng quyết liệt của CHDCND Triều Tiên lần này có thể xuất phát từ hai chi tiết đặc biệt liên quan tới bối cảnh ra đời nghị quyết 2087: Bắt đầu từ tháng 1/2013, Hàn Quốc tiếp nhận vai trò chủ tịch HĐBA và Trung Quốc lần đầu tiên công khai phản đối vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Ngày 27/1/2013, tình trạng căng thẳng trong khu vực bị đẩy lên đỉnh điểm khi nhà nước Triều Tiên thông báo sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần ba (được cho là có thể vào ngày 16/02 này, nhân dịp sinh nhật cố Chủ tịch Kim Jong Il). Theo cách lý giải của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un: “Đây là việc làm cần thiết theo yêu cầu của nhân dân”.

Nếu căn cứ vào hồ sơ của điểm nóng bán đảo Triều Tiên, chí ít là từ năm 1993 (thời điểm nhà nước Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp định cấm thử vũ khí hạt nhân NPT) đến nay, thì có lẽ tính chu kỳ của tình trạng căng thẳng đã tạo nên sự tự tin như một dạng phản xạ có điều kiện của các nước trong khu vực: khẩu chiến, tập trận, thậm chí làm chìm tàu hay đấu pháo v.v. nhưng chiến tranh thì “còn lâu” mới xảy ra.

Xét về lý thuyết, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, không chỉ hai miền Triều Tiên mà cả những nước có liên quan mật thiết tới tình hình bán đảo Triều Tiên như Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, đặc biệt là Mỹ, cũng đều mong muốn có được sự ổn định tại đây. Đơn giản đó là điều kiện tiên quyết giúp các nước có thể phục hồi.

Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra lại chứng minh rằng bán đảo Triều Tiên là một ngoại lệ, thậm chí nó còn giống với “một kịch bản đã được lập trình” từ trong tiềm thức. Ta hãy lắng nghe các bên giải trình cho hành động của họ.

Ngay sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, chính phủ Triều Tiên đã tuyên bố rõ ràng quan điểm chỉ có sự tương xứng về sức mạnh quân sự mới có thể đối phó được chính sách thù địch từ phía Mỹ cũng như Hàn Quốc. Bắt đầu từ tuyên bố rút khỏi NPT, phóng thử tên lửa cho tới thử hạt nhân, Triều Tiên dường như đã đạt được mong muốn: Sự tự tin về khả năng có thể đối phó với mọi kẻ thù. Những lệnh trừng phạt của LHQ, có lẽ cũng chỉ là những thiệt hại có thể chấp nhận được bởi có thành công nào mà chẳng phải trả giá. Tuy nhiên, những hoạt động tiếp theo của Triều Tiên kể từ sau tuyên bố ngày 10/2/2005 về sở hữu vũ khí hạt nhân cho thấy, chính phủ nước này chỉ dừng lại ở việc sử dụng vũ khí hạt nhân như một công cụ răn đe. Không ít lần các nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định sẽ dừng hoàn toàn chương trình hạt nhân nếu Mỹ đưa ra cam kết hòa bình, trước hết là việc ký kết một hiệp định hòa bình.

Người Mỹ thì lại luôn cho rằng, Triều Tiên không có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân, bất kể nước này có tham gia NPT hay không, và chỉ ký hiệp định hòa bình khi Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân. Chính sách của các chính quyền B. Clinton, G. Bush rồi đến B. Obama đều chỉ hướng tới việc buộc chính phủ Triều Tiên hủy bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân. Ngay cả những chương trình viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên cũng luôn được gắn với câu chuyện vũ khí hạt nhân của nước này như một thứ đi kèm có điều kiện.

Có một thực tế thật trớ trêu là, trong các vòng đàm phán sáu bên (kể từ lần đầu tiên năm 2003 cho đến lúc tạm ngưng năm 2007), các nước tham gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc chưa bao giờ đạt được sự thống nhất thật sự trong vấn đề Triều Tiên. Thêm nữa là sự bất bình đẳng trong cách ứng xử của cộng đồng quốc tế lại càng khiến cho khả năng kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên ngày một xa vời. Ngày 31/1 vừa qua, Hàn Quốc cũng phóng tên lửa KSLV -1 nhưng lại được cho là bình thường và chẳng có một nghị quyết nào của HĐBA ra đời theo kiểu NQ 2087, bất chấp tình hình đang hết sức căng thẳng.

Những điều này có lẽ mới là nguyên nhân chính khiến cho các lệnh trừng phạt của HĐBA mất thiêng đối với Triều Tiên: Nhu cầu phát triển kinh tế dường như vẫn chưa đủ khả năng khắc phục khiếm khuyết này.

Trong suốt mấy chục năm qua, do cách nhìn nhận vấn đề trái ngược nhau, thậm chí đối kháng nhau, lòng tin đối với nhau của các bên liên quan chưa bao giờ xuất hiện, và hệ quả tất yếu là tất cả cùng rơi vào một vòng tròn luẩn quẩn: căng thẳng và đối thoại. Khi mà các bên vẫn còn giữ quan niệm “tiến thoái lưỡng nan về an ninh” (quan niệm của các nhà hiện thực chính trị cho rằng những hành động tự vệ chính đáng, như tăng cường binh bị của một quốc gia vô hình chung lại luôn là mối đe dọa đối với các quốc gia khác) thì có lẽ vòng luẩn quẩn này sẽ vẫn tiếp tục trên bán đảo Triều Tiên.

TS ĐỖ SƠN HẢI

Nguồn: Nhân Dân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất