Các nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cần tránh
thiết lập các rào cản thương mại và "phải thúc đẩy thương mại" nhằm đối
phó với sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế thế giới.
Cảnh báo này được đưa ra trong bản báo cáo giữa năm về phát triển gắn
liền với thương mại của Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo công bố trong
ngày 25/7 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Bản báo được thảo luận tại cuộc họp của Cơ quan Kiểm tra chính sách
thương mại trực thuộc WTO này, cho thấy tính từ giữa tháng 10/2015 đến
giữa tháng 5/2016 (thời điểm kiểm tra chính sách thương mại), trung bình
mỗi tháng các nước thành viên WTO đưa ra tới 22 biện pháp hạn chế
thương mại mới.
Số lượng các biện pháp này cao hơn rất nhiều so với các biện pháp ghi
nhận trong khoảng thời gian trước đó, với chỉ khoảng 15 biện pháp mỗi
tháng. 22 biện pháp hạn chế thương mại mỗi tháng cũng được coi là mức
trung bình tháng cao nhất kể từ năm 2011, thời điểm ghi nhận những biện
pháp hạn chế thương mại đạt mức kỷ lục.
Cũng theo các số liệu thống kê, trong số hơn 2.800 biện pháp hạn chế
thương mại ghi nhận qua các thời kỳ kiểm tra chính sách thương mại từ
tháng 10/2008 đến nay, mới chỉ có 25% đã được bãi bỏ.
Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo nhấn mạnh báo cáo trên đã cho thấy sự
gia tăng đáng lo ngại về tỷ lệ các biện pháp hạn chế thương mại mới được
thiết lập.
Ông Azevedo bày tỏ hy vọng tình trạng này sẽ thay đổi trong thời gian
tới và cho rằng cần có các hành động để đối phó với các biện pháp trên
để không cản trở giao thương cũng như hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực tới
tăng trưởng kinh tế và vấn đề tạo việc làm.
Năm 2015, tình hình thương mại thế giới vẫn ở trong trạng thái không
chắc chắn. Những viễn cảnh khác nhau của các nước phát triển và đang
phát triển làm nhiễu loạn thị trường tài chính thế giới cũng như dẫn tới
những biến động của giá nguyên liệu và tỷ giá ngoại hối.
Bản báo cáo cho thấy trong bối cảnh môi trường kinh tế thế giới gặp
nhiều thách thức, viễn cảnh của thương mại thế giới trong năm 2016 và
những năm sau đó vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn./.
(TTXVN)