Thứ Bảy, 14/12/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 21/2/2023 9:47'(GMT+7)

Xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới phù hợp thực tiễn

Giờ học tại Trường mầm non Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Minh Hà/nhandan.vn)

Giờ học tại Trường mầm non Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Minh Hà/nhandan.vn)

Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Bá Minh cho biết: Sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện, đến nay, Chương trình giáo dục mầm non đã được thực hiện ở 15.461 cơ sở giáo dục mầm non (đạt tỷ lệ 100%), trong đó có hơn 5,2 triệu trẻ (99%) học 2 buổi/ngày.

Chương trình giáo dục mầm non hiện hành đã thể hiện tính ưu việt, khoa học, phù hợp thực tiễn và góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng; tạo cơ hội cho cơ sở giáo dục và giáo viên chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện; chương trình hướng đến sự phát triển toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, phương châm giáo dục “học bằng chơi, bằng trải nghiệm”. Hiện cả nước có hơn 378 nghìn giáo viên, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,5%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,82%.

Tuy nhiên, trước yêu cầu cao hơn của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới là điều cần thiết. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, về quan điểm và định hướng xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới cần kế thừa, phát triển trên quan điểm chương trình hiện hành để dễ thực hiện và tiếp tục phát triển.

Đặc biệt, chương trình cần tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến, hội nhập với giáo dục quốc tế; chú ý nhiều hơn đến các vấn đề giáo dục trẻ trở thành công dân toàn cầu. Nội dung chương trình cần thể hiện rõ nét hơn tính liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó, cần xem xét lại khả năng tiền học đọc và tiền học viết cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi để liên thông với tiếng Việt tiểu học.

Chương trình cũng cần cho trẻ làm quen với ngoại ngữ và đưa thêm phần ứng dụng công nghệ; giáo dục quyền con người, giáo dục hòa nhập, giáo dục giới tính. Đặc biệt, chương trình được thiết kế mang tính mở để bảo đảm phù hợp các điều kiện vùng, miền...

Theo PGS, TS Hu Xinyun Annie, Khoa Giáo dục mầm non, Trường đại học Giáo dục Hồng Kông (Trung Quốc), khác với cách học truyền thống chú trọng truyền tải về kiến thức, hiện nay, chuyên gia giáo dục mầm non tập trung xây dựng chương trình mới hướng đến phương pháp giáo dục cung cấp cho trẻ các kỹ năng, qua đó phát triển năng lực, cảm xúc, trẻ em học được cách chia sẻ, chăm sóc, trải nghiệm, hỗ trợ những người chung quanh.

Còn TS Aija Rinkinen, chuyên gia cao cấp về giáo dục của Ngân hàng Thế giới cho biết: Khi xây dựng chương trình giáo dục mầm non cần quan tâm đến triết lý giáo dục. Trẻ em là trung tâm, còn chăm sóc và phát triển trẻ là phương pháp. Giáo viên được bồi dưỡng thường xuyên để cập nhật, đổi mới. Chương trình giáo dục mầm non mới của Việt Nam cần chú trọng trang bị cho trẻ những kỹ năng mới như kỹ năng thích ứng, kỹ năng số...

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ lưu ý đến cấp học mầm non, bởi đây là cấp học có tính chất quyết định tương lai của trẻ em, cả về phương diện thể chất lẫn tinh thần và trí tuệ. Để xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới, nhóm biên soạn cần tiếp tục đánh giá, khảo sát sâu hơn đối với chương trình giáo dục mầm non hiện hành, tiếp thu ý kiến từ đội ngũ giáo viên về những thuận lợi, vướng mắc khi triển khai chương trình.

Về việc thiết kế chương trình cần lưu ý chương trình vừa tiếp cận được kinh nghiệm thế giới, khoa học với bậc học mầm non; vừa phù hợp điều kiện thực tiễn văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam. Chương trình giáo dục mầm non mới cũng phải đạt được các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược của Việt Nam về phát triển con người. Bên cạnh đó, khi xây dựng chương trình cần lưu ý tính kế thừa chương trình cũ, lấy nền tảng khoa học tâm lý học, trong đó nhấn mạnh đặc thù lứa tuổi.

Việc khảo sát, thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non mới sẽ được làm thấu đáo. Mục tiêu là có một chương trình giáo dục mầm non tốt, phù hợp lứa tuổi, phù hợp khả năng thực hiện. Vì vậy, ngay trong quá trình xây dựng chương trình, các địa phương cần chuẩn bị lực lượng, tập huấn, đào tạo giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng. Song song với đó, các trường sư phạm cần chú trọng đổi mới chương trình đào tạo giáo viên./.

Quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới sẽ theo hướng tiếp cận năng lực, quan tâm đến phát triển toàn diện, đặc thù vùng, miền và trao quyền triển khai chương trình giáo dục mầm non ở các địa phương. Chương trình giáo dục mầm non mới dự kiến sẽ chú trọng đến bốn phẩm chất gồm: Yêu thương, tôn trọng, trung thực, trách nhiệm; đồng thời, sẽ chú trọng năm năng lực chung gồm: Giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, thích ứng, tự lực. (GS. TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Khoa học giáo dục Việt Nam, Trưởng Ban biên soạn Chương trình Giáo dục mầm non

QUỲNH NGUYỄN
Viện trưởng Khoa học giáo dục Việt Nam
Trưởng Ban biên soạn Chương trình Giáo dục mầm non

(Nguồn: nhandan.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất