Thứ Ba, 26/11/2024
Thể thao
Thứ Ba, 9/12/2008 16:23'(GMT+7)

Xã hội hóa là cách tốt nhất để bóng đá Việt Nam phát triển

“Chúng ta cần nhìn lại một cách tổng thể về chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam mà công việc quan trọng nhất là phải bắt đầu từ cái gọi là “nền tảng” đó là công tác đào tạo. Để có một nền bóng đá chuyên nghiệp thì phải có những con người chuyên nghiệp mà mọi sự chuyên nghiệp đều phải có sự đào tạo... Nhưng việc này, nếu chỉ Nhà nước nỗ lực đầu tư thì không xuể. Vì thế xã hội hóa công tác đào tạo là cách tốt nhất để đưa bóng đá Việt Nam phát triển bền vững...” - Đó là tâm sự của ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Technocom, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom tại lễ ra mắt Quỹ Đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam đầu tháng vừa qua tại TPHCM.

* Phóng viên
: Ông có tin rằng với sự góp sức của xã hội, đặc biệt là của giới doanh nghiệp thì bóng đá nước nhà sẽ có những đột phá mới?

* Ông LÊ KHẮC HIỆP:
Thực ra, việc xã hội hóa thể thao nói chung và bóng đá nói riêng không có gì mới. Đã có nhiều doanh nghiệp tham gia vào công tác này như Hoàng Anh Gia Lai, T&T, Gạch Đồng Tâm, Hòa Phát... Và thực tế đã minh chứng là việc tham gia của doanh nghiệp đã mang đến cho bóng đá VN một làn gió mới. Tuy nhiên, theo tôi, đến nay, sự tham gia của các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, chưa đủ sức để tạo ra sự biến chuyển lớn để bóng đá Việt Nam thực sự chuyên nghiệp; đặc biệt là chưa chú ý đến sự phát triển toàn diện và bền vững cho môn thể thao vua này tại Việt Nam.

* Như vậy với việc thành lập Quỹ Đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF), phải chăng các ông muốn trở thành những người đi tiên phong trong hoạt động chuyên nghiệp hóa cho công tác đào tạo bóng đá tại Việt Nam?

* Không hẳn là như vậy. Trước chúng tôi, anh Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh – Gia Lai cũng đã mở học viện đào tạo bóng đá rồi. Bên cạnh đó là hàng loạt các đơn vị khác. Nhưng tôi nghĩ, có thêm quỹ của chúng tôi nữa thì cũng không thừa. Hiện nay, công tác đào tạo của chúng ta còn yếu và thiếu bài bản lắm! Kinh phí đào tạo cũng thiếu trầm trọng, nếu chỉ để Nhà nước tự xoay xở thì e rất khó! Chính vì thế, với hình thức là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, kinh phí đào tạo là hoàn toàn miễn phí, chúng tôi tin rằng quỹ sẽ có những đóng góp đáng kể. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện tối đa cho các em thiếu niên thuộc mọi tầng lớp khắp mọi miền có cơ hội được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp, phát triển tài năng…

* Mục tiêu tiếp theo của các ông là muốn làm thương hiệu qua bóng đá!

* Tất nhiên! Đó cũng là một phần động lực thúc đẩy chúng tôi thành lập quỹ này. Người hâm mộ Việt Nam là những người hâm mộ bóng đá thuộc hàng nhất thế giới. Nếu thành công, thì người hâm mộ sẽ đánh giá cao quỹ và chúng tôi cũng được thơm lây!

* Hoạt động cơ bản của quỹ là gì, thưa ông?

* PVF sẽ hướng mục tiêu chính vào việc xây dựng một hệ thống đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy là quỹ phi lợi nhuận, nhưng để có nguồn thu ổn định và vững chắc cho việc tái đầu tư đào tạo các cầu thủ trẻ, thì ngoài việc vận động, thu hút các nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước có tâm huyết, quỹ sẽ sử dụng nguồn tài chính có được trong việc chuyển nhượng các cầu thủ sau khi hoàn thành khóa đào tạo cho các câu lạc bộ bóng đá trong và ngoài nước.

Theo kế hoạch, quỹ sẽ tiến hành tuyển chọn và đào tạo hoàn toàn miễn phí các tài năng trẻ từ năm 8 tuổi. Mỗi khóa học kéo dài 5 năm đối với lứa tuổi tuyển chọn U12-13, 7 năm với lứa U10-11 và khoảng 9 năm với lứa học viên U8-9. Để đào tạo các cầu thủ có trình độ quốc tế, quỹ sẽ liên kết đào tạo, sử dụng phương pháp huấn luyện, giáo án và huấn luyện viên từ một trong các trung tâm đào tạo của một trong các CLB nổi tiếng trên thế giới. Dự kiến, lứa cầu thủ đầu tiên do quỹ đào tạo sẽ được ra trường vào năm 2014.

Theo chiến lược phát triển, quỹ sẽ tiến hành xây dựng các trung tâm đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, hội đủ các điều kiện để các học viên học tập và sinh hoạt nội trú, tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Trước mắt quỹ sẽ xây dựng một trung tâm đào tạo tại TPHCM với diện tích 30 ha tại quận 9. Diện tích đất này nằm trong dự án BĐS cao cấp Tây Tăng Long mà Công ty TNHH Bất động sản Tây Tăng Long (đơn vị thành viên của chúng tôi) đã cam kết hỗ trợ cho quỹ.

Thời gian khởi công của dự án xây dựng trung tâm này được dự kiến vào khoảng tháng 10-2009 với đầy đủ các hạng mục gồm 5 sân vận động, nhà luyện tập và một hệ thống đồng bộ, hoàn chỉnh nhà dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe cho vận động viên và du khách tham quan… Trong thời gian chờ đợi trung tâm đào tạo được xây dựng xong (khoảng 2 năm), công tác đào tạo vẫn được quỹ tiến hành bằng việc thuê cơ sở vật chất của Trung tâm Thể thao Thành Long.

* Ông có thể nói thêm về tiêu chuẩn đào tạo cầu thủ của PVF?

* Chúng tôi quan niệm là làm gì cũng phải có nền tảng về đạo đức, văn hóa và sức khỏe. Ngay từ đầu, các em sẽ được các bác sĩ thể thao chăm sóc và rèn luyện về thể lực và được học văn hóa tại các trường học. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình học tập, các em sẽ được quản lý và giáo dục bởi các bảo mẫu và trợ lý huấn luyện viên, đảm bảo khi tốt nghiệp các cầu thủ sẽ là những con người sống có kỷ luật, có đạo đức và văn hóa tốt. Thể thao, nếu ở một chừng mực nào đó còn là thể diện quốc gia, dân tộc, vì vậy, chúng tôi cũng sẽ khơi dậy trong các em lòng tự hào dân tộc thật cao...

* Xin cảm ơn ông. 

Quỹ Đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) được sáng lập bởi 3 thành viên: Quỹ Thiện Tâm đóng góp 80%; Công ty CP Vincom đóng góp 10% và Công ty CP DL&TM Vinpearl đóng góp 10%. Quỹ có số vốn góp ban đầu là 80 tỷ đồng và dự kiến sau 2 năm hoạt động, bằng việc vận động tài trợ, đóng góp, quỹ sẽ tăng lên khoảng 30 triệu USD (500 tỷ đồng).

(Theo Báo SGGP)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất