Đoàn Việt Nam đã khẳng định chủ
trương bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cũng như quyết tâm thực hiện
các cam kết của mình trên vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền,
đồng thời đề xuất nhiều ý kiến về giải pháp bảo vệ và thúc đẩy các quyền
con người.
Từ ngày 11-13/6, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khóa 26 đã tiến hành thảo luận về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển.
Đoàn Việt Nam đã khẳng định chủ trương bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cũng như quyết tâm thực hiện các cam kết của mình trên vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền, đồng thời đề xuất nhiều ý kiến về giải pháp bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người.
Hội đồng đã tổ chức một phiên họp về vấn đề an toàn của nhà báo và ba phiên đối thoại với 10 Báo cáo viên/Chuyên gia Đặc biệt của Liên hợp quốc về các quyền con người được cộng đồng quốc tế quan tâm cao như quyền về sức khỏe, quyền lương thực, vấn đề xóa đói giảm nghèo, vấn đề chống buôn người, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trách nhiệm của doanh nghiệp với quyền con người.
Các phát biểu của đoàn Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán của Nhà nước trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặc biệt nêu bật những tiến bộ Việt Nam đã đạt được trong xây dựng thể chế pháp luật, triển khai các chính sách, chiến lược liên quan đến các quyền của người dân, nhất là của các nhóm xã hội cần được bảo vệ như phụ nữ, trẻ em, nạn nhân của việc buôn bán người.
Đoàn Việt Nam cũng tái khẳng định quyết tâm thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các cam kết tự nguyện của mình trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, nhất là các quyền cụ thể được thảo luận tại kỳ họp Hội đồng lần này.
Tại phiên đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về Quyền sức khỏe và Chủ tịch Nhóm làm việc về Doanh nghiệp và Quyền con người ngày 11/6, Đại sứ Phạm Quốc Trụ đã nhấn mạnh các chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức của Liên hợp quốc và tất cả các bên liên quan khác cần tăng cường hợp tác để giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa đối với các quyền con người; đồng thời với nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn FDI, bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của các doanh nghiệp, cần quan tâm thích đáng tới việc bảo vệ và thực hiện các quyền của người lao động, kết hợp hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và các bên liên quan khác.
Tại phiên đối thoại với các Báo cáo viên đặc biệt về Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và xóa đói nghèo cùng cực ngày 12/6, Đại sứ Phạm Quốc Trụ đề nghị các nước, các cơ chế liên quan của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác cùng thảo luận xác định các ưu tiên trong thời gian tới và các biện pháp cụ thể cần tiến hành nhằm thực hiện hiệu quả việc xóa bỏ bạo hành đối với phụ nữ và xóa đói nghèo.
Đại sứ cũng đề nghị các nước phát triển và các tổ chức quốc tế tăng cường hợp tác và hỗ trợ cho các nước đang phát triển trong sự nghiệp này.
Tại cuộc đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về buôn bán người ngày 13/6, Việt Nam ghi nhận nỗ lực của Báo cáo viên đặc biệt, các cơ chế Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng và thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên các quyền con người nhằm ứng phó với nạn buôn bán người.
Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn các nước quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng các biện pháp chống buôn bán người ngay tại từng cộng đồng, trong đó có thông qua phát huy vai trò thông tin của những người từng là nạn nhân của loại tội phạm này.
Trong tuần làm việc tiếp theo, Khóa 26 Hội đồng Nhân quyền sẽ tiếp tục thảo luận với trọng tâm là các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, người tàn tật và quyền giáo dục.
Hội đồng cũng sẽ xem xét tình hình quyền con người tại một số nước như Belarus, Syria, Eritrea và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên./.
Theo TTXVN