Trong chuyến thăm Hàn Quốc ngày 19-11, chặng dừng chân cuối cùng của chuyến công du châu Á, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Washington sẵn sàng giúp CHDCND Triều Tiên cải thiện kinh tế và kết thúc hàng thập kỷ cô lập nếu như Bình Nhưỡng ngừng các đe dọa và hướng đến việc giải giáp vũ khí hạt nhân.
Nói chuyện với các phóng viên sau cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, ông Obama nói Washington và Seoul nhất trí cho rằng miền Bắc phải chấm dứt các hành động khiêu khích vốn không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề.
Ông Obama cũng tiết lộ sẽ cử đặc phái viên đầu tiên của mình tới CHDCND Triều Tiên vào ngày 8-12 để thuyết phục nước này trở lại đàm phán vốn bị ngưng trệ trong gần một năm qua.
Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ tiếp tục tìm kiếm sự chấp thuận của các cơ quan lập pháp đối với hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn, được ký kết hơn hai năm trước nhưng vẫn chưa có hiệu lực thực tế.
Ông Lee nói ông sẵn sàng trao đổi về vấn đề quan trọng nhất đã khiến hiệp định chưa được phê chuẩn: mở cửa thị trường xe hơi. Reuters dẫn các nghiên cứu cho biết nếu hiệp định ký từ thời cựu tổng thống George W. Bush này được phê chuẩn, thương mại hai chiều có thể tăng thêm 20 tỉ USD từ mức 83 tỉ USD hiện nay.
Cảnh báo từ bên kia dãy Himalaya
Liên quan đến những cam kết của ông Obama về vấn đề chủ quyền và vẹn toàn lãnh thổ của Trung Quốc, tiến sĩ Subhash Kapila của Tổ chức nghiên cứu Nam Á (SAAG) cho rằng ông Obama “đã làm dấy lên những căng thẳng liên quan đến vấn đề an ninh do những dị biệt với Nhật Bản trong cách cảm nhận mới về Trung Quốc khi ông không xem Trung Quốc như một mối “đe dọa” và “không có ý định ngăn chặn, kiềm chế”.
Trước đây, “Mỹ luôn khua chiêng gióng trống rằng Trung Quốc là một mối đe dọa cho Mỹ và các đồng minh Đông Á”. Bởi vậy, khi ông Obama tuyên cáo “Mỹ không tìm cách kiềm chế Trung Quốc” chính là một thay đổi “quay đầu xe chữ U” của chính sách Mỹ.
Để kết luận, tiến sĩ Kapila dự báo “các khác biệt và bất đồng về cách cảm nhận các mối đe dọa có thể dẫn đến sự phân cực và sự đổ vỡ trong liên minh Mỹ - Nhật”.
B.Raman - một học giả cao cấp khác của SAAG, nguyên phó bí thư văn phòng Chính phủ Ấn Độ - bày tỏ một mối lo ngại khác: “Chính quyền Obama cho thấy ngày càng nhạy cảm đối với những quan tâm và lợi ích của Trung Quốc hơn là của Ấn Độ. Ông ngày càng đổi hướng tiến đến một chính sách trung lập về vấn đề khu vục Arunachal Pradesh, vốn là khúc xương tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc”.
|
Dư luận về chuyến đi châu Á của ông Obama
Khi ông Obama đến Nhật Bản, dân chúng Tokyo đón tiếp ông không khác gì với một ngôi sao giải trí. Bất chấp trời mưa, rất đông người vẫn tụ tập dọc hai bên đường đoàn xe của ông chạy qua và hô vang “Obama-san!”. Ở Trung Quốc, ông cũng đã được những người trẻ tuổi tiếp đón nồng hậu trong bài nói chuyện tại Thượng Hải.
Tại Hàn Quốc cũng là một khung cảnh tương tự. Tuy nhiên, New York Times bình luận: “Ông Obama hẳn phát hiện ra rằng sự nổi tiếng của ông trên những đường phố châu Á chưa chắc đã được phản ánh tương tự trên các bản nghị trình” đằng sau những cánh cửa đóng kín ở Kantei (phủ thủ tướng Nhật Bản), Đại lễ đường nhân dân (Bắc Kinh, Trung Quốc) hay Nhà Xanh ở Hàn Quốc.
Về một số bất đồng gần đây giữa Mỹ và Nhật, như vấn đề căn cứ quân sự Futenma, Okinawa, nhà nghiên cứu Kunihiko Miyake - giảng viên bộ môn quan hệ quốc tế tại Đại học Ritsumeikan, Kyoto - cho rằng vấn đề lớn nhất trong quan hệ song phương Mỹ - Nhật là làm thế nào để liên minh giữa hai nước thời hậu chiến tranh lạnh vẫn hiệu quả và hợp lý trước sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc.
“Giống như những người đồng sàng mà dị mộng. Người Mỹ muốn liên minh mạnh hơn, nhưng người Nhật có vẻ muốn hạn chế hơn”.
Báo Le Monde (Pháp) ngày 18-11 mở đầu bình luận bằng câu hỏi “Từ bạc bẽo nói theo tiếng Hoa ra sao?” và mô tả một cách đầy hình ảnh: “Tổng thống Mỹ đã không được thanh toán tiền vé cho chuyến trở về”.
Theo báo này, ông Obama đã cất công ca ngợi quan hệ Mỹ - Trung sẽ tạo nên thế kỷ 21. Ông đã xem Trung Quốc như một đối tác, chứ không như một đối thủ của Mỹ. Ông cũng không hướng vào việc lên lớp cho Trung Quốc, nhất là về nhân quyền. Nhưng ông đã nhận lại được gì? Báo này viết tiếp: “Chẳng nhận lại được gì đáng kể”.
Báo Thượng Hải Buổi Sáng ngày 18-11 cũng nhận định: “Những kỳ vọng (đạt được nhiều kết quả) của tổng thống Mỹ là không nhỏ chút nào nhưng các con át chủ bài của ông thì lại không nhiều”.
Uy tín của ông Obama xuống mức thấp nhất
Kết quả thăm dò dư luận do Trường đại học Quinnipiac, bang Connecticut thực hiện từ ngày 9 đến 16-11 cho thấy tỉ lệ người Mỹ ủng hộ ông Obama đã giảm xuống dưới mức 50% lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức. VOA cho biết cuộc thăm dò công bố kết quả ngày 18-11 cho thấy ông Obama chỉ còn được 46% cử tri ủng hộ.
Trong đó tỉ lệ ủng hộ chính sách của ông ở Afghanistan giảm từ 52% tháng trước xuống còn 48%, với chính sách kinh tế là từ 47% xuống còn 43%./.
(Theo Tuổi trẻ online)