Thứ Tư, 2/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 25/2/2011 21:1'(GMT+7)

Xây dựng mái ấm cho người nghèo các địa phương

Giá thành xây dựng mỗi căn nhà từ 20 - 25 triệu đồng, nhiều gia đình có người thân hỗ trợ xây dựng khang trang hơn, khoảng 40 triệu đồng/căn nhà. Nhà ở đảm bảo tuổi thọ trên 10 năm, với diện tích từ 32 đến 36 m²; kết cấu chính gồm: móng, cột, đà bằng bê tông cốt thép, mái lợp tôn tráng kẽm, nền lát gạch và có cầu vệ sinh. Việc bình xét chọn đối tượng hỗ trợ nhà ở thực hiện và niêm yết danh sách công khai tại các địa phương. Những xã có chương trình 167 thành lập tổ giám sát cộng đồng, giám sát quá trình thi công xây dựng đảm bảo đạt chất lượng từng căn nhà.

Năm 2011, tỉnh Cà Mau quyết tâm hoàn thành chương trình 167 này, với việc xây dựng thêm 7.022 căn nhà. Tỉnh phân bổ đủ nguồn vốn của địa phương, trung ương cho chương trình là 57 tỷ đồng, tập trung nguồn nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công. Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Cà Mau đầu tư cho hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở vay khoảng 55 tỷ đồng. Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau vận động và hỗ trợ chương trình 21 tỷ đồng.

Tỉnh huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa từ 8-10 tỷ đồng để tiến hành xây mới, sửa chữa, nâng cấp khoảng 800 căn nhà của đối tượng chính sách, hộ nghèo trên phạm vi toàn tỉnnh.

Để huy động được số tiền nêu trên, tỉnh Cà Mau tập trung vào các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; cán bộ, công nhân viên chức, lao động đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội; cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp trong lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh; người lao động tự do ở đô thị và nhân dân ở nông thôn có độ tuổi từ 18- 60. Không vận động đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp thường xuyên, cán bộ hưu trí, người hưởng trợ cấp xã hội, người tàn tật. Năm 2011 là năm cuối cùng Cà Mau hoàn thành chương trình xây nhà tình nghĩa, chấm dứt tình trạng đối tượng chính sách gặp khó khăn về nhà ở.

Năm 2010 tỉnh Cà Mau đã huy động quỹ đền ơn đáp nghĩa số tiền lên tới 13 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với kế hoạch của năm. Số tiền trên đã dùng để xây mới 500 căn nhà tình nghĩa, giá trị mỗi căn 30 triệu đồng; hỗ trợ 100 trườg hợp nhà bị hư hỏng.

* Tính đến nay, Ban vận động "Xây dựng mái ấm cho người nghèo nơi biên giới" tỉnh Kon Tum đã vận động được gần 6,4 tỷ đồng; trong đó, lực lượng bộ đội biên phòng cùng các tổ chức xã hội khác đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động cùng nhiều nguyên vật liệu để xây dựng nhà ở cho người nghèo. Riêng trong năm 2010, các Đồn Biên phòng và cấp ủy, chính quyền và nhân dân của 10 xã biên giới đã tổ chức xây dựng và đưa vào bàn giao 185 căn nhà, bình quân mỗi căn nhà trị giá 35 triệu đồng. Nhà được làm có số tiền cao nhất là 98 triệu đồng (thông qua sự hỗ trợ của người thân, dòng tộc) và thấp nhất là 20 triệu đồng.

* Sau gần một năm thực hiện đợt vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh đã huy động các nguồn hỗ trợ trong và ngoài tỉnh, công sức của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và nhân dân các dân tộc, xây dựng và bàn giao 55 ngôi nhà cho các hộ nghèo vùng biên giới.

Tính cả ngày công đóng góp, mỗi căn nhà trên có giá thành trung bình là 42 triệu đồng; tổng kinh phí và công sức lao động của Bộ đội Biên phòng, nhân dân địa phương và gia đình lên tới 2,1 tỷ đồng. Việc sử dụng nguồn vốn đã đảm bảo công khai, minh bạch, thanh quyết toán đúng qui định, không để xảy ra thất thoát lãng phí, được nhân dân tin yêu cảm phục. Tiêu biểu trong số đó là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 405, 411, 413, 417, 421, 423, 429, Ủy ban MTTQ các xã Lenh Su Sìn, Chung Chải, Nậm Kè, Nà Hỳ, Thanh Luông, Thanh Nưa, Na Ư...

Để có được nguồn kinh phí gần hơn 1,3 tỷ đồng để thực hiện các công trình này, Ban tổ chức đợt vận động đã nhận được từ tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân cả nước như Nhóm Sen xanh (thành phố Hà Nội), gia đình Phúc An (TP Hồ CHí Minh), Công ty xây dựng Lâm Vân (Hà Nội), Cục Cửa khẩu Bộ đội Biên phòng, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh... Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và nhân dân các dân tộc trên địa bàn còn đóng góp trên 5.000 ngày công để có được những căn nhà khang trang, bù đắp cho nguồn kinh phí chưa đủ.

Không chỉ làm nhà cho người nghèo, từ nguồn kinh phí được ủng hộ, Ban tổ chức cuộc vận động còn triển khai xây dựng được 7 công trình dân sinh vùng biên giới như: Nhà bán trú dân nuôi ở xã Nậm Kè, 3 trạm Quân - Dân y kết hợp ở Sín Thầu, Nà Bủng và Mường Lói, cùng các điểm trường Mầm non, Tiểu học ở Nà Hỳ...với tổng số tiền trên 600 triệu đồng và hàng chục nghìn ngày công lao động./.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất