Thứ Hai, 2/12/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 16/5/2024 8:29'(GMT+7)

Nhớ thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn - Bến Tắt nơi thờ vọng hơn 10.000 liệt sỹ Trường Sơn chưa tìm thấy hài cốt.

Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn - Bến Tắt nơi thờ vọng hơn 10.000 liệt sỹ Trường Sơn chưa tìm thấy hài cốt.

Từ tháng 8/1968 trở đi là giai đoạn quân Mỹ điên cuồng ném bom xuống cung đường Trường Sơn Tây. Tại các trọng điểm, Mỹ thả nhiều bom nổ chậm, bom từ trường, bom phát quang... trong đó có loại bom từ trường rất nguy hiểm, chủ yếu hủy diệt phương tiện ô tô vận tải hàng hóa, vũ khí của quân giải phóng. Loại bom này sau khi từ máy bay được thả xuống là cứ nằm đợi đó, chờ tín hiệu có kim loại như xe vận tải, vũ khí quân dụng... của ta là cảm ứng phát nổ để hủy diệt.

Để xe qua được vùng trọng điểm, bộ đội Công binh phải phá mỗi ngày hàng ngàn quả bom. Trong lực lượng bộ đội Công binh ngày đó có Đại tá Lê Kim Thơ - từng công tác ở Cục Tham mưu Công binh, Bộ Tư lệnh Đoàn 559. Trong căn nhà nhỏ nằm trên phố Thái Phiên (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) của Đại tá Lê Kim Thơ, câu chuyện mở đường Trường Sơn cứ dài ra mãi. Năm 1968, ông Thơ (Trung đoàn Công binh 251) đang tham gia xây dựng sân bay Yên Bái thì nhận được lệnh hành quân theo Đường mòn Hồ Chí Minh, vượt qua phía Tây Quảng Trị để sang đất bạn Lào.

Thời điểm này, Quân Mỹ tìm đủ mọi cách để xóa hẳn con đường mòn này bằng cách sử dụng các loại máy bay, bom mìn và trang thiết bị chiến tranh hiện đại nhất như máy thu phát tiếng động, máy bay trinh sát liên tục bay lượn tìm kiếm mục tiêu báo cho máy bay B52 tới ném bom. Lính công binh vừa chiến đấu vừa có nhiệm vụ mở đường, làm cầu, bảo đảm giao thông trong khi phương tiện lúc đó hoàn toàn thô sơ, chỉ toàn cuốc, xẻng. Ngay cả rà phá bom mìn, tháo kíp nổ cũng chỉ bằng tay không là chủ yếu nên tổn thất nhiều, Đại tá Lê Kim Thơ nhớ lại.

Mỗi lần phát hiện có bom từ trường, ông cùng anh em Công binh cởi áo quần ra ở trần để bom không bắt được tín hiệu có sắt trên người từ nút áo, thắt lưng. Dụng cụ phá bom là một sợi dây dài hơn 30m, buộc miếng sắt nhỏ vào để kích nổ. Ông và đồng đội phải nấp vào gốc cây to, dùng tay điều chỉnh dây để kéo miếng sắt tiến gần quả bom, bắt được tín hiệu kim loại bom phát nổ. Một phương pháp khác để phá bom là chập điện gây nổ bom từ trường. Khi phát hiện bom từ trường, ông cùng đồng đội phải làm khung dây thép cách quả bom khoảng 3m rồi kéo dây ra xa từ 30-50m tùy theo địa hình ẩn nấp, sau đó, dùng các viên pin để kích nổ.

Nguy hiểm và gian khó nhất là gặp trường hợp những quả bom từ trường nằm sâu trong lòng đất. Chiến sĩ Công binh thay phiên nhau dùng xẻng đào, mỗi người đào 15 phút rồi lên, đợi một lúc xem bom có tự phát nổ hay không. Nếu chưa nổ thì chiến sĩ khác vào vị trí có bom tiếp tục đào tìm chỗ đặt bộc phá giật nổ. Có người không may, khi vừa bước vào vị trí hố bom lập tức bom phát nổ. Về mùa mưa, dông lốc, bom từ trường thường nổ bất ngờ gây thương vong lớn.

"Phá bom là nhiệm vụ rất nguy hiểm, đòi hỏi lòng dũng cảm, không ngại hy sinh. Đối diện với bom mìn ai cũng sợ thế nhưng khi đặt niềm tin cho ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chúng tôi lại quên hết sợ hãi, bằng mọi cách để thông đường, thông tuyến", ông Thơ chia sẻ.

Đại tá Lê Kim Thơ kể, đôi lúc giữa đường không còn bom nhưng khi xe tiến lên vẫn bị phá hủy vì những quả bom hai bên đường bắt tín hiệu gây nổ. Để bảo đảm an toàn cho xe hàng, lính công binh phải ngồi trên đầu xe đi đầu, dẫn đường cho xe qua vùng trọng điểm. Sau khi dẫn đường một số chuyến, ông quyết định không ngồi trên đầu ô tô mà đi ngay trước đầu xe. Làm vậy rất nguy hiểm, song đổi lại lái xe và cả đoàn ô tô vận tải được an toàn hơn. Do đó, hết xe này đến xe khác được dẫn đường vượt qua các trọng điểm an toàn.

Trong những lần làm nhiệm vụ dẫn đường ấy, không ít lần ông bị thương bởi sức ép của mưa bom, bão đạn. Thế nhưng, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ông luôn sát cánh cùng đồng đội liên tục ngày đêm bám trụ trên đường bảo đảm cho tuyến đường Trường Sơn thông suốt.

Đến bây giờ, thương binh Nguyễn Huy Lệ vẫn nhớ như in quãng thời gian làm kỹ thuật xe máy của Đoàn 559 với hơn 10 năm tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Thương binh Nguyễn Huy Lệ cho biết, máy bay địch ném bom ác liệt nhất vào đầu những năm 1970. Quân địch đánh phá các đoàn xe vận tải, cắt đường chi viện từ Bắc vào Nam của ta. Để đảm bảo an toàn, xe chuyên chở vũ khí thường chỉ chạy ban đêm, khi chạy chỉ bật đèn gầm, đêm nào có trăng thì tắt hết đèn. Thời điểm đó, xe và hàng hóa rất quan trọng.

“Chúng tôi, những người lính kỹ thuật luôn sẵn sàng túc trực trên tuyến đường Trường Sơn để kịp thời sửa chữa những chiếc xe bị hỏng hóc trong quá trình vận chuyển lương thực, vũ khí vào chi viện chiến trường miền Nam. Trong một lần đang nằm dưới gầm xe để làm nhiệm vụ, địch bất ngờ thả bom B52 cày nát đoạn đường 128B, thuộc địa phận tỉnh Khăm Muộn (Lào). Tôi là người duy nhất còn sống sót trong trận chiến ngày hôm ấy, còn rất nhiều đồng đội của tôi đã mãi mãi nằm lại trên con đường Trường Sơn huyền thoại”, ông Lê mắt đỏ hoe nhớ về thời hoa lửa.

Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 5, các thành viên trong Ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Trị lại gặp gỡ, trò chuyện, ôn kỷ niệm về một thời oanh liệt cùng mưa bom bão đạn. Những người lính Trường Sơn đã đối mặt trước lằn ranh sống chết khi máy bay địch liên tục quần thảo, đánh bom bất kể ngày đêm. Trong suốt 16 năm, từ 1959 đến 1975, hàng chục vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... từ mọi miền Tổ quốc đã đóng góp sức lực, trí tuệ, máu xương để làm nên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Trong quá trình chiến đấu, mở đường và phục vụ chiến đấu, hơn 20.000 bộ đội và thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh, hơn 30.000 người bị thương trên đường mòn Hồ Chí Minh nhưng với quyết tâm “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, “địch cứ đánh ta cứ đi”, Bộ đội Trường Sơn đã tạo nên vị trí, tầm vóc lớn lao, tô thắm thêm truyền thống anh hùng của người lính “bộ đội cụ Hồ”. Qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, tiến tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mùa Xuân năm 1975.

Ông Lê Văn Hói, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Trị phấn khởi chia sẻ, những chiến sỹ Trường Sơn năm xưa dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn hăng hái tham gia các phong trào thi đua của địa phương, góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị vững mạnh. Khi là người lính Trường Sơn, họ là những anh hùng, trở về đời thường họ là những bông hoa đẹp ngát hương thơm cho đời./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất