Thứ Tư, 9/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 10/12/2011 18:4'(GMT+7)

Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai

Sáng nay (10/12), tại Ninh Thuận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 (Quy hoạch) và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2011.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương tham dự Hội nghị.

Hội nghị có chủ đề “Quy hoạch mới – Kịch bản phát triển mới – Cơ hội đầu tư mới”.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/7/2011 với mục tiêu tổng quát là xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, tránh thiên tai; kinh tế phát triển nhanh, bền vững theo mô hình kinh tế “xanh sạch”; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Từ mục tiêu tổng quát, Quy hoạch đã đưa ra các mục tiêu cụ thể trong đó có, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GDP giai đoạn 2011 – 2015 đạt 16 – 18%/năm và giai đoạn 2016 – 2020 đạt 19 – 20%/năm.

Đến năm 2015 tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng đạt 40%; ngành nông, lâm, thủy sản đạt 25%; các ngành dịch vụ đạt 35% và năm 2020 tỷ trọng các ngành tương ứng đạt 52% - 20% - 28%.

GDP/người theo giá thực tế năm 2015 đạt khoảng 1.400 USD và đến năm 2020 đạt khoảng 2.800 USD. Tỷ lệ hộ nghèo thời kỳ 2011 – 2020 giảm khoảng 1,2 – 1,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 50%...

Theo đó, về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, tập trung ưu tiên 6 nhóm ngành gồm, năng lượng; du lịch; nông lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất chế biến và 2 nhóm ngành phụ trợ là giáo dục-đào tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản; đến năm 2020 mục tiêu phát triển 6 nhóm này đóng góp 91% GDP và giải quyết 85% lao động của toàn tỉnh.

Về phương hướng phát triển theo lãnh thổ xác định định hướng phát triển không gian, lãnh thổ tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 theo hướng phát triển 2 hành lang (Quốc lộ 1A và tuyến đường ven biển), 6 khu vực phát triển chủ yếu gồm khu vực phía Tây (các huyện miền núi), khu vực du lịch phía Bắc, khu vực Đầm Nại, khu vực công nghiệp phía Nam, Làng ve đô (Phước Dân-Ninh Phước), trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, trong đó tập trung ưu tiên 3 khu vực là trung tâm đô thị Phan Rang-Tháp Chàm, khu vực du lịch phía Bắc tỉnh và khu công nghiệp phía Nam tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bảy tỏ vui mừng trước những kết quả toàn diện mà Ninh Thuận đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2011, trong đó có tốc độ tăng trưởng gần 11%, thu ngân sách năm đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, gấp 03 lần so với năm 2008, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, việc làm và giảm nghèo đều có chuyển biến tích cực...

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ninh Thuận có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là năng lượng gió và mặt trời, du lịch, sản xuất muối công nghiệp ... Trong Chiến lược biển Việt Nam, Ninh Thuận có thể trở thành một đầu mối kinh tế của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; đặc biệt Ninh Thuận là nơi được chọn để xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước. Đây là cơ hội tốt để Ninh Thuận tạo bước đột phá trong phát triển.

Để đóng góp vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước, Ninh Thuận phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng Bộ tỉnh lần thứ 12; đề ra và thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó công tác quy hoạch và kế hoạch có vai trò rất quan trọng, là cơ sở để thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Với những yêu cầu nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao tỉnh Ninh Thuận đã chủ động tranh thủ kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội có tầm nhìn, chiến lược rõ ràng, mang tính cạnh tranh cao.

Nhấn mạnh việc xây dựng và công bố quy hoạch mới chỉ là bước khởi đầu, để quản lý tốt và triển khai, thực hiện có hiệu quả quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ninh Thuận tiếp tục rà soát, xây dựng các kế hoạch, quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch chung được duyệt, bảo đảm các yếu tố liên kết phát triển vùng.

Đồng thời có các cơ chế đột phá để huy động các nguồn lực cho thực hiện quy hoạch nhất là trong cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã trình bày tính khả thi của các mục tiêu phát triển, lý do lựa chọn 6 nhóm ngành trụ cột để phát triển trong Quy hoạch; giới thiệu tiềm năng, lợi thế, cơ chế, chính sách, các lĩnh vựu ưu tiên thúc đẩy đầu tư như xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước; nông, lâm, nghiệp thủy sản; công nghiệp; du lịch; năng lượng; giáo dục-y tế.

“Ninh Thuận luôn tạo môi trường thuận lợi nhất cho đầu tư và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư trong quá trình hợp tác và phát triển”, Bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Chí Dũng khẳng định tại Hội nghị.

* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Dự án tuyến đường ven biển của tỉnh Ninh Thuận. Đây là Dự án có ý nghĩa quan trọng phục cho phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Hiện Ninh Thuận phấn đấu thực hiện mục tiêu hoàn thành Dự án này trong năm 2012.

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất