Thứ Sáu, 10/5/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 15/8/2019 9:29'(GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới: Kinh nghiệm từ Đồng Nai

Đại biểu thăm mô hình trồng dưa trong nhà màng tại Công ty TNHH Trang trại Việt (Ảnh: Báo Đồng Nai).

Đại biểu thăm mô hình trồng dưa trong nhà màng tại Công ty TNHH Trang trại Việt (Ảnh: Báo Đồng Nai).

HÌNH MẪU NÔNG THÔN MỚI

Về Đồng Nai bây giờ, người ta dễ dàng nhận thấy bộ mặt làng quê thay đổi chóng mặt chỉ sau vài năm người dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Đó là những cánh đồng cây trái bát ngát, những tuyến đường bê tông kiên cố trải khắp từ khu dân cư ra ruộng rẫy, là những bóng đèn đường soi sáng mỗi khi đêm về, là trường học, nhà văn hóa, trạm y tế khang trang… 

Ông Ngô Văn Quy ở ấp Thọ An, xã Bảo Quang, Thành phố Long Khánh có thể được coi là một “tỷ phú nông dân” đi lên từ bàn tay trắng. Trên mảnh đất của mình, ông Quy mày mò nghiên cứu và mạnh dạn vay vốn, chuyển hướng cây trồng. Từ cây mía cho thu nhập thấp, ông nhận thấy tiềm năng từ cây bơ, bưởi nên quyết định đầu tư trồng các giống này trên toàn bộ diện tích vườn. 

“Tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng, kết hợp với học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước tôi về tự áp dụng kỹ thuật cho mình, nên vườn cây của tôi phát triển tốt, cho năng suất rất cao. Thừa thắng xông lên, đến nay tôi đang canh tác19 héc ta bưởi và bơ, thu nhập mỗi năm của gia đình tôi đạt trên 2 tỷ, tạo được công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, cuộc sống gia đình ngày càng sung túc, ấm no”. Ông Quy tâm sự.

Ông Quy là một trong những điển hình nông dân sản xuất giỏi nhờ mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất. Xuất phát từ chương trình xây dựng nông thôn mới, ở Đồng Nai xuất hiện hàng loạt “ông vua nông dân” như “vua bưởi”, “vua xoài”, “vua bắp”… Trên nền tảng thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, nông dân ở Đồng Nai chuyển hướng sản xuất sang các mô hình chuyên canh, liên kết sản xuất, thực hiện các dự án, mô hình sản xuất hiệu quả. Nhờ đó giá trị thu nhập bình quân trên diện tích đất nông nghiệp của địa phương ngày một tăng cao.

Xã Long Đức (huyện Long Thành) là một trong 128 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh. Ảnh: K.Minh

Xã Long Đức (huyện Long Thành) là một trong 128 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh. Ảnh: K.Minh

Tại xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, toàn bộ hơn 33km đường nông thôn trong xã đều đã được bê tông hoặc nhựa hóa. Những con đường thẳng tắp, đèn chiếu sáng gắn trên từng cột điện, 2 bên đường trồng hoa và nhiều thảm xanh… đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Đây là kết quả từ sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương cùng chung sức trong phong trào xây dựng nông thôn mới. “Trước đây con em chúng tôi đi học rất nhiều khó khăn, nắng thì bụi bặm, mưa thì sình lầy, ban đêm thì tối tăm. Còn bây giờ thì đường sá nông thôn rất khang trang, sạch đẹp, đèn chiếu sáng đầy đủ… Nhờ có xây dựng nông thôn mới nên chúng tôi được hưởng thành quả như ngày hôm nay.” ông Tân Văn Sơn, ấp Việt Kiều, xã Xuân Hiệp hồ hởi cho biết.  

Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai đã đạt được những kết quả quan trọng, có ý nghĩa lớn, tạo dấu ấn trong cuộc cách mạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chương trình đã góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của các địa phương, bộ mặt nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, sản xuất phát triển ổn định, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển đồng bộ, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất tinh thần người dân nông thôn được nâng cao rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở Đồng Nai năm 2018 ước khoảng 51 triệu đồng/người/năm, cao hơn khoảng 3,5 lần so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới hiện chỉ còn khoảng 0,31% so với 6,22% cách đây 10 năm. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai có 133/133 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó 31 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu và 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đồng Nai là một trong 3 địa phương “về đích” nông thôn mới đầu tiên của cả nước.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA ĐỒNG NAI

Đồng Nai có 133 xã đi vào xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2018, Đồng Nai “về đích” với 100% số xã đã hoàn thành các tiêu chí và đạt chuẩn xã nông thôn mới. Vốn “nổi tiếng” với công nghiệp, dịch vụ, nhưng Đồng Nai đã trở thành 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nông thôn mới. Đặc biệt, Đồng Nai là tỉnh đầu đầu tiên có 11/11 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, góp phần tạo nên thành tích chung để chương trình xây dựng nông thôn mới của cả nước về đích sớm so với mục tiêu đề ra.

Thực tế là từ trước khi có chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ở Đồng Nai đã có chương trình xây dựng “nông thôn bốn có”, gồm: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt, bảo đảm an ninh và có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Đây là chủ trương đã được đưa vào nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai, qua đó xác định lấy người nông dân làm trung tâm, vừa là người thực hiện, vừa là người thụ hưởng thành quả. Trong gần 10 năm, Đồng Nai đã có khoảng 330 nghìn tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. 

Trên nền tàng “nông thôn bốn có”, Đồng Nai đã có những bước tiến nhanh khi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời. Theo kế hoạch ban đầu, Đồng Nai sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2021, nhưng đến đầu năm 2019, mục tiêu này đã hoàn thành, nghĩa là đã “về đích” sớm hơn 2 năm. 

Bài học kinh nghiêm được rút ra ở Đồng Nai, đầu tiên phải nhắc đến vai trò lựa chọn hướng đi, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vai trò của người đứng đầu. “Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, từ Đảng, chính quyền cho đến các đoàn thể. Đảng chỉ đạo, kiểm tra; Ủy ban phải có chương trình, kế hoạch; các đoàn thể tổ chức bắt tay vào làm. Nhưng không phải chung chung, mà phải rõ ràng phân vai ai làm gì, làm như thế nào. Ngoài ra chúng tôi còn gắn trách nhiệm người đứng đầu, làm sao để yếu tố người dân phải được đặc biệt coi trọng, bởi mục tiêu cuối cùng của nông thôn mới hướng đến chính là nâng cao đời sống người dân”, ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh Đồng Nai phân tích. 

Ở Đồng Nai, xây dựng nông thôn mới đực xác định là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, không cho phép tâm lý chủ quan, tự mãn với kết quả đã đạt được. Đảng bộ, chính quyền tỉnh xác định xây dựng nông thôn mới phải lấy đời sống người dân nông thôn làm thước đo. Do đó, việc nâng cao thu nhập, đời sống của người dân là mục tiêu quan trọng nhất, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, liên kết chuỗi, đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản, nâng cao giá trị nông sản… nhằm tăng thu nhập cho người nông dân. 

Đối tượng thụ hưởng của nông thôn mới là người dân. Nên một lần nữa có thể khẳng định, “thước đo” hiệu quả nông thôn mới chính cũng chính là đời sống của người dân. Nông thôn mới ở Đồng Nai sau hơn 10 năm xây dựng đã để lại những dấu ấn tịch cực, thay đổi bộ mặt nông thôn, phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn. Và nông thôn mới chỉ có thể bên vững, khi những yếu tố “nâng chất” đời sống người dân luôn được coi trọng, đặt lên hàng đầu./. 

XUÂN LƯỢNG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất