Hiện nay công tác dân số đang đối mặt với nhiều thách
thức, trong đó đã xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp và chênh lệch
về mức sinh giữa các vùng.
GIẢM SINH LÀ VẤN ĐỀ LỚN
"Việt Nam đang có xu thế giảm mức sinh thay thế, mặc dù chưa ở mức
báo động nhưng điều này chắc chắn sẽ trở thành vấn đề lớn nếu chúng ta
không có giải pháp can thiệp từ bây giờ", Cục trưởng
Cục Dân số Lê Thanh Dũng cảnh báo.
Giảm sinh trong bối cảnh già
hóa dân số chóng mặt của Việt Nam, lại chưa có các giải pháp đồng bộ để
phát huy hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng và thích ứng
với già hóa dân số là vấn đề đáng chú ý trong công tác dân số.
Theo đại diện Bộ Y tế, hiện nay công tác dân số đang đối mặt với
nhiều thách thức, trong đó có mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững.
Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay chỉ là
1,96 con và tỷ lệ tăng dân số là 0,84% năm 2023.
Theo Cục trưởng
Cục Dân số Lê Thanh Dũng, mức sinh thay thế là mức sinh trung bình của
người phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình, sinh đủ số con để thay
mình thực hiện chức năng sinh đẻ và duy trì nòi giống. Mức sinh thay thế
là khi tổng tỷ suất sinh đạt 2,1 con/phụ nữ.
Khi mức sinh giảm thấp dẫn tới suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi
của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động;
tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số,
mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng…
Tại Việt Nam, hiện nay mức sinh giữa các vùng, miền đang có sự chênh
lệch đáng kể. Có 21 tỉnh, thành phố đang có mức sinh thấp; thậm chí rất
thấp, tập trung ở khu vực: Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên
hải miền trung. Các khu vực có mức sinh thấp đã chiếm khoảng 39,4% dân
số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững đất
nước.
Mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện
kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế -
xã hội khó khăn.
Đặc biệt, khu vực Đông Nam Bộ là khu vực có tỷ lệ sinh giảm sâu. Hiện
khu vực này có mức sinh chỉ còn 1,56 con/phụ nữ. Trong khi đó, khu vực
Đồng bằng sông Cửu Long còn là khu vực có vai trò quan trọng trong sản
xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia về lương thực.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc người dân đang “ngại” sinh
con là do áp lực cuộc sống, áp lực công việc, kinh tế, khẳng định bản
thân của con người ngày càng tăng. Đi cùng với đó là áp lực nuôi dạy con
cái, nỗi lo về các rủi ro với người lập gia đình… khiến cho người trẻ
ngày càng ngại sinh con, ngại kết hôn. Đây là vấn đề đáng báo động.
Nhìn từ bài học dân số già của các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản… Việt
Nam cần có những giải pháp kịp thời để “vực dậy” mức sinh, làm chậm quá
trình già hóa dân số.
CẦN CÁC CHÍNH SÁCH ĐỘNG VIÊN KỊP THỜI
Về vấn đề giải quyết tình trạng giảm sinh, các chuyên gia cho rằng,
muốn khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con sớm, phải có các giải
pháp đồng bộ để giảm áp lực cho họ. Đặc biệt là những áp lực liên quan
đến các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: Nâng cao chất lượng sống,
chính sách an sinh xã hội, đảm bảo người lao động có nhà ở, chính sách
hỗ trợ cho trẻ em, mức thu nhập đảm bảo... Để giới trẻ có thể yên tâm
sinh con, nuôi dạy con cái.
Hiện Bộ Y tế đang xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật Dân số; trong đó,
có nhiều chính sách được đề xuất thay đổi để phù hợp với tình hình, bối
cảnh dân số hiện nay.
Theo Cục Dân số, dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng đã đề xuất
các biện pháp nhằm khuyến khích sinh đủ hai con tại các tỉnh, thành phố
có mức sinh thấp. Trong đó có các chính sách rất thực tế như: Đề xuất hỗ
trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2; miễn, giảm học phí, hỗ
trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học...
Cùng với đó là xây dựng môi trường, cộng đồng phù
hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, chăm sóc và nuôi
dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình; quy định
trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động
nuôi con nhỏ …
Một số ý kiến cũng cho rằng, để mỗi gia đình có thể sinh được 2 con,
thì việc đảm bảo thu nhập cho người lao động để có thể nuôi được 4 người
(2 người lớn, 2 trẻ con) là điều Chính phủ, các doanh nghiệp và người
lao động cần thống nhất nhận thức và có giải pháp. Khi trong gia đình có
2 người đi làm có đủ thu nhập để 2 con được nuôi dạy, học hành đầy đủ,
thì người dân sẽ giảm áp lực khi quyết định sinh con.
GS. TS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện dân số và các vấn đề xã
hội cũng cho rằng: “Để tìm giải pháp cho vực dậy mức sinh trở về mức
sinh thay thế, cần có sự linh hoạt hơn trong chính sách và tuyên truyền
cho người dân. Cần gỡ bỏ ngay những chính sách đã không còn phù hợp mà
áp dụng trong giai đoạn cần giảm sinh trước đây, như việc nhiều nơi xử
phạt khi sinh con thứ 3... Trong bối cảnh hiện nay, phải có những chính
sách phù hợp với từng vùng. Cụ thể, vùng nào mức sinh đang cao thì cần
chính sách giảm sinh riêng; vùng nào mức sinh đã giảm thấp thì có các
chính sách về nới lỏng mức sinh, khuyến khích tăng sinh”.
Theo đó, việc xây dựng Luật Dân số cũng là “cơ hội” để các nhà nghiên
cứu, các nhà hoạch định chính sách cân nhắc các chính sách về dân số và
phát triển phù hợp.
Việc đảm bảo duy trì được mức sinh thay thế, mức sinh hợp lý giữa các
vùng, miền giúp chúng ta sẽ có được quy mô dân số phù hợp; duy trì ổn
định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ kéo dài giai đoạn cơ cấu
“dân số vàng”; làm chậm lại thời gian chuyển đổi sang giai đoạn “già hóa
dân số”, cải thiện chất lượng dân số tốt hơn.
Trong dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng, Bộ Y tế cũng đã đưa ra
đề xuất quy định quyền quyết định của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc
sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh,
nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.
“Nếu quy định để người dân có thể chủ động về thời gian sinh con, số
lượng con… thì tình trạng mức sinh thay thế giảm có thể được khắc phục
phần nào”, Cục trưởng
Cục Dân số Lê Thanh Dũng cho biết./.
TẠ NGUYÊN (baotintuc.vn)