ĐỐI DIỆN VỚI NHIỀU THÁCH THỨC BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Đô thị có động lực phát triển rất lớn, tạo ra 70% GDP của Việt Nam. Tuy
nhiên, các đô thị của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trước nguy cơ
nước biển dâng, ngập lụt, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, xâm nhập mặn, hạn
hán, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường..., đặc biệt là tiêu thụ
năng lượng ở các đô thị, tạo ra thách thức lớn trong phát triển đô thị
bền vững.
Hà Nội đang phải đối mặt những tác động tiêu cực trong quá trình đô thị
hóa, mở rộng thành phố do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh
hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sốn, phát triển bền vững. Tình
trạng ô nhiễm và suy giảm chất lượng không khí, nước mặt, đặc biệt đối
với các sông, hồ nội thành; nước dưới đất và tình trạng sụt lún đất; ô
nhiễm môi trường đất vùng thâm canh cây tập trung và ở một số bãi chôn
lấp chất thải; gia tăng áp lực môi trường do chất thải rắn sinh hoạt… là
những vấn đề báo động của thành phố hiện nay.
Là một đô thị đặc biệt đang phát triển từng ngày, từng giờ, mật độ dân
cư dày đặc, lượng phương tiện giao thông gia tăng nhanh, bên cạnh những
thành tựu kinh tế đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải giải quyết nhiều
thách thức về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng tiêu
cực đến chất lượng sống của người dân. Để ứng phó với vấn đề này, chủ
trương của lãnh đạo Thành phố là đẩy mạnh phát triển mảng xanh, không
gian công viên, từng bước cải thiện môi trường và chất lượng không khí,
ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, xây dựng thành phố xanh, sạch
đẹp. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 trồng mới thêm 10 triệu cây
xanh và quy hoạch thêm 600 ha công viên cây xanh, 20 ha mảng xanh, trở
thành địa phương đi đầu trong việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu,
nhiệm vụ Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 “Vì một
Việt Nam xanh”.
Thành phố Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng
diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, tình hình bờ biển ở Đà Nẵng bị
xâm thực xảy ra nhiều hơn; các loại thiên tai xảy ra với cường độ và tần
suất ngày càng cao, gây hậu quả nghiêm trọng cho thành phố. Tốc độ đô
thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại Đà Nẵng khiến thành phố đứng trước nguy cơ
ngập lụt ngày càng gia tăng do sự bê tông hóa, mật độ xây dựng lớn,
không gian công cộng dành cho giao thông và mảng xanh ngày càng thu hẹp.
Sự đe dọa của mực nước biển dâng tác động đến cơ sở hạ tầng dọc bờ biển
thường xuyên hơn, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Cần Thơ nằm giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long đầy tiềm năng nhưng trước
tác động của biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ diễn ra ngày càng phức tạp.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu, thành phố Cần Thơ là một trong những
địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các hiện tượng cực đoan của biến
đổi khí hậu như ngập lụt, sạt lở, hạn hán, dông lốc ngày càng nghiêm
trọng, thiệt hại khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực
kinh tế - xã hội, đời sống người dân trên địa bàn thành phố. Vấn đề ngập
lụt đô thị xảy ra ở Cần Thơ gây thiệt hại tài sản, kinh doanh, sản xuất
của người dân...
Nhằm thích ứng và giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương do biến đổi khí
hậu gây ra, Việt Nam coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trong chương trình
nghị sự của Chính phủ. Từ năm 2021, Việt Nam đã chính thức thực hiện các
cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính trong khuôn khổ Đóng góp
do quốc gia tự quyết định (NDC). Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng
trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp còn khá hạn chế. Nhu cầu đầu
tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu là rất lớn trong khi nguồn lực có
hạn, việc huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn, chưa kể năng lực của
các ngành, các tỉnh về biến đổi khí hậu còn nhiều bất cập…
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với những thành tựu chung về
kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh,
vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo
địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% vào năm
2021. Quá trình phát triển đô thị đã hòa nhịp cùng quá trình công nghiệp
hóa, hiện đại hóa, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm lãnh đạo,
chỉ đạo trong công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị theo
hướng văn minh, hiện đại.
Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày
24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị
Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện quan điểm chỉ đạo
thống nhất phát triển đô thị Việt Nam cũng dựa trên nền tảng phát triển
bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một Nghị quyết chuyên đề riêng về
lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị. Qua đó, khẳng định vai trò của hệ
thống đô thị Việt Nam, đồng thời định hướng chiến lược với những yêu
cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng cho phát triển đô thị Việt Nam
trong giai đoạn mới.
Trong Nghị quyết, Bộ Chính trị chỉ đạo, đô thị hóa là tất yếu khách
quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh
và bền vững trong thời gian tới; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của
Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành
động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát
triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và
có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành
động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống
chính trị.
Các mục tiêu cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%,
đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích
đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng
1,9 - 2,3%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô
thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị
đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm
2030.
Đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực
ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống
nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng
với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi
trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.
Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu
mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.
Nhằm khắc phục những tồn tại, nhanh chóng đưa Nghị quyết của Bộ Chính
trị đi vào cuộc sống, ngày 11/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết
số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị
quyết số 06-NQ/TW trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và
giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm xây dựng và phát
triển đô thị Việt Nam.
Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã xác định 11 chỉ tiêu cụ thể
về Hệ thống đô thị; hình thái đô thị và liên kết đô thị; tỷ lệ đô thị
hóa; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cơ cấu kinh tế đô thị
phấn đấu đạt được đến năm 2025 và năm 2030. Trong đó, đã cụ thể hóa bằng
5 nhiệm vụ chủ yếu và 33 nhiệm vụ cụ thể với 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ
chế, chính sách, đề án, văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành và
địa phương triển khai thực hiện và 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ
thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng
biến đổi khí hậu.
Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ và các chính quyền đô thị xây
dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và đô thị
theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết
liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề
ra.
Hiện nay, hầu hết các địa phương đã tích cực xây dựng và ban hành Chương
trình, Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW. Qua đánh
giá chung cho thấy, nội dung Chương trình, Kế hoạch hành động triển khai
Nghị quyết 06 của các địa phương đã thể hiện được nhận thức của các cấp
ủy Đảng, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng đến sự cần
thiết phải đô thị hóa và phát triển đô thị nhanh và bền vững, coi đó là
những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm. Đồng thời, thể hiện cơ bản đầy đủ
các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy và chính
quyền địa phương đối với việc xây dựng và thực hiện chương trình phát
triển đô thị, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển kinh tế khu
vực đô thị./.
NGUYỄN HỒNG ĐIỆP (TTXVN)