Ngày 1/5 vừa qua, tòa án bang Ma-ri-len của Mỹ đã chính thức kết tội các nhân viên cảnh sát liên quan đến vụ thanh niên da màu Phrét-đi Grây (Freddie Gray) bị thiệt mạng do chấn thương cột sống nặng sau khi bị cảnh sát thành phố Ban-ti-mo bắt giữ.
Theo bản luận tội, 6 cảnh sát bị kết tội giết người cấp độ 2, hành hung người bất hợp pháp, cũng như bắt người bất hợp pháp. Bản luận tội cũng chỉ rõ những nhân viên cảnh sát này đã không cung cấp những hỗ trợ về mặt y tế cần thiết cho Phrét-đi Grây mặc dù anh này đã yêu cầu sự giúp đỡ ít nhất là hai lần.
Trước đó, bắt đầu từ ngày 27/4 sau lễ tang Phrét-đi Grây, các cuộc biểu tình bạo lực phản đối đã bùng phát tại Ban-ti-mo, hàng trăm nhà cửa bị đốt cháy và gần 200 người bị bắt giữ, đã buộc chính quyền bang Ma-ri-len ban bố tình trạng khẩn cấp. Sự việc này được coi là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua khi buộc lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ phải tuần tra các tuyến phố lần đầu tiên kể từ vụ bạo loạn năm 1968. Nguyên nhân sự kích động bạo lực ngoài ý muốn ban đầu của những người biểu tình, theo thừa nhận của cảnh sát trưởng A.Bát (Anthony Batts) trên tờ Baltimore Sun, được cho là từ truyền đơn trên mạng của một nhóm học sinh phổ thông lấy ý tưởng từ bộ phim “The Purge” của Mỹ năm 2013, về một kế hoạch “thanh trừng”. Sau đó, chính phản ứng thái quá của cảnh sát Ban-ti-mo đối với thông tin trên mạng đó cũng đã khơi mào cho kế hoạch của nhóm học sinh phổ thông.
Ngay sau khi có kết luận và các cáo buộc chính thức từ tòa án bang Ma-ri-len, công đoàn cảnh sát thành phố Ban-ti-mo cho rằng đây là một “kết luận vội vàng”, đồng thời bày tỏ tin tưởng các sĩ quan cảnh sát liên quan đến vụ việc sẽ được minh oan. Tuy nhiên, tòa án đã từ chối lời kêu gọi của công đoàn yêu cầu có “một công tố viên đặc biệt”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma (Barack Obama) cho biết, mặc dù ông chưa xem qua bản luận tội, song ông khẳng định công lý sẽ được thực thi. Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết, sẽ làm việc một cách chặt chẽ với giới chức thành phố Ban-ti-mo nhằm bảo đảm quá trình điều tra diễn ra một cách công bằng nhất. Trước đó, hôm 28/4, ông B.Ô-ba-ma đã lên tiếng chỉ trích cách hành xử của cảnh sát có tính chất phân biệt đối xử đối với người da màu, đồng thời phê phán cả những người biểu tình gây bạo loạn.
AP cho biết, nhiều người dân thành phố Ban-ti-mo đã đổ ra đường để ăn mừng và bảy tỏ sự vui mừng khi công lý đã được thực thi, cho rằng đây là một thắng lợi của cộng đồng người da màu tại Mỹ.
Vụ bạo loạn tại Ban-ti-mo được xem là tương tự như vụ việc xảy ra tại thành phố Phơ-gu-xơn (bang Mít-xu-ri) hồi cuối năm ngoái liên quan đến cái chết của thanh niên da màu Mai-cơn Brao (Michael Brown). Theo phân tích của BBC, điểm tương đồng của bối cảnh xã hội ở hai thành phố Ban-ti-mo và Phơ-gu-xơn là những mảng đối lập giữa giàu và nghèo. Một bên là hình ảnh thành phố sa lầy trong nghèo đói và kinh tế kém phát triển. Bên còn lại là hình ảnh các tòa nhà cao tầng, sang trọng với những người dân ăn mặc lịch sự, giàu có. Để giữ gìn trật tự, các quan chức thành phố thực hiện chính sách truy quét các tên tội phạm một cách triệt để nhằm bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống ở các khu vực giàu có. Trong khi đó, ở các khu vực nghèo khó nằm phía tây và đông thành phố, các nhân viên cảnh sát hiện diện ở khắp mọi nơi. Đôi khi, các biện pháp của cảnh sát được nhìn nhận là có phần hà khắc và điều đó đã khiến căng thẳng gia tăng liên quan đến hành vi của giới chức thực thi pháp luật, vốn đa phần là người da trắng phân biệt đối xử với các công dân da màu. Tờ Baltimore Sun đã đăng tải báo cáo đặc biệt hồi năm 2014 cho thấy, thành phố Ban-ti-mo đã chi khoản tiền gần 6 triệu USD những năm qua để bồi thường cho các nạn nhân bị cảnh sát đánh đập. Đây rõ ràng là một thách thức với nước Mỹ trong việc cải tổ hệ thống cảnh sát và xây dựng lại mối quan hệ giữa cảnh sát và cộng đồng. Bộ Tư pháp Mỹ hiện đang mở cuộc điều tra về các cáo buộc này./.
Hoàng Vũ (QĐND)