Chatbot của WHO có thể trả lời được một vài câu hỏi ngay lập tức, nhằm mục đích cố gắng ngăn chặn tất cả các tin tức giả mạo lưu hành trên hệ thống ứng dụng nhắn tin này.
Theo nhật báo Le Temps ngày 29/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã ra mắt phần mềm chatbot bằng tiếng Pháp sử dụng trên nền tảng ứng dụng tin nhắn WhatsApp để trả lời các câu hỏi về đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, biện pháp này có thể là chưa đủ để ngăn chặn làn sóng tin giả được lưu truyền trên WhatsApp.
Phóng viên TTXVN thường trú tại Brussels cho biết chatbot của WHO có thể trả lời được một vài câu hỏi ngay lập tức, nhằm mục đích cố gắng ngăn chặn tất cả các tin tức giả mạo lưu hành trên hệ thống ứng dụng nhắn tin này.
Với 2 tỷ người dùng, WhatsApp - thuộc sở hữu của Facebook, là ứng dụng nhắn tin qua điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi nhất trên trên thế giới. Do vậy, đây cũng được cho là nền tảng có nhiều tin giả về dịch COVID-19 nhất.
Những ngày gần đây, rất nhiều tin giả đã xuất hiện như việc các bệnh viện Thụy Sĩ phải sắp xếp giường bệnh ngoài hành lang, hoặc chính quyền sử dụng trực thăng để khử trùng thành phố, thậm chí là danh sách các biện pháp chống COVID-19 giả...
Một số trong những tin nhắn này vô lý đến nỗi không thể lừa được người khác, nhưng một số khác, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, có vẻ rất thực tế.
Hiện, mạng xã hội Facebook đang tìm cách kiểm duyệt nội dung các bài đăng của người dùng. Tuy nhiên, công ty này không thể làm như vậy trên WhatsApp, do các tin nhắn được mã hóa và không ai ngoài người dùng có quyền truy cập.
Trong bối cảnh như vậy, WHO đã tiến hành thử nghiệm với chatbot - một dịch vụ liên lạc tức thì được quản lý hoàn toàn tự động.
Theo đó, chatbot sẽ cung cấp cho người dùng những thông tin hữu ích như virus SARS-CoV-2 không thể lây truyền qua muỗi đốt, tắm nước ấm không bảo vệ hoặc sử dụng rượu hoặc clo sẽ không tiêu diệt được virus đã xâm nhập...
Hầu hết các liên kết đến các trang web bên ngoài đều dẫn đến trang chủ của WHO.
Tuy nhiên phần mềm này tồn tại 2 hạn chế lớn. Trước hết là không thể thực sự đối thoại. Hạn chế khác là người dùng WhatsApp phải biết đến sự tồn tại của chatbox để sử dụng.
WHO hy vọng chatbox sẽ phổ biến rộng rãi đến nhiều người dùng WhatsApp hơn đồng thời cho biết sẽ ra mắt một ứng dụng khác có thể tải xuống từ điện thoại thông minh trong thời gian tới.
Hiện, WhatsApp cũng tìm cách tiếp cận khác để chống nạn tin giả. Ứng dụng này đã liên kết với các tổ chức như các hãng tin để người dùng có thể xác minh thông tin.
WhatsApp cũng đưa ra một loạt lời khuyên để hạn chế việc truyền bá thông tin sai lệch.
Apple cũng đang cố gắng cung cấp thông tin cho khách hàng của mình.
Tại Mỹ, Apple đã cập nhật cho "trợ lý ảo" Siri có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến COVID-19 và sau đó đưa ra khuyến nghị dựa trên những triệu chứng. Các khuyến nghị này dựa trên nguồn thông tin từ các cơ quan chính thức tại Mỹ.
Một dịch vụ tương tự có thể sẽ sớm được ra mắt bằng tiếng Pháp.
Hôm 27/3, Google thông báo sẽ cung cấp khoản tín dụng quảng cáo trị giá hơn 600 triệu USD cho các tổ chức y tế và doanh nghiệp để có thể tiếp tục truyền thông tin đến người dân và người tiêu dùng.
WHO và 100 cơ quan chính phủ sẽ nhận được khoảng 250 triệu USD tiền quảng cáo./.`
Theo TTXVN