Tài nguyên giáo dục mở được xem như một giải pháp hữu hiệu, giúp các trường đại học (ÐH) khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn tài liệu có chất lượng để đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tuy nhiên, trong giáo dục đại học nước ta hiện nay vẫn
còn những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc xây dựng tài nguyên
giáo dục mở.
Tài nguyên giáo dục mở cho phép mọi đối
tượng được tiếp cận với tri thức, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục
dưới nhiều hình thức khác nhau. Phần lớn tài nguyên giáo dục được số hóa
cho nên rất thuận lợi cho việc học tập nhờ có ưu thế có thể học mọi
lúc, mọi nơi và miễn phí.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ
tịch Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá: Nhiệm vụ của trường ÐH là phải
chuyển mạnh hình thức đào tạo sang giáo dục mở để phục vụ nhu cầu học
tập của tất cả đối tượng là người lớn trong xã hội. Muốn làm được điều
đó, trường ÐH phải có nguồn tài nguyên giáo dục phong phú, phục vụ tốt
nhất nhu cầu học tập của mọi người. Việc xây dựng, phát triển hệ thống
trường ÐH tham gia xây dựng giúp cho tài nguyên giáo dục mở phong phú
hơn.
ThS. Nguyễn Thanh Thoại, Trường đại học Vinh cho rằng: Thay vì phải bỏ
tiền mua sách, tài liệu giấy được xuất bản hay trả phí tải tài liệu số
trên internet, người học sẽ được tiếp cận miễn phí kho tri thức của tài
nguyên giáo dục mở. Nội dung học liệu được các nhà khoa học cập nhật
liên tục và phải được các chuyên gia trong cộng đồng học thuật đánh giá.
Nhận thức tầm quan trọng của tài nguyên giáo dục mở đối với quá trình
phát triển và đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ÐH hiện nay, Trường
ÐH Hùng Vương (Phú Thọ) đã xây dựng nguồn tài liệu tương đối lớn với
125.847 bản sách, gồm cả sách tiếng Việt và sách ngoại văn; 60 tên tạp
chí chuyên ngành và các loại báo, gần 7 nghìn tập tin toàn văn có nội
dung về nhiều lĩnh vực khoa học. Bộ phận thông tin - thư viện thường
xuyên trao đổi, chia sẻ nguồn thông tin, tài liệu với các trường ÐH
khác. Vì thế, người dùng có cơ hội và điều kiện thuận lợi để khai thác,
sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở vượt ra ngoài phạm vi không gian
của Trường ÐH Hùng Vương.
Theo các chuyên gia giáo dục, hệ thống tài nguyên giáo dục mở đòi hỏi
các cơ sở giáo dục phải đầu tư tài liệu học tập giảng dạy đa dạng,
thiết thực, hạ tầng thông tin, máy móc phục vụ hệ thống tài nguyên giáo
dục mở hiện đại để truy cập được mọi lúc, mọi nơi. Cán bộ giảng viên và
người học phải trau dồi kỹ năng công nghệ, thay đổi tư duy bắt nhịp với
sự phát triển công nghệ và tư duy luôn đổi mới sáng tạo của thế giới.
Mặc dù các trường đã có nhiều cơ chế khuyến khích việc biên soạn giáo
trình, bài giảng phục vụ yêu cầu đào tạo nhưng hiệu quả chưa cao do
thiếu chuyên gia có trình độ, có khả năng chủ trì biên soạn tài liệu,
giáo trình có chất lượng. Cơ quan quản lý nhà nước chưa xây dựng, ban
hành văn bản mang tính pháp lý làm căn cứ để phát triển tài liệu giáo
dục mở trong các cơ sở giáo dục ÐH; chưa có sự thống nhất và tạo điều
kiện thuận lợi để phát triển tài nguyên giáo dục mở.
Ðể có thể xây dựng thành công tài nguyên giáo dục mở cho các trường
ÐH nói riêng và cho hệ thống giáo dục của Việt Nam nói chung, một số
trường ÐH đề xuất các bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc
xây dựng hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc xây dựng và phát triển
nguồn tài nguyên giáo dục mở; Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) cần chỉ
đạo các cơ sở đào tạo phối hợp, thiết lập mối quan hệ nhằm trao đổi,
chia sẻ nguồn tài nguyên giáo dục mở trên cơ sở các bên cùng có lợi.
Bên
cạnh đó, tìm kiếm các nguồn tài trợ để xây dựng tài nguyên giáo dục mở,
khuyến khích hỗ trợ những cá nhân đã tham gia chia sẻ tài nguyên cho hệ
thống tài nguyên giáo dục mở. Cần có cơ chế thẩm định, đánh giá để bảo
đảm các nội dung đưa lên hệ thống chung thật sự là những tài liệu có giá
trị, đã và đang được sử dụng tại các cơ sở giáo dục.
Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Hữu Ðộ cho rằng: Các trường ÐH cần nâng
cao nhận thức về xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở trên cơ
sở đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Bên cạnh đó, Trường ÐH Mở Hà Nội
và Trường ÐH Mở TP. Hồ Chí Minh cần phải xây dựng và triển khai các
trung tâm học liệu, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia, giảng viên giỏi để tạo
nguồn học liệu phục vụ tốt cho cộng đồng. Các cơ sở giáo dục ÐH khác
phối hợp cung cấp chuyên gia, giảng viên trong việc xây dựng bài giảng
và hình thành hệ thống bài giảng theo các cấp độ, phù hợp nhu cầu của
nhiều đối tượng nhằm phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở hiệu quả./.
Quỳnh Nguyễn-Nguyên Khôi (nhandan.com.vn)