Thứ Bảy, 30/11/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 29/1/2012 22:2'(GMT+7)

Vững tin giữ đảo

Lính đảo Trường Sa sau giờ huấn luyện.

Lính đảo Trường Sa sau giờ huấn luyện.

Khi cán bộ gần gũi, nêu gương

“Chỉ huy thương yêu cán bộ, chiến sĩ như ruột thịt...”, đó là tâm sự rất chân tình của Thượng tá Phạm Quang Trung – Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn và được thể hiện rõ nét trong cuộc sống hằng ngày của những người lính giữ đảo nơi “đầu sóng, ngọn gió”.

Hàng tháng, ngoài việc duy trì nghiêm nền nếp ngày chính trị văn hóa tinh thần, tùy theo tình hình cụ thể, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc về tư tưởng, đời sống và mối quan hệ cán – binh. Trong năm 2011, Thượng tá Đinh Văn Hải – Chỉ huy trưởng cùng ban chỉ huy đảo tổ chức 3 lần gặp mặt riêng với từng đối tượng: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, nhằm động viên tư tưởng, đề cao trách nhiệm; chỉ ra những mặt còn hạn chế cho từng đối tượng, xác định hướng khắc phục, sửa chữa. Chính trị viên, Chỉ huy trưởng thường xuyên xuống từng cụm chiến đấu, từng bộ phận trực tiếp kiểm tra, lắng nghe ý kiến, đề đạt của cán bộ, chiến sĩ.

Trung tá Trịnh Văn Long – Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng chia sẻ: “Với người lính, dù thời bình cũng như thời chiến, nếu “tư tưởng không thông thì đeo bình tông không nổi”. Thế nên, để chuẩn bị tâm lý vững vàng cho bộ đội, cần có sự quan tâm thấu đáo của các cấp lãnh đạo, chỉ huy. Sự quan tâm đó không đơn thuần là những lời thăm hỏi động viên tinh thần, mà bằng những việc làm cụ thể, thiết thực”.

Đối với những quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, đơn vị quan tâm giúp đỡ. Hay tin Thượng úy CN Phan Văn Hoàng (Cụm CĐ1) con bị ung thư máu, BCH đảo phát động phong trào “nghĩa tình đồng đội” quyên góp được 26 triệu đồng hỗ trợ. Trung sĩ Nguyễn Văn Nhân quê Hưng Hà (Thái Bình) mẹ mất; Binh nhất Tạ Ngọc Bảo quê Bến Cát (Bình Dương) bố mất, chỉ huy đơn vị kịp thời động viên tư tưởng. Nhờ vậy hai đồng chí này không những an tâm tư tưởng, mà còn phấn đấu tốt. Mới đây, đồng chí Nhân vinh dự được kết nạp vào Đảng...

Ở đảo Trường Sa có phương pháp giáo dục quân nhân rất hiệu quả. Kinh nghiệm đó cũng chủ yếu xoay quanh vấn đề giải quyết mối quan hệ cán – binh. Đối với những quân nhân còn băn khoăn, trăn trở, chưa thực sự yên tâm công tác, Ban chỉ huy đơn vị gặp gỡ trao đổi với thái độ ân cần. Những lời “huấn thị” thể hiện sự kiên quyết, nghiêm minh, nhưng cũng rất chân thành, giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức ra vấn đề, quyết tâm khắc phục.

Chiều về, từ thủ trưởng, đến chiến sĩ binh nhì quây quần bên ấm chè, bên tách cà phê thơm nồng. Không gian chan hòa, thân thiết ấy góp phần tạo nên sự tin tưởng tuyệt đối giữa thủ trưởng với chiến sĩ. Cấp trên mẫu mực, cấp dưới noi theo; cán bộ làm gương cho chiến sĩ. Phương châm đó đang được các cơ quan, đơn vị trên đảo Trường Sa thực hiện hiệu quả...

Phát huy tính sáng tạo của tuổi trẻ

Thiếu tá Lương Xuân Giáp – Bí thư liên chi đoàn đảo Trường Sa khẳng định: “Việc cấp ủy, chỉ huy các đơn vị biết phát huy tính sáng tạo của tuổi trẻ, coi trọng giáo dục chính tư tưởng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chi đoàn có sân chơi bổ ích...góp phần giúp những người lính trẻ yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Xác định đàn ghi-ta là loại nhạc cụ gọn nhẹ, dễ học, được nhiều người ưa thích, Phòng chính trị Vùng ưu tiên cấp phát cho 100% chi đoàn trên đảo. Nhận biết tâm lý thanh niên phần lớn yêu thích ca hát, các cụm chiến đấu, các phân đội “đầu tư” xây dựng phòng ka-ra-ô-kê tạo điều kiện cho chiến sĩ tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Đến nay, từ đảo chìm đến đảo nổi đều có phòng ka-ra-ô-kê với hệ thống âm ly, loa máy chất lượng cao do Quân chủng cấp đồng bộ. Giờ giải lao, hoặc giờ nghỉ, ngày nghỉ, lính đảo cất cao lời ca, tiếng hát, nỗi nhớ đất liền vơi đi phần nào...

Để giúp lính đảo có thêm diễn đàn trao đổi tâm tư, tình cảm và thể hiện năng khiếu thơ, văn, chi đoàn các đảo phát động làm báo tường nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, tết của đất nước, quân đội và đơn vị. Xem những bài thơ do đoàn viên, thanh niên trên đảo Thuyền Chài tự sáng tác và trình bày trên báo tường. Những câu thơ của lính đảo như gửi gắm nỗi nhớ thương da diết về “hậu phương”: “Anh gửi về em một bản tình ca/ Có tiếng sóng, có lời ru của biển/ Đàn ghi ta một dây ngân lên cung bậc bổng trầm xao xuyến/ Ôm ấp vỗ về những tháng năm qua/ Anh gửi về em món quà Trường Sa/Con ốc nhỏ và cành san hô trắng/Nỗi nhớ mềm như vạt nắng/Dịu êm sưởi ấm tình ta...” (Thơ – Trung úy Lê Cảnh Thân, nhân viên xuồng XQ – 1196).

Đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi những công trình do Đoàn thanh niên phát động. Hưởng ứng năm Thanh niên 2011, Liên chi đoàn và các chi đoàn xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực gắn với thực tiễn đơn vị như phong trào thanh niên tự quản, tự rèn; vọng gác thanh niên; phong trào “xanh – sạch – đẹp”....

Phong trào thanh niên tự quản, tự rèn được duy trì thường xuyên. Nhất là rèn luyện tác phong chính quy, chấp hành kỷ luật, kể cả trong chào hỏi, xưng hô, ứng xử có văn hóa. Hàng tháng các chi đoàn tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời; mạnh dạn, thẳng thắn phê bình và đề ra giải pháp khắc phục những mặt yếu, khâu yếu... Nhờ vậy, góp phần tăng tỷ lệ huấn luyện của đảo vượt 7% so với chỉ tiêu, các đơn vị không có trường hợp đoàn viên, thanh niên phải xử lý.

Vững tin giữ đảo

Phong trào “Xanh – sạch – đẹp” thu hút 100% cán bộ, đoàn viên tự giác trồng cây xanh, lao động ngoài giờ, tu sửa, cải tạo cảnh quan môi trường; thực hiện xóa nhà tạm, bếp tạm, nâng cấp khu tăng gia chăn nuôi tập trung. Rảo bước trên những con đường Thanh niên cụm 1, đường Chi Đoàn cụm 2; đường bàng vuông...rợp mát bóng cây mới thấy hiệu quả, thiết thực, tính xung kích, sáng tạo của phong trào thanh niên. Ở nơi “thừa nắng gió, thiếu đất đai” như Trường Sa thì bất cứ ai đặt chân lên đảo đều không khỏi ngỡ ngàng trước khuôn viên cây xanh. Để góp phần tạo không gian vui chơi, giải trí, các chi đoàn huy động lực lượng tranh thủ thời gian và tận dụng các loại vật liệu gạch, ngói, xi măng xây bàn ghế. Hệ thống pa-nô, áp phích, tranh cổ động, bảng tin, khẩu hiệu tuyên truyền đều được đoàn viên, thanh niên tu bổ và xây mới.

Nhờ duy trì nền nếp các chế độ sinh hoạt và phát huy tính năng động, sáng tạo của tổ chức Đoàn thanh niên nên tổng kết cuối năm 2011, 4/4 chi đoàn và Liên chi đoàn đảo Trường Sa Lớn đạt vững mạnh; 95% đoàn viên đạt xuất sắc; 5% đoàn viên đạt khá; không có đoàn viên yếu, kém...

“Thực túc binh cường”

Đứng trước vườn đu đủ, mướp đắng sai trĩu quả, những luống rau xanh, bí xanh non mơn mởn, Trung tá Phạm Văn Hiến – Phó chỉ huy trưởng Quân sự đảo Trường Sa khái quát một câu đầy hình ảnh: “Việc chinh phục hòn đảo vốn cằn cỗi, xác xơ trở thành trù phú như hôm nay là kỳ tích, phản ánh sinh động ý chí, quyết tâm khắc phục khó khăn, thực hiện quan điểm “thực túc, binh cường” của quân – dân huyện đảo Trường Sa!”.

Ít ai biết được và cũng chẳng ai ngờ tứ bề là biển mặn nhưng trên đảo lại có nguồn nước ngọt quanh năm. Nhờ trên đảo có gần chục giếng nước ngọt nên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân mới đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, chăn nuôi gây dựng đàn heo thịt, lợn rừng, gà vịt… đủ để đảm bảo cuộc sống, nuôi quân. Điều này đồng nghĩa với việc sức sống ở thị trấn Trường Sa không chỉ dừng lại ở màu xanh cỏ cây, hoa lá mà còn có cả sự hiện diện của những đàn gia súc, gia cầm đông đúc...

Tôi thực sự ấn tượng trước con số mà Thiếu tá Trần Thanh Phương, trợ lý hậu cần cung cấp, kết quả tăng gia năm 2011: rau xanh bình quân 124,9 kg/người/năm; thịt 15,5 kg/người/năm; cá 10,8 kg/người/năm. Hiện trên đảo vẫn còn đàn lợn gần 100 con; gà, vịt trên 200 con; 4 vườn rau được quy hoạch rất bài bản.

Theo Trung tá Phạm Văn Hiến – Phó chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, để công tác chăn nuôi phát triển, Ban chỉ huy đơn vị và bộ phận hậu cần coi trọng việc thuần chủng các giống lợn thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt trên đảo; tận dụng nguồn thức ăn dư thừa; tăng cường che chắn củng cố hệ thống chuồng trại. Thời kỳ gia súc, gia cầm sinh sản, đơn vị có giải pháp chăm sóc riêng, có kế hoạch phòng dịch bệnh theo mùa vụ.

Có lẽ không ở nơi nào như ở Trường Sa, các loài gia súc, gia cầm trở nên gắn bó, thân thiện, quấn quýt với người. Thế nên mới có chuyện Thiếu úy CN Vũ Khắc Quang thấy con lợn nái rét run vì lạnh đã cởi luôn chiếc áo mới đang mặc trên người đắp cho nó. Còn mấy đồng chí ở tổ chăn nuôi thì nhường luôn tiêu chuẩn đường, sữa chăm sóc mấy chú lợn con.

Ở nơi “thừa nắng gió, thiếu đất đai”, việc quy hoạch những khu vườn trồng rau không hề đơn giản, bình quân mỗi năm đảo bổ sung từ 10 – 12 m3 đất màu chở từ đất liền ra. Với số tiền Vùng đầu tư mỗi vườn rau 7 – 8 triệu đồng, cán bộ, chiến sĩ trên đảo huy động hàng ngàn ngày công ngoài giờ cải tạo đất màu. Mỗi lần thay quân, bộ đội bổ sung thêm cây giống, con giống. Muốn vườn rau phát triển nhanh, không bị sâu bọ phá hoại, phải chọn gieo trồng mùa nào thứ ấy sao cho phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng.

Ở những đảo chìm, công tác tăng gia, chăn nuôi càng thêm khó khăn, vậy mà khi đến các đảo Thuyền Chài, Đá Lát, Đá Tây...chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh những người lính trẻ tiết kiệm từng giọt nước, nâng niu từng cọng rau mới thấy họ trân trọng thành quả, sức lao động và quyết tâm vượt khó biết nhường nào...

Mùa xuân này, Trường Sa căng tràn sức sống, bởi ở nơi xa ấy, người chiến sĩ luôn chắc tay súng, vững niềm tin, canh biển, canh trời cho đất mẹ mãi mãi bình yên./.

(Phan Tiến Dũng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất