Báo cáo này được thực hiện với sự hợp tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác phát triển Quốc tế của Australia (AusAID), Canada (CIDA), Đan Mạch, Phái đoàn châu Âu, Phần Lan, Nhật Bản (JICA), Tây Ban Nha (AECID), Thụy Điển, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh, Mỹ, Liên hợp quốc.
Báo cáo phát triển Việt Nam 2010 tập trung vào hai khía cạnh của thể chế hiện đại - những khía cạnh đổi mới quan trọng nhất của Việt Nam trong hai thập kỷ qua. Công cuộc đổi mới này đã được công nhận rộng rãi vì đã đem lại những khuyến khích cho sản xuất và tăng trưởng.
Ông James Anderson, đại diện WB, Chủ nhiệm Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2010 nói, thể chế là các quy định, theo đó các cá nhân, công ty và Nhà nước tác động lẫn nhau.
Kinh nghiệm của Việt Nam trong hai thập kỷ vừa qua đã cho thấy sự trao quyền và phân cấp ở các lĩnh vực khác: trao quyền và phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh và cấp thấp hơn, cho các đơn vị hành chính và sự nghiệp, cho tòa án và các cơ quan dân cử và cho các phương tiện truyền thông đại chúng và xã hội dân sự. Việc trao quyền đã bãi bỏ những kiểm soát quan liêu có thể đã đem lại lợi ích, song cũng đồng thời đặt ra một vấn đề cơ bản: làm thế nào để đảm bảo trách nhiệm giải trình sau khi trao quyền. Trên thực tế, nhiều hình thức, trách nhiệm giải trình mới đang được đưa ra, nhưng không phải lúc nào cũng là những biện pháp tối ưu và vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết.
Báo cáo phát triển Việt Nam 2010 là phương tiện để trao đổi ý kiến không chỉ với Chính phủ Việt Nam và cộng đồng nhà tài trợ mà còn là sự trao đổi giữa các nhà tài trợ. Mục tiêu của báo cáo nhằm tác động tới chương trình nghị sự về cải cách, xây dựng sự đồng thuận giữa các tổ chức nghiên cứu chính sách và công chúng.
Báo cáo Phát triển Việt Nam 2010 là tuyên bố chung của cộng đồng các nhà tài trợ về những tiến bộ và các triển vọng phát triển của Việt Nam cũng như mong muốn về một hệ thống phân cấp, trao quyền và chịu trách nhiệm giải trình./.
(Vietnam+)