1. Từ
xa xưa, đạo đức kinh doanh đã được thể hiện trong những câu ca dao, tục
ngữ, chẳng hạn như để nói đến phẩm chất gan dạ của doanh nhân thì có
câu “có chí làm quan, có gan làm giàu”, về tính chuyên cần lại có câu
“nhà giàu hay mần, nhà bần hay ăn”, hay như nói về tiết kiệm thì “lãi
ăn, vốn để”…
Đầu thế kỷ XX, nhất là sau chiến tranh thế giới lần
thứ nhất, tầng lớp tư sản dân tộc của người Việt đã có vị trí khá quan
trọng. Các chí sĩ yêu nước đã tìm hiểu một lý do sâu xa khiến kẻ thù có
thể xâm lược nước ta chính là do chúng ta nước yếu, dân nghèo. Từ đó, họ
tự giác trở thành những người tiên phong kinh doanh buôn bán, kêu gọi
người Việt Nam cùng khởi nghiệp kinh doanh như Lương Văn Can, Hồ Tá
Bang, Trần Chánh Chiếu... Bấy giờ, nhiều doanh nhân người Việt đã biết
vận dụng khoa học kỹ thuật cải tiến trong sản xuất, kinh doanh, biết ứng
dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp chế biến mỹ phẩm như Trương
Văn Bền với xà bông Cô Ba, Nguyễn Sơn Hà sản xuất sơn… đã mang đến những
sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao...
Nhiều doanh nhân còn
thành lập các tổ chức từ thiện để giúp đỡ người nghèo. Năm 1906, tại Bắc
Kỳ đã ra đời Hội Hợp thiện theo sáng kiến của doanh nhân Bạch Thái Bưởi
tại số 125 đường Henri d’Orléans (nay là đường Phùng Hưng, Hà Nội) và
hoạt động đến tận sau Cách mạng Tháng Tám. Đây là tổ chức từ thiện lớn
nhất ở Bắc Kỳ với sự tham gia của nhiều doanh nhân thành đạt như ông Vũ
Quang Huy, Nguyễn Tường Phượng, Đỗ Đình Đắc... Nhiệm vụ của Hội gồm chôn
cất tử tế những người chết vô thừa nhận; an ủi những số phận bất hạnh
bằng mọi hình thức; phát triển tinh thần tương thân tương ái và từ
thiện;… Năm 1940, Hội cho xây dựng “Bình dân phạn điếm” để: “Giúp đỡ
người nghèo và anh em lao động có nơi ăn uống sạch sẽ, vệ sinh, bằng
cách cung cấp những bữa ăn đầy đủ, ngon lành và rẻ tiền” (“Bình dân phạn
điếm - nơi cực lạc của những kẻ đầu đường xó chợ”, báo Trung Bắc Tân
Văn, 17/3/1940).
Tại Hải Phòng, nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà
đứng đầu Hội truyền bá quốc ngữ Hải Phòng, lập Trường Dục Anh, dạy trẻ
mồ côi và chu cấp lương thực cứu đói người.
Còn tại Nam Kỳ có doanh nhân
Trần Trinh Trạch không chỉ nổi tiếng vì ý chí, sự chăm chỉ, cần cù mà
còn được ghi nhận bởi tấm lòng hảo tâm. Ông đã tặng mười vạn bạc để xây
bệnh viện “chứa được chừng 150 hay 200 người vừa già yếu vừa bệnh tật”
(“Một nhà từ thiện”, Hà Thành Ngọ Báo, 25/8/1927).
Lịch sử đã ghi nhận
nhiều doanh nhân có tấm lòng rất hào hiệp làm từ thiện như ông bà Trịnh
Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, bà Cả Mọc Hoàng Thị Uyển... Trong nạn đói
năm 1945, nhiều doanh nhân bỏ tiền, vàng cứu đói cho dân như doanh nhân
Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Đình Kính...
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945
thành công, ủng hộ Chính phủ cách mạng còn non trẻ, phong trào “Tuần lễ
Vàng” đã ghi nhận sự tham gia tích cực với vợ chồng nhà tư sản Đỗ Đình
Thiện ủng hộ 86 lạng vàng, 200 tấn thóc, 1.000 con bò và 40 nghìn đồng
Đông Dương. Gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ ở Hà Nội
đã ủng hộ 500 cây vàng và vận động quyên góp được 4.000 lạng vàng…
Từ
bài học lịch sử, chúng ta rút ra là cần đánh giá đúng vai trò kinh
tế - xã hội của doanh nhân Việt Nam và tạo ra môi trường kinh doanh thuận
lợi. Cũng như phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, xã hội của đội
ngũ doanh nhân trong xây dựng, đóng góp cho cộng đồng. Một phần chính
bởi doanh nhân giàu có, đạo đức, văn hóa thì đất nước mới phồn vinh, văn
minh.
Trong cuốn “Thương học phương châm”, doanh nhân Lương Văn Can đặc biệt nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của việc giữ “chữ tín”, “tiết kiệm”, “thương đức”, “thương tài” trong kinh doanh.
|
2. Những
năm gần đây, vai trò của doanh nhân được Đảng và Nhà nước ta rất chú
trọng. Ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị
quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của
đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó, nhấn mạnh việc
“hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực
đạo đức, văn hóa kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được
tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài
trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam”.
Để góp
phần vào phát triển văn hóa kinh doanh, đội ngũ doanh nhân Việt Nam
phải xây dựng một nhân cách doanh nhân Việt Nam dựa trên một hệ giá trị
về chuẩn mực, đạo đức. Đó không chỉ là những đóng góp về kinh tế, về khả
năng kinh doanh, khả năng quản lý, mà hơn nữa là từ nhân cách cao đẹp.
Đối với doanh nhân ngày nay, cách đánh giá chính xác nhất là qua đóng
góp của họ với việc giải quyết việc làm cho người lao động, quan tâm
quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, kết hợp hài hòa lợi
ích của doanh nghiệp và lợi ích của cá nhân trong tổng thể lợi ích của
toàn xã hội, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí,
sống trong sạch và lành mạnh vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Trong
bối cảnh hội nhập quốc tế, muốn xây dựng văn hóa kinh doanh, doanh nhân
Việt Nam cũng phải biết tiếp nối truyền thống trong điều kiện mới; kế
thừa những giá trị truyền thống bền vững, những tinh hoa được vun đắp
nên qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước
nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, nhân ái, khoan
dung, trọng chữ tín, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động. Đồng thời
phải tiếp tục bổ sung những giá trị mới, giao lưu, hội nhập với nhiều
nền văn hóa, để từ đó vun đắp, phát huy mạnh mẽ văn hóa kinh doanh, tạo
ra nhiều giá trị kinh tế - xã hội, nhân văn vì sự vững mạnh bền lâu của
tầng lớp doanh nhân, sự tiến bộ của cộng đồng./.
TRẦN ĐỨC ANH (nhandan.vn)