Ngày 3/3/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương (số 23 Ngô Quyền, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với Lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); các Tổng công ty: Phát điện 1, Phát điện 2, Phát điện 3-CTCP, Điện lực-TKV, Điện lực Dầu khí Việt Nam, Đông Bắc; các Công ty: TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than về tình hình cấp than và nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm.
Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp đã báo cáo về tình hình cấp than và nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm năm 2022; các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, kiến nghị đối với Bộ Công Thương nhằm đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện và đạm năm 2023. Các kiến nghị đã được Bộ trưởng lắng nghe, giải đáp; đồng thời các Cục, Vụ chức năng của Bộ đã đề xuất những giải pháp cụ thể, thực chất để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ các doanh nghiệp; một số kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu để có phương án giải quyết khả thi, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Báo cáo của Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công Thương cho thấy, năm 2023 dự kiến than thương phẩm sản xuất khoảng 57,88 triệu tấn, trong đó than thương phẩm sản xuất trong nước khoảng 44,68 triệu tấn, than nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn.
Tổng than tiêu thụ khoảng 56,95 triệu tấn, trong đó cho các hộ điện vào khoảng 46,16 triệu tấn, hộ phân bón-hóa chất khoảng 2,5 triệu tấn, hộ xi măng khoảng 1,74 triệu tấn, các hộ khác khoảng 4,52 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 2,03 triệu tấn.
Đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than–Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc đã hoàn thành việc ký hợp đồng mua bán than năm 2023 với các nhà máy điện, đạm. Theo đó, TKV đã ký hợp đồng mua bán than cho 22 nhà máy nhiệt điện với tổng khối lượng hoảng 38,52 triệu tấn, 2 nhà máy đạm với tổng khối lượng khoảng 1,59 triệu tấn. Tổng Công ty Đông Bắc đã ký hợp đồng mua bán than năm 2023 với 10 nhà máy nhiệt điện với tổng khối lượng khoảng 7,64 triệu tấn.
Ước thực hiện 2 tháng đầu năm than thương phẩm sản xuất 8,34 triệu tấn, đạt 14,42% kế hoạch năm, than tiêu thụ khoảng 8,69 triệu tấn, đạt 15,25% kế hoạch năm. Trong đó than cấp cho điện khoảng 7,27 triệu tấn đạt 15,76% kế hoạch năm, than cấp cho phân bón-hóa chất khoảng 0,43 triệu tấn, đạt 17,2% kế hoạch năm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị trong việc sản xuất, nhập khẩu và cung cấp than cho sản xuất điện, đạm thời gian qua, góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện và đạm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân; tiếp tục đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hết sức dị biệt thời gian qua xuất phát từ những mâu thuẫn địa chính trị trên thế giới, khủng khoảng năng lượng dẫn đến giá nhiên liệu đầu vào của các ngành sản xuất tăng cao.
Để đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện và đạm năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than, nhà máy đạm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, trong mọi tình huống, các Tập đoàn (TKV, EVN, PVN), các Tổng công ty và chủ đầu tư các nhà máy điện, đạm phải bảo đảm đủ nguồn cung than cho sản xuất điện, đạm để phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân; không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung than (kể cả việc thiếu hụt, đứt gãy cục bộ). Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến việc cung cấp than cho sản xuất điện tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2019 và chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc cung cấp than cho sản xuất điện, đạm trong thời gian qua; đồng thời, nắm chắc tình hình và kịp thời báo cáo, đề xuất với các cấp có thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thứ hai, các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các cam kết tại Hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện, đạm đã ký. Doanh nghiệp cung cấp than chịu trách nhiệm toàn diện nếu không cung cấp đủ than theo cam kết dẫn tới thiếu than cho sản xuất điện và đạm trong nước. Ngược lại, các doanh nghiệp sử dụng than cũng phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng hợp đồng mua than.
Thứ ba, chủ động, tích cực và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, tìm kiếm đối tác, bạn hàng xuất khẩu than trên thế giới, nhất là với các nước mà Việt Nam là thành viên trong các Hiệp định thương mại tự do và các nước đã ký kết các văn bản hợp tác với các Bộ, ngành chức năng; trong đó, lưu ý chú trọng đến các thị trường xuât khẩu than tiềm năng (như Úc, Indonesia, Nam Phi, Lào…) mà Bộ Công Thương đã tổ chức kết nối tại các diễn đàn giao thương và tại các Kỳ họp liên quan.
Thứ tư, khẩn trương tổ chức nghiên cứu các cơ chế, chính sách của Lào liên quan đến hoạt động thương mại than và khảo sát thị trường than của Lào, các tuyến đường vận chuyển than về Việt Nam để bảo đảm tối ưu. Có phương án chuẩn bị hệ thống kho cảng chứa than tại Việt Nam ở vị trí phù hợp (nhất là trên địa bàn các tỉnh/thành phố có đường biên giới giáp Lào) để có thể tiếp nhận hiệu quả than nhập khẩu từ Lào.
Thứ năm, các đơn vị thực hiện công tác nhập khẩu than cần chủ động xây dựng kế hoạch nhập khẩu than với lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm trong nước.
Thứ sáu, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, chế biến than để sản xuất tối đa các chủng loại than theo nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ, đặc biệt là các chủng loại than cho sản xuất điện. Khẩn trương tổ chức rà soát hệ thống kho cảng tại khu vực miền Trung và miền Nam để nghiên cứu đề xuất xây dựng các phương án, kho trung chuyển dự trữ than bảo đảm cung cấp đủ và ổn định cho các nhà máy nhiệt điện than theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg.
Về kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể, yêu cầu tập trung tháo gỡ các vấn đề về vướng mắc giữa các doanh nghiệp cung cấp than với chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện, nhà máy đạm, trong đó nêu rõ nội dung cần thực hiện, tiến độ thực hiện và đơn vị chủ trì thực hiện; đồng thời giao các Cục/Vụ thuộc Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ các kiến nghị, rà soát các quy định hiện hành, phát hiện, sửa đổi các bất cập và cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp triển khai đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đã giao Thanh tra Bộ xây dựng kế hoạch thanh tra định kỳ, thanh tra đột xuất các đơn vị, đảm bảo giám sát thực hiện đúng theo kế hoạch, tiến độ đã đề ra.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã định hướng cụ thể các giải pháp trước mắt và lâu dài để đẩy mạnh sản xuất, chế biến than trong nước và tăng cường nhập khẩu than nhằm đảm bảo cung cấp đủ than cho điện, đạm. Đồng thời, chỉ đạo các Tập đoàn EVN, PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện, nhà máy đạm cần chú trọng hơn nữa đến việc tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, giải quyết tốt mối quan hệ giữa giá nguyên/nhiên liệu đầu vào với giá sản phẩm đầu ra phù hợp với quy luật thị trường và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nêu cao tinh thần tất cả vì mục tiêu chung để tăng cường cơ chế phối hợp nhằm giải quyết kịp thời và hiệu quả các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm của nhau; phối hợp thực hiện minh bạch, hiệu quả các hợp đồng đã ký kết để cùng đồng hành phát triển, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp và tiếp tục đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
Trọng Long