ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA VÀ NHỮNG BIẾN ĐỔI VĂN HÓA TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG
Vùng
đồng bằng sông Hồng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển
kinh tế, xã hội nói chung ở Việt Nam. Là nơi có vị trí địa lý và điều
kiện tự nhiên rất thuận lợi, có cửa ngõ thông thương lớn và quan trọng,
là vùng có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa
với các khu vực lân cận và thế giới. Có tài nguyên thiên nhiên phong
phú, là vựa lúa lớn thứ hai của Việt Nam, có trữ lượng than, khí đốt
lớn. Dân cư đông đúc, đặc biệt là có trình độ cao. Có những trung tâm
lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, có hệ thống đô thị phát triển...
Về
văn hóa, vùng đồng bằng sông Hồng có đặc trưng nổi trội về cả ẩm thực,
trang phục, đến các làng nghề truyền thống,… Các món ăn đậm nét đồng
bằng Bắc Bộ, như phở Nam Định, bánh cuốn Thanh Trì, cá kho Hà Nam,… đã
trở thành các món ăn truyền thống của Việt Nam được thế giới biết đến.
Đặc biệt, các làng nghề vùng đồng bằng sông Hồng là hiện thân sinh động
của lịch sử lâu đời của người Việt cổ, nhiều làng nghề thủ công đã có
lịch sử phát triển hàng trăm năm, như làng Ngũ Xã Tràng (Hà Nội) nổi
tiếng với nghề đúc đồng, làng gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), làng tranh Đông
Hồ (Bắc Ninh), lụa Hà Đông (Hà Nội), gốm Chu Đậu (Hải Dương)…
Đặc
trưng văn hóa tinh thần cũng được hình thành từ môi trường sống cộng
đồng. Đó là chân ái, kính trên nhường dưới, coi trọng tình làng nghĩa
xóm, truyền thống thờ cúng tổ tiên, cúng giỗ…, tín ngưỡng thờ thành
hoàng, thờ mẫu, thờ cụ tổ nghề… Đó là văn hóa dân gian múa rối nước,
quan họ…; là lễ hội chùa Hương (Hà Nội), hội Đền Hùng (Phú Thọ), Hội Lim
(Bắc Ninh),...
Trong
tiến trình lịch sử, người Việt vùng đồng bằng sông Hồng luôn giữ được
những nét văn hóa độc đáo, những phong cách sống riêng biệt trên cơ sở
tiếp nhận, sàng lọc những yếu tố văn hóa Đông - Tây. Từ thực tế phức
tạp, sống động, đa dạng và diễn ra lâu dài trong suốt hàng ngàn năm, môi
trường văn hóa của người Việt ở đồng bằng sông Hồng với hạt nhân là văn
hóa gia đình vẫn bảo lưu được những nền nếp gia phong truyền thống, có
vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của gia đình, xã hội.
Những
đặc điểm lịch sử - xã hội, môi trường văn hóa của cộng đồng dân cư đồng
bằng sông Hồng cũng chủ yếu giới hạn sinh hoạt văn hóa của cá nhân, gia
đình, dòng họ và cộng đồng xã hội trong bốn tiểu không gian văn hóa của
làng: Không gian văn hóa cư trú; không gian văn hóa sinh kế; không gian
văn hóa tâm linh; không gian văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Sự hợp nhất
và tương tác hài hòa của các tiểu không gian văn hóa trên, tạo nên một
môi trường văn hóa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cộng đồng, hướng về con
người, cho con người và con người chính là hạt nhân trung tâm. Và trong
không gian môi trường văn hóa đó, sự hiện diện của văn hóa gia đình
luôn luôn giữ vai trò nòng cốt, bên cạnh đó, các thành tố dòng họ cũng
có ảnh hưởng lớn đến ý thức và hành vi của từng cá nhân trong cuộc đời.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, trước tác động của hội nhập quốc tế,
của đô thị hóa, của biến đổi cơ cấu xã hội, dịch chuyển cơ cấu kinh tế,
đặc biệt là những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường…, các
biểu hiện văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng cũng có những biến đổi. Trước
hết, đó là những tác động sâu, rộng đến lối sống, đạo đức xã hội và đạo
đức cá nhân. Con người vốn là chủ thể các quan hệ xã hội, tạo nên các
giá trị xã hội và khi cá nhân, lợi ích cá nhân không còn chịu tác động
nhiều của các yếu tố gia đình, dòng họ, cộng đồng mà vượt lên thể hiện
có lúc, có việc thái quá, làm mất đi các chuẩn mực giá trị vốn đã được
xã hội truyền thống công nhận, coi trọng, làm biến đổi các thang giá trị
chuẩn mực chung. Sự thay đổi có tính bước ngoặt và lịch sử đó diễn ra
trong bối cảnh chủ thể là đại bộ phận thế hệ nông dân đã gắn bó với
phương thức tự quản khép kín, những chuẩn mực đạo đức trong quan hệ ứng
xử còn nặng tính truyền thống cố hữu, trọng nghĩa, trọng tình. Với chủ
thể của một nền kinh tế tồn tại theo phương thức truyền thống như vậy,
sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế, phương thức quản
lý kinh tế và chính sách kinh tế nói chung đã có những tác động đa diện
và sâu sắc, vừa có mặt tích cực, vừa mang những tiêu cực, hiện diện vào
đời sống xã hội, trở thành thách thức đối với bộ máy quản lý nhà nước về
lĩnh vực văn hóa.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÌN GIỮ, PHÁT HUY CÁC ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG
Để
khắc phục tình trạng trên, một trong những yêu cầu cấp thiết được đặt
ra là xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đủ sức “ứng phó” với
tình hình mới, phù hợp với điều kiện tiếp biến cái mới (đang còn chưa
định hình) với sự chọn lọc, kế thừa giá trị văn hóa truyền thống mà hạt
nhân là những chuẩn mực đạo đức được xã hội công nhận (hiện đã và đang
có nguy cơ bị phân hóa, biến thái). Cụ thể:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa.
Trước
hết, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về xây dựng đời sống
văn hóa; có kiến thức và khả năng vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tế
địa phương để chủ động đề ra giải pháp kịp thời, đúng đắn. Tăng cường
vai trò của tổ chức đảng, tích cực kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giúp
đỡ, đẩy mạnh hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; thường xuyên
đúc rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng những điển hình tiên tiến;
khen thưởng thường xuyên và đột xuất để kịp thời động viên phong trào
phát triển; lồng ghép việc lấy kết quả phong trào làm một trong những
tiêu chí thi đua để xếp loại đảng viên.
Đổi
mới, tăng cường, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà
nước; thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về phát
triển văn hóa; đưa nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thực thi
pháp luật về văn hóa thành những chương trình, mục tiêu cụ thể và hằng
năm có sơ kết, tổng kết chuyên đề công tác này.
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị đặc trưng gắn với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Khi
xây dựng hương ước, quy ước, xây dựng các quy định nếp sống văn hóa,
quy định hoạt động các phố nghề, làng nghề…, cần gắn với thuần phong mĩ
tục của dân tộc, địa phương, gắn với việc thực hiện Luật Thực hiện dân
chủ ở cơ sở và không trái với các quy định khác trong hệ thống pháp luật
Việt Nam.
Xây
dựng và hoàn thiện quy định về xét tặng các danh hiệu “Gia đình văn
hóa”, “Khu phố văn hóa”..., trong đó làm rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn
bình xét, bảo đảm dễ nhớ, dễ thực hiện, thực chất, tránh hình thức, bao
trùm được tất cả các giá trị cốt lõi của văn hóa và phù hợp với điều
kiện thực tiễn của địa phương.
Người dân và du khách tham gia lễ hội vật phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội, năm 2023. (Nguồn: nhiepanhdoisong.vn)
Ba là, chú trọng đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực có chất lượng trong xây dựng văn hóa từ cơ sở.
Cần
xây dựng một chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát
triển văn hóa trong thời kỳ mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở
có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, sử dụng tốt cơ
sở vật chất, phương tiện hoạt động, có khả năng thu hút đông đảo mọi
tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đưa đời sống văn
hóa ở các địa phương không ngừng phát triển. Bên cạnh đó, mở các lớp
bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa và tìm hiểu pháp luật cho cán bộ cơ sở (cán
bộ phụ trách tư pháp và văn hóa); bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách
về lương, chế độ thù lao đối với đối tượng làm công tác văn hóa - thông
tin cơ sở, các lĩnh vực mang tính đặc thù, giúp họ yên tâm công tác,
cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở, địa phương.
Bốn là, đổi mới nội dung và hình thức tổ chức, hoạt động các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Để
phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đạt được hiệu quả thực tế,
có bước phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, thực sự tạo động lực quan trọng
góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội,
cần đổi mới về nội dung và hình thức tổ chức, hoạt động. Đẩy mạnh phong
trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng, củng cố và
hoàn thiện mạng lưới hoạt động văn hóa các cấp, khai thác, phát huy
nguồn lực to lớn từ cộng đồng, đặc biệt thực hiện tốt các mục tiêu quốc
gia về phát triển văn hóa, gắn với “Chương trình mục tiêu quốc gia về
xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Định
hướng đổi mới là: góp phần dẫn hướng, điều chỉnh sự phát triển của văn
hóa, hiện thực hóa các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng
vào thực tiễn, kiểm soát sự tùy tiện, sai lệch, vi phạm trong quá trình
thực thi các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực
văn hóa, bảo vệ tài nguyên văn hóa của làng quê nói riêng và của cộng
đồng xã hội nói chung.
Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đáp ứng yêu cầu.
Bên
cạnh việc đầu tư của Nhà nước và chính quyền địa phương, cần tăng cường
công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về xã hội hóa hoạt
động văn hóa, huy động các nguồn lực từ cộng đồng để đầu tư xây dựng,
tôn tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng, như trung tâm văn hóa, đài phát
thanh, nhà văn hóa, hệ thống điểm bưu điện văn hóa, tủ sách, trường học,
trạm y tế, cơ sở rèn luyện thể chất... đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các
giá trị văn hóa của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Sáu là, thực hiện thường xuyên, đột xuất công tác thanh tra, kiểm tra, thi đua - khen thưởng.
Thực
hiện thường xuyên, đột xuất và đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra,
giám sát, đánh giá các hoạt động văn hóa và việc công nhận cơ quan, đơn
vị, tổ dân phố văn hóa, làng văn hóa, gia đình văn hóa… bảo đảm công
bằng, thiết thực. Thực hiện thi đua, khen thưởng đúng người, đúng việc,
phát huy tầm ảnh hưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tấm gương
người tốt, việc tốt trong cộng đồng. Công tác khen thưởng cũng cần được
đổi mới, hướng về cơ sở, tăng cường khen thưởng cho người trực tiếp lao
động, sản xuất, công tác, tập thể, cá nhân điển hình. Bám sát các quy
định về đối tượng, tiêu chuẩn, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị; đặc biệt
khen thưởng đột xuất cần được thực hiện kịp thời đối với cá nhân, tập
thể có thành tích đặc biệt xuất sắc./.
GS. TS. BÙI QUANG THANH
Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam
(Nguồn: TC Cộng sản)