Đại diện các dân tộc Việt Nam diễu hành tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh. (Ảnh: Minh Trường/QĐND).
Vì vậy, xác định cho được nội dung các hệ giá trị là nhiệm vụ cấp bách, còn việc thực hiện đưa nội dung hệ giá trị vào cuộc sống cần được duy trì thường xuyên, liên tục, lâu dài.
Không thể chậm trễ
Nghị quyết số 33-NQ/TW, khóa XI của Đảng xác định: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng nêu rõ: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Để đáp ứng yêu cầu đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) đang thực hiện đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp quốc gia “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm chủ nhiệm đề tài.
Câu hỏi đặt ra là vì sao cần phải xác định hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam tại thời điểm này? Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lý giải: “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay đang có những biến động lớn trong bối cảnh chuyển đổi đa chiều, phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế. Có sự suy giảm hoặc thay đổi thang bậc ở một số giá trị truyền thống, sự mai một, phai nhạt, thậm chí suy thoái ở một số giá trị vốn được coi trọng trong xã hội truyền thống, như: Tiết kiệm, cần cù, giản dị, khiêm tốn, nhẫn nhịn, chung thủy... Sự bảo lưu và duy trì một số giá trị truyền thống: Một số giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn tiếp tục được duy trì và đề cao trong xã hội hiện nay, mặc dù có sự thay đổi nhất định về nội dung và phương thức biểu hiện: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết... Sự xuất hiện và bổ sung những giá trị mới là văn minh, hiện đại có nguồn gốc từ phương Tây và trở nên phổ quát trên thế giới hiện nay: Dân chủ, tự do, pháp quyền, bình đẳng, thịnh vượng, trách nhiệm, bản lĩnh cá nhân”.
Nhiều nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành khoa học xã hội và nhân văn tham dự góp ý, phản biện cho đề tài cũng nhấn mạnh: Không nên quá coi trọng câu chữ, nội hàm các thuật ngữ khoa học mà cần khẩn trương đưa ra phương án chấp nhận được do tính cấp bách của xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới.
Đơn giản, gọn gàng, dễ nhớ, dễ vận dụng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người cần theo các nguyên tắc sau: Xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người chỉ dừng lại ở các giá trị mang tính cốt lõi, trọng điểm; bám sát điều kiện thực tiễn Việt Nam; kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống đã được định hình trong lịch sử; tiếp thu, bổ sung những giá trị tinh hoa của nhân loại; cấu trúc của các hệ giá trị cần đơn giản, gọn gàng, dễ nhớ, dễ vận dụng. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất hai phương án hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: Phương án 1 gồm 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, pháp quyền; phương án 2 gồm 5 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, pháp quyền, hòa hợp.
Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam gồm hai phương án: Phương án 1 gồm 5 giá trị: Yêu nước, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực; phương án 2 gồm 7 giá trị: Yêu nước, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực, đoàn kết, nhân ái.
Trên cơ sở hai hệ giá trị nêu trên cũng có thể tổng hợp thành một hệ giá trị chung nhất, là hệ giá trị Việt Nam (Vietnam values), tương tự như các nước đều có hệ giá trị của mình. Hệ giá trị Việt Nam được đề xuất như sau: Phương án 1 gồm 8 giá trị, trong đó có 4 giá trị văn hóa và 4 giá trị con người: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, pháp quyền; yêu nước, trung thực, trách nhiệm, sáng tạo. Phương án 2 gồm 9 giá trị, trong đó có 5 giá trị văn hóa và 4 giá trị con người: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, pháp quyền, hòa hợp; yêu nước, trung thực, trách nhiệm, sáng tạo.
Vẫn còn những ý kiến khác nhau xung quanh các phương án và nội dung câu chữ, tuy nhiên, nhiều nhà lý luận, chuyên gia, nhà khoa học sẽ sớm có được sự nhất trí cao về phương án lựa chọn tối ưu để hoàn thành đề án trong năm 2019.
Xác định nội dung các hệ giá trị đã là việc khó nhưng quan trọng hơn là đưa các hệ giá trị vào cuộc sống để có tác dụng định hướng nhận thức, hành động của xã hội. GS. TS. Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng: “Thực tiễn dẫn dắt chứ không phải lý luận. Vì vậy, nếu không có hành động cụ thể thì các hệ giá trị không phát huy được chức năng định hướng điều tiết, giúp ích cho Đảng và Nhà nước để làm văn hóa, đạo đức xã hội đi lên”.
Từ lý luận đưa vào đời sống là quãng đường dài mà ở đó mỗi tổ chức, cá nhân liên quan phải thường xuyên, lâu dài soi chiếu vào các hệ giá trị để sống và làm việc đạo đức, văn hóa hơn; góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia hùng mạnh, xã hội thịnh vượng, gia đình hạnh phúc, cá nhân thành công./.
Trần Hoàng Hoàng (Báo QĐND)