Thứ Tư, 9/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 9/3/2023 15:50'(GMT+7)

Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững gắn với tăng trưởng xanh

Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN

Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN

Để làm rõ hơn mục tiêu chính của đề án, cũng như vai trò quan trọng về hợp tác công tư trong xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam.

Xây dựng dự thảo Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến rộng rãi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mục đích chính của đề án sẽ hướng đến điều gì, thưa Thứ trưởng?


Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Đây là cũng là một nội dung thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng những vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

Ngành hàng lúa gạo là một lĩnh vực quan trọng vì đây không những là mặt hàng thuộc an ninh lương thực quốc gia mà còn là nghề truyền thống của hàng triệu nông dân Việt Nam.

Đề án này được thực hiện với đa mục đích; trong đó đặc biệt quan tâm đến cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26 phấn đấu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đặc biệt chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với vùng này, vì theo tính toán hiện nay lượng phát thải ra môi trường của sản xuất lúa vẫn chiếm khoảng 40% so với tổng lượng phát thải của sản xuất nông nghiệp. Việc giảm phát thải trong ngành lúa gạo cũng chính là việc giảm phát  thải trong ngành nông nghiệp cũng như của quốc gia.

Đề án cũng nhằm tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo cho nông dân theo hướng các hợp tác xã liên kết, nâng cao thu nhập cho nông dân bằng cách hướng dẫn họ quy trình sản xuất giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản xuất.

Vậy, việc tổ chức lại sản xuất sẽ được thực hiện như thế nào để có thể vừa đảm bảo mục tiêu giảm phát thải, vừa nâng cao được giá trị hạt gạo?

Để triển khai quy trình sản xuất giảm phát thải, ngành nông nghiệp đã có kinh nghiệm sản xuất trên cơ sở các mô hình như “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”... Bộ sẽ triển khai nhân rộng những quy trình sản xuất giảm phát thải gắn với nâng cao chất lượng và triển khai đồng loạt ra các địa phương.

Đây là một đề án khó và vấn đề khó nhất là chuyển đổi nhận thức của nông dân của chính quyền của các cấp và của chính doanh nghiệp. Thường mọi người có quan điểm là có đề án sẽ có tiền hoặc là khi có sản phẩm cụ thể sẽ có giá cao như thế nào. Dự án này không phải như vậy. Mục đích chính của đề án là sản xuất giảm phát thải với quy trình sản xuất, hạ tầng thủy lợi như thế nào...

Hiện đã có khoảng 180.000 ha đã sản xuất theo các quy trình giảm phát thải. Các quy trình đó sẽ được củng cố và nhân rộng ra. Bên cạnh đó, chúng ta có thể kế thừa những thành quả từ dự án VnSAT để nhân rộng với yêu cầu cao hơn.  

Đề án sẽ nâng cao năng lực của các hợp tác xã nông nghiệp để đảm đương được các nhiệm vụ này. Chúng ta không thể đi tổ chức cho từng hộ nông dân.

Đồng thời, thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất lúa gạo vào các vùng nguyên liệu này, bởi các doanh nghiệp cũng rất cần các vùng nguyên liệu. Khi có vùng nguyên liệu doanh nghiệp mới truy xuất được nguồn gốc, nâng cao giá trị khi tham gia thị trường gạo thế giới. Hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lúa gạo đăng ký tham gia vào đề án này.

Việc xây dựng Đề án đã nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân; trong đó, có các đối tác quốc tế. Xin Thứ trưởng cho biết, sự giam gia của các đối tác quốc tế có vai trò như thế nào?

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) và họ đã đánh giá rất cao việc xây dựng đề án này, đồng thời, nhấn mạnh đây là dự án đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo giảm phát thải. WB rất quan tâm và cam kết sẽ hỗ trợ triển khai đề án, từ đó nhân rộng ra các nước khác.
 
Cùng với đó, Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế cũng sẽ đồng hành vào đề án. Hay Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác cũng rất quan tâm đến nội dung đề án này. Các tổ chức quốc tế vai trò quan trọng là tư vấn về chuyên môn kỹ thuật để triển khai theo đúng các quy định của quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã làm việc với các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh thành rất đồng tình ủng hộ tham gia đề án và đã có sự đăng ký tham gia với 700.000 ha.

Dự án này chủ yếu sẽ huy động sự tham gia của doanh nghiệp và hợp tác xã. Hiện rất nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã đã đăng ký tham gia vào đề án này. Đây là điều kiện tiền đề thuận lợi khi đề án được phê duyệt.

Đề án không chỉ gói gọn 1 triệu ha có thể hơn hoặc có thể mang tính định hướng để làm sao đảm bảo có vùng nguyên liệu chuyên canh lúa giảm phát thải.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) ngành hàng lúa gạo. Vậy, mục đích chính của nhóm này sẽ là gì, thưa Thứ trưởng?

Để triển khai đề án này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có định hướng sẽ thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo. Hiệp hội này sẽ tập hợp các doanh nghiệp kể cả hợp tác xã, nông dân vào hiệp hội để họ đứng ra điều hành đề án này. Hợp tác công tư là để huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân…

Vấn đề chính là liên kết doanh nghiệp, nhà nhà nước và nông dân để tạo ra chuỗi giá trị. Nhà nước đóng vai trò xây dựng cơ chế tạo liên kết, xây dựng chuỗi giá trị giữa nông dân và doanh nghiệp.

Liên kết trong ngành hàng lúa gạo mới đạt khoảng 20%. Doanh nghiệp và hợp tác xã cần có sự cộng tác, liên kết để nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sẽ bền vững. Còn nếu chỉ liên kết để mua lúa gạo thì sẽ không bền vững.

Để có nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, khi đề án hoàn thành sẽ huy động sự tham gia của ngân hàng theo hướng nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh.

Theo tôi, tương lai thế giới bắt đầu có những yêu cầu các sản phẩm có chứng chỉ giảm phát thải. Như EU đã yêu cầu từ năm 2024 đối với phân bón cũng phải có chứng chỉ giảm phát thải. Sau đó có thể sẽ đến các sản phẩm có phát thải lớn khác; trong đó có ngành hàng lúa gạo.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất