Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 29/5/2009 11:29'(GMT+7)

Xây dựng chế tài đủ mạnh xử lý các hành vi xâm hại các di tích lịch sử văn hoá

Các đoàn đại biểu Quốc hội: TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Bình Dương, Nam Định, Đồng Tháp, Phú Yên thảo luận tổ - Ảnh: CPĐT

Các đoàn đại biểu Quốc hội: TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Bình Dương, Nam Định, Đồng Tháp, Phú Yên thảo luận tổ - Ảnh: CPĐT

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, việc xâm hại di tích lịch sử văn hoá đang diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Đại biểu Nguyễn Đức Hiền đưa con số dẫn chứng: Có 228/3.018 (chiếm 7,5%) di tích lịch sử xếp hạng quốc gia bị xâm hại, trong đó nhiều nhất là Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh…

Đại biểu Tất Thành Cang, Huỳnh Thành Lập (TP. Hồ Chí Minh), Võ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi) đề nghị cần làm rõ hơn quy định về nghiêm cấm các hành vi lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa “để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật”, nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng một số tệ nạn như bói toán, chơi tú ăn tiền trong các lễ hội có gắn với di tích lịch sử.

Các đại biểu thống nhất nhận định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa sẽ đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn phát triển các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao hơn nữa nhận thức của các ngành, các cấp và của cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của di sản văn hóa và trách nhiệm của toàn xã hội đối với di sản văn hóa.

Nhiều đại biểu cho rằng, nên có quy định về việc bảo vệ các di tích, lịch sử văn hoá chưa được xếp hạng bởi theo quy định của Luật Di sản văn hoá, chỉ các di tích đã được xếp hạng mới thuộc đối tượng được bảo vệ. Trên thực tế, bên cạnh di tích đã được xếp hạng còn nhiều công trình văn hoá, nghệ thuật, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên quý giá vì nhiều lý do khác nhau chưa được kiểm kê, xếp hạng. Các công trình và cảnh quan này rất dễ bị xâm phạm.

Đại biểu Lê Thanh Bình (TP. Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác đề nghị Dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh nhiều di sản văn hoá phi vật thể đang bị mai một, thất truyền.

Một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung tiêu chí đối với Di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, có phạm vi và mức độ ảnh hưởng mang tính khu vực và quốc gia và các tiêu chí về xếp hạng bảo tàng.

TG-CPĐT

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất