(TG) - Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội.
Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.
Xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu của tỉnh đối với việc phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Con người với tư cách là chủ thể xã hội, đóng vai trò quyết định trong quá trình phát triển.
Văn hóa có vai trò quan trọng trong việc hình thành phẩm chất, nhân cách con người và phát triển văn hóa luôn gắn với xây dựng con người. Chủ động xây dựng các chương trình hành động, đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện, sự nghiệp văn hóa của Yên Bái trong 30 năm tái lập tỉnh đã có những bước tiến mới, góp phần phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên, hướng tới xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tạo động lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Có 30 dân tộc chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57%, vấn đề đảm bảo duy trì, bảo vệ, phát huy được các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa các dân tộc đồng thời xây dựng, phát triển những giá trị mới đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới, yêu cầu phát triển của xã hội là một thách thức lớn với Yên Bái. 312 nghệ nhân trong toàn tỉnh là những người đang nắm giữ, thực hành và truyền dạy các giá trị di sản trong cộng đồng, tiếp nối và lan tỏa vốn quý văn hóa truyền thống các dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác với một niềm tự hào, tâm huyết, đam mê và nỗ lực cống hiến.
Tỉnh quan tâm thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển văn hóa đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa, thu hút các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản, tạo nguồn tài nguyên quan trọng cho phát triển du lịch.
Hoạt động tuyên truyền thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” của Chính phủ và các chính sách văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc và từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ các tập quán lạc hậu.
Yên Bái hiện có 119 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp, 714 di sản văn hóa phi vật thể và đã phối hợp hoàn thiện Hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đệ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các giá trị văn hóa dân tộc như: trang phục, kiến trúc, nhạc cụ, dân ca, dân vũ, lễ hội, nghề truyền thống… đã được chú trọng khôi phục và phát huy. Các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng và các hoạt động lễ hội, du lịch chính là thực hiện công tác bảo tồn văn hóa dân tộc gắn với phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở.
Một trong những hướng đi Yên Bái ưu tiên thực hiện và đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực là khai thác những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng đã tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách gần xa. Trên 3 triệu lượt du khách, trong đó trên 227.000 lượt khách quốc tế đã tới Yên Bái trong giai đoạn 2016 - 2020; tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch hằng năm đạt 10,3%; doanh thu từ hoạt động du lịch bình quân hằng năm tăng 19,6%.
Trên 1.300 đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, quảng bá và giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua hoạt động văn nghệ phục vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng.
Yên Bái đã chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình để phát triển con người toàn diện. Các địa phương tập trung xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và triển khai thực hiện 2 tiêu chí về văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tự giác thực hiện nếp sống văn minh, phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã động viên, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên xóa đói, giảm nghèo của nhân dân.
Người dân Yên Bái trong vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới 10 năm qua đã tạo nên diện mạo mới, sức sống mới cũng như làm nên thành quả đáng ghi nhận, trong đó Trấn Yên là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của khu vực Tây Bắc. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt hiệu quả thiết thực.
Đến nay, toàn tỉnh có 80% số hộ gia đình văn hóa; 66,5% số thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; 86,1% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 71 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 14 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Đặc biệt, xác định vai trò của gia đình trong sự hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người là hết sức quan trọng, Yên Bái đã xây dựng tiêu chí đánh giá "Gia đình hạnh phúc”, "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc” và triển khai hướng dẫn thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại huyện Văn Yên đồng thời nhân rộng các mô hình "Phòng, chống bạo lực gia đình”. Ngoài ra, các hoạt động về nâng cao trình độ dân trí, phát triển văn hóa đọc cùng với chú trọng phát triển thể chất, đảm bảo phát triển toàn diện con người được thực hiện đồng bộ và hiệu quả.
Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm là "Khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. Cụ thể hóa nhiệm vụ, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 37 ngày 9/6/2021 về xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. Coi trọng xây dựng và phát triển toàn diện con người Yên Bái chính là tạo động lực và "sẽ tiếp tục là động lực cho giai đoạn phát triển tới” của tỉnh theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”.
"Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, Yên Bái đã, đang và sẽ kế thừa, thực hiện sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển con người. Đó cũng chính là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”./.
Nguyễn Thơm