Thứ Ba, 31/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 10/11/2008 19:41'(GMT+7)

Xây dựng đội ngũ lãnh đạo và chỉ đạo công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sơ lược về CIO

Ở Việt Nam, thuật ngữ này mới xuất hiện mấy năm gần đây nhưng vẫn chưa được dịch và định nghĩa thật chuẩn sang tiếng Việt nên ta có thể hiểu CIO là nhà lãnh đạo công nghệ thông tin của một tổ chức. Theo quá trình phát triển ngành điện toán, thì trước năm 1960, khi công nghệ là những cỗ máy tính điện tử khổng lồ, hoạt động độc lập, phục vụ nhu cầu tự động hoá các chức năng đánh máy thì CIO chỉ mang tính chất của người giám sát. Giai đoạn 1960-2000, khi hiệu quả công việc của các chuyên gia máy tính được đặt lên hàng đầu thì CIO mang vai trò quản lý việc xử lý số liệu.

Từ năm 2000 đến nay, do internet và các thiết bị không dây ngày càng trở thành những công nghệ thông dụng thì CIO thực sự là vai trò của những nhà quản lý, lãnh đạo quan trọng trong tổ chức (bộ, ban, ngành, cơ quan nhà nước của trung ương và địa phương, doanh nghiệp) để thực thi kế hoạch, hoạch định xây dựng hạ tầng thông tin của tổ chức, kết hợp nhuần nhuyễn hạ tầng thông tin với các quy tắc hành chính để quản lý, điều hành.

Đến nay, theo các tài liệu quốc tế thì một CIO thực thụ sẽ phải cùng lúc thực thi 7 nhiệm vụ: Thiết lập chiến lược phát triển công nghệ thông tin và viễn thông (ICT), các dự án phát triển ICT, các nguyên tắc; thiết kế, xây dựng, duy trì và khám phá hệ thống công nghệ máy tính; quản lý và phân tích hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu; quản lý hệ thống kiến thức; quản lý hệ thống tài sản; quản lý tái cơ cấu kinh doanh (BPR) và các sáng kiến, thực hiện cải cách; giám sát, điều khiển, đánh giá tiến bộ của chiến lược và của dự án. Theo giới chuyên gia, đây là một nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi kỹ năng, năng lực quản lý lớn.
 
Chính vì vậy, để trở thành CIO, nhà lãnh đạo cần có nhiều khả năng, kỹ năng nổi trội, vừa là một nhà khoa học, vừa là một nhà lãnh đạo và một nhà ngoại giao. Đó là các khả năng tương tác và xã hội hoá với các thành viên của tổ chức; khả năng thuyết phục; khả năng giao tiếp rành mạch cả viết và nói. Riêng về hành vi nhân, CIO phải là người đi tiên phong, sáng tạo và nhiệt tình trong mọi công việc. Ngoài ra, CIO còn phải có khả năng tìm kiếm thông tin phân tích, kiên nhẫn trong triển khai, thực hiện mọi công việc; linh hoạt trong xử lý công việc và có kiến thức cơ bản, chuyên môn phù hợp với mục đích của tổ chức.

Theo bà Linda Kennedy - Tổng biên tập Tạp chí CIO Hoa Kỳ thì yêu cầu hàng đầu của một CIO là khả năng giao tiếp tốt, tiếp đó là hiểu biết quy trình công việc, khả năng tư duy chiến lược, khả năng tạo ảnh hưởng, kỹ năng thương thuyết và cuối cùng mới là kỹ năng kỹ thuật. Vậy, trình độ công nghệ thông tin của CIO có thể dừng ở mức hiểu biết mang tính nguyên lý cơ bản như thông tin được lưu trữ, xử lý như thế nào bên trong máy tính, các máy tính nối mạng có ích lợi gì? Internet là gì? Làm việc, hội nghị từ xa là thế nào?... Kết quả nghiên cứu của tập đoàn IDG quốc tế cho thấy, một CIO thành công hội tụ những yếu tố sau: khả năng giao tiếp tốt (84%), hiểu quy trình công việc (70%), tư duy chiến lược (69%), khả năng ảnh hưởng (35%), khả năng thương thuyết (17%), khả năng kỹ thuật (5%).

Trong 4 lần bình chọn và trao giải CIO Việt Nam xuất sắc, một sự kiện của giới công nghệ thông tin do tập đoàn IDG Việt Nam khởi xướng, đã có 2 nhà lãnh đạo công nghệ thông tin làm việc trong hệ thống các cơ quan Đảng được vinh dự nhận giải.

CIO trong hệ thống các cơ quan Đảng

Trong quá trình thực hiện Đề án tin học hoá hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2001-2005 (Đề án 47), Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin của cơ quan Đảng đã phê duyệt Dự án đào tạo công nghệ thông tin, giao Ban Khoa giáo Trung ương chủ trì thực hiện.

Một trong những mục tiêu quan trọng của
dự án là từng bước xây dựng phương pháp luận chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ lãnh đạo phụ trách công tác ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm các đồng chí lãnh đạo các cơ quan trung ương và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành uỷ (đồng chí Phó Bí thư thường trực, lãnh đạo Văn phòng tỉnh, thành ủy trực tiếp phụ trách công tác triển khai ứng dụng CNTT).

Đây có thể coi là bước đầu trang bị kiến thức lãnh đạo cho các CIO trong hệ thống các cơ quan Đảng.

Do đặc thù tính chất công việc, các lớp tập huấn cho đối tượng này được tổ chức dưới hình thức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin theo vùng miền trên toàn quốc.

Trong các năm 2005, 2006 và 2007, Ban Khoa giáo Trung ương đã phối hợp với Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin của cơ quan Đảng và các đơn vị có liên quan đã tổ chức 15 Hội nghị, với sự tham gia của trên 500 lượt cán bộ, trong đó có 96 lượt cán bộ cấp lãnh đạo, chỉ đạo và 174 lượt cán bộ cấp quản lý, điều hành từ trung ương đến địa phương.

Ban Quản lý dự án cũng đã tổ chức 4 đoàn tham quan cho hơn 30 cán bộ chủ chốt đi khảo sát ứng dụng công nghệ thông tin thực tế tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Australia và Cộng hòa Liên bang Đức; phối hợp với VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam và VTC5, Đài truyền hình kỹ thuật số xây dựng một số chuyên đề phát trên sóng của VTV và VTC, phản ánh thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin, những kinh nghiệm tích cực và những khó khăn trong việc triển khai Đề án 47 tại một số tỉnh ủy, thành ủy như Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An...

Từ những hoạt động trên, Ban Quản lý dự án đã tích lũy được nhiều tài liệu quý về đào tạo CIO và từng bước hình thành phương pháp luận chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ lãnh đạo phụ trách công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống các cơ quan Đảng. Ở một số đơn vị, nhiều cán bộ lãnh đạo đã trực tiếp sử dụng máy tính để khai thác tài liệu, trao đổi thông tin trên mạng máy tính nội bộ, tìm và khai thác thông tin trên các cơ sở dữ liệu hiện có. Nhiều nơi đã khai thác và sử dụng có hiệu quả mạng máy tính phục vụ cho công việc, dần dần hình thành nền nếp làm việc mới với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Sau khi tổng kết Đề án 47, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 06-QĐ/TW, ngày 19-6-2006 ban hành Đề án tin học hoá hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2006 – 2010 với một trong những mục tiêu quan trọng là Tất cả các cơ quan Trung ương và cấp uỷ từ cấp quận, huyện trở lên đều có cán bộ lãnh đạo được phân công trực tiếp phụ trách công tác thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin (CIO).

Với nhận thức việc ứng dụng công nghệ thông tin phải tiến hành trên nguyên tắc chỉ đạo thống nhất từ trên xuống, nhận thức phải rõ ràng, chỉ đạo phải cương quyết của thủ trưởng các cấp nhằm tạo sự đồng bộ, liên thông giữa các cơ quan, giữa các tầng quản lý, tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương đang khẩn trương xây dựng Dự án đào tạo cán bộ lãnh đạo về quản lý các hệ thống thông tin và chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng.

Thông qua các hoạt động của dự án, các đồng chí cán bộ lãnh đạo và quản lý sẽ nắm rõ vai trò cần thiết của công tác tin học hóa hoạt động của cơ quan, đơn vị; nắm được phương pháp chỉ đạo tổ chức thông tin, xây dựng các ứng dụng, các nguyên tắc trao đổi, chia sẻ thông tin, cơ cấu bộ máy cơ quan cho phù hợp; định hướng một số vấn đề chung về công nghệ thông tin; dự tính được các hiệu quả, lợi ích khi tin học hóa; chỉ đạo, quản lý thành công dự án thành phần Đề án 06 tại đơn vị mình, góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị 58-CT/TW, ngày 17-10-200 của Ban Bí thư trung ương Đảng về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Nguyễn Phương Anh
(Ban Chỉ đạo Công nghệ Thông tin của cơ quan Đảng)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất