Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 21/10/2016 20:51'(GMT+7)

Vụ nước mắm có asen: Vinastas khiến người dân hoang mang

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM

Ngày 17/10 vừa qua, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật phối hợp Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo Kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Thông tin tại buổi công bố đã gây nhiều ý kiến tranh luận gay gắt trong thời gian qua.

Vinastas công bố kết quả khiến dân hoang mang

Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng đoàn Đại biểu QH Khánh Hòa nhấn mạnh: “Việc Vinastas công bố thông tin như vậy liệu có rõ ràng hay không và sẽ khiến người dân cảm thấy hoang mang. Ở Nha Trang hay Khánh Hòa có rất nhiều người sản xuất nước mắm truyền thống và đã có những thương hiệu nổi tiếng đã được khẳng định trên thị trường”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng: "Với tư cách đại biểu Quốc hội và là phụ nữ, tôi rất quan tâm đến vấn đề trên. Tôi khẳng định, đến bây giờ tôi vẫn dùng nước mắm truyền thống".

Theo bà Phong Lan, tại các nhà thùng nước mắm trên cả nước cũng có những quy định và chuẩn hóa riêng, từ nhãn hiệu, nguồn gốc, xuất xứ và thành phần rất rõ ràng.

Bà Phong Lan khẳng định: Chúng ta không nên vì những vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, hoặc một lý do nào đó mà kết luật quá vội vàng, vì điều đó có thể giết chết cả một ngành công nghiệp truyền thống.

“Theo tôi, giá thành nước mắm cổ truyền không thể so sánh với nước mắm công nghiệp vì là mình làm thủ công, họ làm bằng máy. Nhưng còn nói về chất lượng, từ xưa tới giờ ông bà ta sống bằng cái gì?

Bản thân tôi cũng làm công tác quản lý về y học cổ truyền với dược liệu, nếu như chúng ta cứ máy móc áp dụng những tiêu chuẩn của Tây y vào để đánh giá và xử lý Đông y thì đó cũng là một sự khập khiễng. Quay lại vấn đề nước mắm, tôi cũng theo quan điểm của các nhà khoa học, tức là sẽ là vội vàng nếu đánh giá hàm lượng Asen tổng để cho rằng nước mắm truyền thống độc hại, làm như vậy là chưa đúng” - bà Lan nói.

Vinastas có sai khi công bố thông tin?

Trả lời phóng vấn báo chí ngay sau cuộc họp báo về công bố báo cáo kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc hôm 17/10, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Việc Vinastas công bố kết quả chỉ là đợt khảo sát chứ không phải đợt thanh tra, kiểm tra.

Qua một đợt khảo sát, nhưng nếu như định hướng dư luận xã hội liên quan đến các sản phẩm đó bảo đảm an toàn cho người sử dụng, định hướng cho người tiêu dùng tốt cần phải công khai về đối tượng khảo sát là doanh nghiệp nào.

Bên cạnh đó, chúng ta nghiên cứu theo phương pháp nào để đảm bảo được tính minh bạch, khoa học, tính thực tiễn của kết quả nghiên cứu và từ đó chúng ta sẽ công khai về các kết quả như Hội vừa công bố.

Ông Quang nhấn mạnh: Tuy nhiên, đối với một sản phẩm như nước mắm hay nước chấm bảo đảm an toàn cho người sử dụng, điều quan trọng nó phải đảm bảo giới hạn cho phép tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành.

Đó là tiêu chuẩn về kim loại nặng và vi sinh. Nếu kim loại nặng vượt quá giới hạn cho phép có nghĩa là nước mắm đó không bảo đảm được tiêu chuẩn an toàn. Nếu 2 kết quả xét nghiệm vi sinh và khoáng nặng đạt tiêu chuẩn cho phép, có nghĩa nước mắm đó đạt tiêu chuẩn yêu cầu cho người tiêu dùng.

Trong quy chuẩn về kim loại nặng, quy chuẩn vi sinh đều có các quy định về giới hạn cho phép. Cho nên những loại nào mà vượt quá quy định cho phép thì sản phẩm đó không đảm bảo an toàn.

Ông Quang nêu rõ: Chúng ta phải thống nhất rằng, luật không cấm việc sản xuất nước mắm, nước chấm hay một loại nào đó cho người sử dụng bằng thủ công hoặc công nghiệp. Và vấn để cơ bản là chúng ta phải có nhãn mác rõ ràng, công khai đầy đủ hàm lượng sản xuất về nó.

Có nhiều câu hỏi cho rằng liệu đây có phải là cuộc chiến giữa nước mắm truyền thông và và công nghiệp, ông Quang khẳng định: không có cuộc chiến nào bởi vì luật không cấm nước mắm sản xuất theo truyền thống hay công nghiệp. Cho nên, chúng ta cứ tự do kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và bảo đảm chất lượng trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Theo ông Quang: Dân tộc Việt Nam đã có kinh nghiệm và truyền thống làm nước mắm bằng thủ công. Các sản phẩm đó đều có tiếng vang rất lớn trên thị trường trong nước và quốc tế và nó cơ bản đã đáp ứng được an toàn.

Kiên Giang mời nhà khoa học chứng minh sản phẩm không có chất độc hại

Bên lề Quốc hội, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết: Chúng tôi sẽ mời chuyên gia, nhà khoa học về nghiên cứu sản phẩm nước mắm Phú Quốc để chứng minh sản phẩm không có chất độc hại.

Tỉnh ủy Kiên Giang đã chỉ đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh làm việc với các sở, ngành như Hội Khoa học Kỹ thuật, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc. Đây là sản phẩm rất nổi tiếng của Kiên Giang, được hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn xử lý của Liên minh Châu Âu.

Cơ quan chức năng cùng Hiệp hội nước mắm Phú Quốc sẽ có phản hồi chính thức về vấn đề này đồng thời cũng sẽ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc. Tới đây, Kiên Giang sẽ chủ động mời các nhà khoa học vào cuộc chứng minh sản phẩm truyền thống của mình không có những chất độc hại như thông tin vừa được công bố.

 


 

 Khương Thủy/VOV




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất