Hệ thống hưu trí tuổi già ở Việt Nam đang phải đối mặt các vấn đề: diện bao phủ tương đối thấp, tính bền vững về mặt xã hội và tài chính trong trung hạn và dài hạn khó bảo đảm... Việc gấp rút xây dựng hệ thống hưu trí hiệu quả, sẽ góp phần giảm nhẹ “gánh nặng” này.
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, hiện nay đã có
12% số dân trong độ tuổi từ 60 trở lên; tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng
lên 18% vào năm 2030 và khoảng 23% vào năm 2040.
THÁCH THỨC VỚI HỆ THỐNG HƯU TRÍ
Những năm gần đây, Việt Nam đã từng bước xây dựng hệ thống hưu trí
mang tính toàn diện và hiệu quả, với sự kết hợp giữa bảo hiểm xã hội
(BHXH) và trợ cấp xã hội.
Mặc dù đã có những tiến triển trong việc mở
rộng diện bao phủ người tham gia BHXH, nhưng thực tế, số người hưởng hưu
trí vẫn còn thấp. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có khoảng 8,3
triệu người trong số 10,1 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không được
nhận hưu trí vào năm 2017, chiếm tới 83% số người trong độ tuổi hơn 60
tuổi.
Việc không có những giải pháp hiệu quả nhằm mở rộng diện bao phủ hưu
trí, thì việc có ít người tham gia đóng BHXH hiện nay sẽ dẫn tới diện
bao phủ hưu trí hạn chế trong tương lai. Theo thống kê, năm 2017, chỉ có
khoảng 13,8 triệu người đóng BHXH, có hơn 41,1 triệu người không tham
gia BHXH. Điều đó có nghĩa là, chỉ có khoảng 25,1% tổng lực lượng lao
động đóng BHXH và có thể nhận hưu trí từ hệ thống đóng góp khi về già.
Bên cạnh đó, phụ nữ cũng là đối tượng có nhiều khả năng không được
bảo vệ đầy đủ khi về già. Hiện nay, 59% số người cao tuổi tại Việt Nam
là nữ, tỷ lệ này lên tới 70% đối với nhóm tuổi từ 80 trở lên. Tuy nhiên,
tỷ lệ nữ làm việc trong khu vực chính thức còn thấp và ít có cơ hội
tham gia BHXH để hưởng lương hưu khi về già.
Theo thống kê, năm 2016 có
26% nam giới trong độ tuổi từ 65 trở lên được hưởng lương hưu, nhưng đối
với phụ nữ chỉ đạt tỷ lệ 12%... Đồng thời, phần lớn người cao tuổi đang
sống tại các hộ gia đình thu nhập thấp. Năm 2016, khoảng 68% số người
cao tuổi sống trong các gia đình có thu nhập bình quân đầu người dưới
100 nghìn đồng/ngày, trong số đó có 31,5% sống dưới mức 50 nghìn
đồng/ngày. Có tới 81% số người cao tuổi sinh sống ở khu vực nông thôn,
88% số người cao tuổi người dân tộc thiểu số sống dưới mức 100 nghìn
đồng/ngày...
AN SINH XÃ HỘI ĐA TẦNG
Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XII ban hành tháng 5/2018 vừa qua, cũng nhấn mạnh rằng,
BHXH thật sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở
rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Đồng
thời, Nghị quyết số 28 cũng chỉ ra rằng, chỉ có thể hoàn thành mục tiêu
bao phủ toàn dân bằng cách xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng,
kết hợp cả BHXH và trợ giúp xã hội hay trợ cấp hưu trí xã hội do ngân
sách tài trợ.
Nghị quyết số 28 cũng đặt ra các mục tiêu tăng, che phủ
tới 45% (vào năm 2021), 55% (vào năm 2025) và 65% (vào năm 2030) số
người độ tuổi nghỉ hưu thông thường đều được hưởng hưu trí, trợ cấp BHXH
hằng tháng và trợ cấp xã hội.
Để hệ thống hưu trí sớm đạt mục tiêu đề ra, ILO cũng đưa ra khuyến
nghị. Theo đó, Việt Nam cần phải thiết lập một hệ thống hưu trí hiệu quả
ngay hôm nay, nhằm giảm gánh nặng cho các thế hệ tương lai. Việc chậm
thay đổi sẽ khiến nhiều người cao tuổi có mức thu nhập quá thấp trong
thời gian tới; làm tăng rủi ro nguy cơ nghèo tuổi già và khiến các cải
cách cần thiết khó khăn hơn.
Việt Nam cần thiết lập một hợp phần hưu trí
hiệu quả tài trợ từ thuế, được tích hợp trong hệ thống đa tầng. Bởi
thực tế, tại Việt Nam, tầng BHXH không thể che phủ cho đại bộ phận người
dân, khi nền kinh tế phi chính thức ở trong nước hiện chiếm tỷ lệ lớn.
Hưu trí tài trợ từ thuế (từ ngân sách nhà nước lấy từ các nguồn thu công
để bảo đảm an sinh tuổi già cơ bản cho mọi người), là giải pháp quan
trọng, nhất là trong giai đoạn này nhằm bao phủ cho nhiều người đang làm
việc tại khu vực phi chính thức và không có khả năng đóng góp khi đi
làm.
Bên cạnh đó, cần phải lưu ý tới vấn đề bình đẳng giới trong xây
dựng chính sách, nhất là độ tuổi nghỉ hưu theo luật định để phụ nữ có
thêm thời gian tích lũy đóng góp BHXH... Và nhanh chóng xây dựng hợp
phần hưu trí bổ sung để cho phép người dân có thể hưởng mức lương hưu
cao hơn./.
Các quốc gia khi phát triển đến một mức độ nhất định, sẽ thiết
lập hệ thống hưu trí nhằm bảo đảm thu nhập cho mọi công dân khi bước vào
giai đoạn tuổi già. Theo ILO, hiện nay có ít nhất 56 quốc gia trên thế
giới bảo đảm lương hưu, trợ cấp hưu trí cho 90% số người dân từ 65 tuổi
trở lên; 44 quốc gia có chế độ hưu trí bao phủ toàn dân (năm 2017). Đồng
thời, ngày càng có nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình đang từng
bước mở rộng bao phủ cho hệ thống hưu trí nước mình. |
Nhật Anh (nhandan.com.vn)