1. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ quan điểm: Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển giáo dục nghề nghiệp bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong đó đề ra mục tiêu phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Để triển khai hiệu quả Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các nước ASEAN-4 và các nền kinh tế G20. Nghiên cứu, bổ sung trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và xu hướng quốc tế. Giáo dục toàn diện, chú trọng đến phát triển phẩm chất, bình đẳng giới, hình thành các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ và cá thể hóa người học. Chuyển từ đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá theo năng lực người học, chú trọng đến sản phẩm đầu ra, không chỉ là kiến thức, kỹ năng, thái độ mà còn là khả năng vận dụng, ứng dụng những kỹ năng, năng lực được học để đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của xã hội và hoàn thành tốt công việc đảm nhiệm. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực người học, lấy người học làm trung tâm, làm chủ thể của hoạt động giảng dạy, học tập là một trong khâu then chốt, quyết định đến chất lượng giáo dục, đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực của cơ sở đào tạo, khẳng định vị thế của cơ sở đào tạo trong xu thế cạnh tranh, hội nhập. Đây là vấn đề đặt ra đối với giáo dục nghề nghiệp nói chung và với mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo từ điển Bách Khoa Việt Nam: “Năng lực là đặc điểm của cá nhân thể hiện mức độ thông thạo - tức là có thể thực hiện một cách thành thục và chắc chắn - một hay một số dạng hoạt động nào đó”. Năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,... thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể”. Năng lực người học là khả năng vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, thái độ của người học một cách phù hợp và có hiệu quả trong các tình huống đa dạng của cuộc sống. Theo tác giả Bernd Meier và Nguyễn Cường (2012): “Năng lực là khả năng thực hiện có trách nhiệm và hiệu quả các hành động, giải quyết các nhiệm vụ, vấn đề trong những tình huống khác nhau thuộc các lĩnh vực nghề nghiệp, xã hội hay cá nhân trên cơ sở hiểu biết, kĩ năng, kĩ xảo và kinh nghiệm cũng như sự sẵn sáng hành động”.
|
Phòng học mô phỏng của nghề Lắp đặt cửa điện.
Trong khoa học giáo dục, khi xây dựng chương trình cho một môn học nào đó, thường có hai cách tiếp cận: thứ nhất là tiếp cận dựa vào nội dung (mục tiêu - nội dung kiến thức); thứ hai là tiếp cận dựa vào kết quả đầu ra (mục tiêu - năng lực thực hiện). Trong đó, tiếp cận dựa vào nội dung là phương thức nêu ra một danh mục đề tài, chủ đề của một lĩnh vực (môn học), tập trung xác định và trả lời câu hỏi “Người thầy giáo muốn người học biết được cái gì?”. Cách tiếp cận này chủ yếu dựa vào yêu cầu nội dung của một khoa học bộ môn nên thường mang tính hàn lâm, nặng về lý thuyết và tính hệ thống, người xây dựng chương trình này thường ít chú ý đến tiềm năng, các giai đoạn phát triển, nhu cầu, hứng thú và điều kiện của người học. Tiếp cận dựa trên kết quả đầu ra là cách tiếp cận nêu rõ kết quả - những khả năng hoặc kỹ năng mà người học mong muốn đạt được vào cuối mỗi giai đoạn học tập trong nhà trường ở một môn học cụ thể. Cách tiếp cận này nhằm trả lời câu hỏi “Người thầy muốn người học biết và có thể làm được những gì?”. Nội dung giảng dạy theo quan điểm tiếp cận năng lực không chỉ giới hạn trong tri thức và kỹ năng chuyên môn mà còn gồm những nhóm nội dung nhằm phát triển các lĩnh vực năng lực bao gồm năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội và năng lực nhân cách.
Như vậy, phương pháp giảng dạy là những cách thức làm việc giữa người dạy và người học để nhằm đạt được mục đích đề ra. Phương pháp giảng dạy truyền thống là cách thức giảng dạy lấy người dạy làm trung tâm, là quá trình chuyển tải thông tin, tri thức từ người dạy sang người học. Phương pháp này có ưu điểm người dạy làm chủ tình huống và nội dung bài giảng; thể hiện được tính khoa học và hệ thống trong công tác giảng dạy, đào tạo; quá trình giảng dạy, học tập được tổ chức theo khuôn mẫu, lớp học nghiêm túc, trật tự; chi phí đầu tư thấp và phù hợp với những lớp học lý thuyết với số lượng người học nhiều. Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy này có nhược điểm chưa thật chú ý đến phát triển khả năng của người học, nhất là kỹ năng thực hành, điểm đặc biệt quan trọng đối với giáo dục nghề nghiệp; vai trò của người dạy được đề cao, người học thụ động tiếp thu kiến thức, kiến thức thiên về lý thuyết, đôi lúc ỷ lại hoặc trông trờ vào người dạy; thiếu tính tương tác giữa thầy và trò, hoạt động giảng dạy và học tập đơn điệu, thiếu sinh động, hấp dẫn…
Phương pháp giảng dạy theo quan điểm tiếp cận năng lực không chỉ chú ý đến tính tích cực hoá cho người học về hoạt động trí tuệ mà còn chú ý rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp, đồng thời gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn. Phương pháp giảng dạy này có ưu điểm nhấn mạnh vào năng lực vận dụng tri thức, kiến thức của người học tiếp thu được từ người dạy vào thực tiễn; người học chủ động hơn trong học tập, có thể khám phá những tri thức mới ngoài kiến thức từ người dạy, hình thành thái độ tự học tập, tự nghiên cứu, phát triển kỹ năng, nhất là kỹ năng mềm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đồng thời, việc tăng cường học tập theo nhóm, trao đổi, tương tác giữa người dạy - người học có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội, phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của xã hội trong những tình huống thực tiễn.
Trong xu thế đổi mới giáo dục nghề nghiệp, hội nhập thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì việc lựa chọn, sử dụng phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực người học trong giáo dục nghề nghiệp là giải pháp được cho là tối ưu. Phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực trong giáo dục nghề nghiệp được áp dụng triển khai sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với phương pháp giảng dạy truyền thống; thời lượng học lý thuyết ngắn hơn, giảng viên ít thuyết trình, diễn giảng, tập trung nhiều thời lượng thực hành, lôi cuốn người học vào những hoạt động đa dạng trong lớp học cũng ngoài lớp học; người học có nhiều cơ hội tham gia, trải nghiệm, tự học, tự nghiên cứu, tự khám phá sẽ cho pháp họ có thể lĩnh hội được những tri thức, hình thành tư duy đổi mới, sáng tạo, sự tự tin và ngày càng phát triển toàn diện nhân cách. Đây cũng chính là trong những mục tiêu cần đạt được để phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
|
Lớp bồi dưỡng “Đổi mới phương pháp dạy học ở các cơ sở GDNN theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện” cho 40 nhà giáo dạy trình độ sơ cấp trong tỉnh. Ảnh: N.M
2. Một số khuyến nghị nâng cao hiệu quả phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực người học trong giáo dục nghề nghiệp
Nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, đáp ứng môi trường làm việc hiện đại tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong nước và ngoài nước, góp phần tạo nguồn nhân lực chất cao đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc nâng cao hiệu quả phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực người học trong giáo dục nghề nghiệp là rất cần thiết, cần được thực hiện đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và từ gia đình, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, người dạy, người học.
Thứ nhất, Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từng bước triển khai đồng bộ hóa chương trình đào tạo, ngành nghề nghề đào tạo; xây dựng, hoàn thiện quy định chuẩn đầu ra đối với khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực người học cần đạt được sau khi tốt nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của thị trường lao động, của doanh nghiệp…
Tăng cường tổ chức các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập, bồi dưỡng, hội thảo khoa học giúp đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; đồng thời có chính sách động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tích cực đổi mới, ứng dụng công nghệ số và các phương pháp giảng dạy hiện đại theo hướng tiếp cận năng lực người học để tổ chức các hoạt động giảng dạy ngày hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia cuộc thi kỹ năng nghề, tham gia hoạt động ngoại khóa, thực tập, học tập kỹ năng mềm từ doanh nghiệp. Phát triển mạng lưới thư viện trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đầy đủ và đa dạng các tài liệu học tập cho học sinh, sinh viên và tài liệu nghiên cứu, giảng dạy cho giáo viên. Phát triển kho học liệu số ở tất cả các trình độ, ngành nghề đào tạo, dùng chung trong toàn hệ thống và liên kết với quốc tế. Đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, thiết bị ảo, thiết bị tăng cường ở những ngành, nghề phù hợp, tạo môi trường giảng dạy và học tập thuận lợi phát huy năng lực của người học.
Ảnh minh họa.
Thứ hai, Đối với giáo viên, giảng viên giáo dục nghề nghiệp, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Mỗi thầy giáo, cô giáo giáo dục nghề nghiệp phải tự giác học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới. Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp luôn cập nhật những kiến thức mới, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, phương pháp giảng dạy hiện đại, các kỹ năng cốt lõi mà thế kỷ XXI đòi hỏi cùng kỹ năng mềm, kỹ năng số, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để cung cấp cho người học những thông tin chính xác, kịp thời, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của người học tham gia vào quá trình lĩnh hội tri thức, là tấm gương sáng để người học noi theo.
Thứ ba, Đối với người học, phải trang bị cho bản thân những nhóm kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết ngay từ khi bước vào nhà trường để sẵn sàng làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất sau khi tốt nghiệp. Muốn vây, người học phải nắm vững kiến thức chuyên ngành, ngành nghề đào tạo; có trình độ ngoại ngữ, tin học đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, sử dụng lao động và cạnh tranh với những lao động khác. Người học có kỹ năng giao tiếp, tổ chức công việc hợp lý, khoa học; có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình tốt. Đây là những kỹ năng rất cần thiết cho người học trong quá trình học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giúp người học tự tin, mạnh dạn và hội nhập với môi trường nhà trường, xã hội. Đặc biệt, người học phải xác định được mục tiêu, động lực học tập đúng đắn, tự rèn luyện phương pháp học tập hợp lý phù hợp với năng lực của bản thân, nhất là tự học, tự rèn luyện bản thân, biết vận dụng tri thức được học trong nhà trường để giải quyết những vấn đề, tình huống đặt ra trong thực tiễn./.
Trần Đình Minh, Trường Đại học Giáo dục