Thứ Sáu, 22/11/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 7/1/2022 10:49'(GMT+7)

Vụ phóng của Triều Tiên: LHQ kêu gọi đàm phán phi hạt nhân hóa

h ảnh một tên lửa siêu thanh kiểu mới được phóng từ tỉnh Jagang, miền Bắc Triều Tiên. (Ảnh: Yonhap/TTXVN )

h ảnh một tên lửa siêu thanh kiểu mới được phóng từ tỉnh Jagang, miền Bắc Triều Tiên. (Ảnh: Yonhap/TTXVN )

Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric ngày 6/1 cho rằng vụ phóng tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng càng cho thấy sự cần thiết phải nối lại đàm phán ngoại giao về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trong một tuyên bố, ông Stephane Dujarric nêu rõ: “Tôi nghĩ vụ việc càng khiến chúng ta quan ngại và làm tăng thêm sự cần thiết khởi động lại đàm phán ngoại giao" để Triều Tiên có thể hợp tác với các đối tác nhằm tìm kiếm cách thức cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng.

Cùng ngày, các nguồn ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ họp kín trong ngày 10/1 để thảo luận vụ phóng hôm 5/1 mà Triều Tiên tuyên bố là thử tên lửa siêu thanh.

Cuộc họp diễn ra theo đề nghị của Mỹ, Anh, Pháp cùng Ireland và Albania. Đề nghị trên được đưa ra một ngày sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết đã quan sát thấy một vật thể phóng không xác định, được cho là một tên lửa đạn đạo do Triều Tiên bắn ra, hướng về phía Biển Nhật Bản.

Trong tuyên bố ngày 6/1, Triều Tiên cho biết đã phóng thử một tên lửa siêu thanh. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nêu rõ: "Tên lửa đã di chuyển theo chiều ngang 120 km trong cự ly bay của đầu đạn siêu thanh từ phương vị phóng ban đầu đến phương vị mục tiêu và đánh trúng mục tiêu đã định cách đó 700km." Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không trực tiếp theo dõi vụ phóng.

Triều Tiên đã tiến hành vụ phóng thử đầu tiên tên lửa siêu thanh Hwasong-8 vào tháng 9 năm ngoái, mặc dù quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa này dường như đang ở giai đoạn phát triển ban đầu.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 6/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đang "gây ra mối đe dọa" đối với khu vực và cộng đồng quốc tế.

Đánh giá về triển vọng đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng, giới chuyên gia Mỹ cho rằng có rất ít, hoặc hầu như không có cơ hội diễn ra đàm phán giữa hai nước trong năm nay do cả hai bên đều không đưa ra nhượng bộ đáng kể nào.

Các chuyên gia cũng cho rằng Mỹ có thể duy trì nguyên trạng với Triều Tiên, miễn là Bình Nhưỡng không thể hiện mối đe dọa trực tiếp đối với Washington.

Theo ông Harry Kaziani, Giám đốc Trung tâm Lợi ích quốc gia, có trụ sở tại Washington, cơ hội đàm phán với Triều Tiên "còn thấp hơn cả 0” vì chính quyền của Tổng thống Biden không có “biên độ chính trị” để nhượng bộ trong khi Bình Nhưỡng cũng không muốn đàm phán trong thế yếu.

Cùng quan điểm trên, ông Frank Aumm, chuyên gia về Đông Bắc Á tại Viện Hòa bình của Mỹ nhận định "có rất ít khả năng diễn ra đàm phán với Triều Tiên, cũng như đạt được tiến triển về phi hạt nhân hóa trong năm nay” do quan điểm cứng rắn từ cả hai bên.

Theo ông, Mỹ cần áp dụng cách tiếp cận tích cực hơn để nhanh chóng can dự với Triều Tiên bất kể Bình Nhưỡng có đang phát triển các hệ thống vũ khí mới hay không.

Chuyên gia về Đông Bắc Á này cho rằng cách tiếp cận của Washington nhằm răn đe và gây áp lực không thích hợp để giảm căng thẳng, ngăn chặn khủng hoảng trong tương lai.

Do đó, nếu chính quyền của Tổng thống Joe Biden thực sự đầu tư vào các kết quả khác biệt và tiến bộ rõ ràng trên bán đảo Triều Tiên, thì nước này cần chấp nhận rủi ro ngoại giao nhiều hơn để khuyến khích Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Lợi ích quốc gia cho rằng Mỹ dường như sẽ khó có thể thực hiện các bước đi như vậy./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất