CHẤT LƯỢNG CHƯA TƯƠNG XỨNG QUY MÔ
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hệ thống các cơ sở GDĐH đóng
góp chính cho việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất
lượng cao trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, cách
đào tạo của hệ thống GDĐH ở nước ta chưa bám sát, chưa theo kịp sự thay
đổi mạnh mẽ về nhu cầu, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo của thị
trường lao động. Việc đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng chưa tương
xứng với sự gia tăng về số lượng cũng như quy mô đào tạo. Cách tiếp cận
trong xây dựng và quản lý hệ thống các cơ sở GDĐH còn dựa nhiều vào chỉ
tiêu số lượng mà chưa tập trung nhiều vào bảo đảm chất lượng, nhất là
thiếu dự báo nhu cầu nhân lực.
Phân tích cụ thể từ các mục tiêu, thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Phân viện
Học viện Hành chính quốc gia khu vực Tây Nguyên cho rằng, số lượng cơ sở
GDĐH ở nước ta khá lớn, tổ chức cồng kềnh. Hiện nay, cả nước có hơn 236
cơ sở GDĐH, đã vượt so với mục tiêu đề ra trong Quyết định số
37/2013/QĐ-TTg về điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, cao
đẳng. Ngoài ra, mục tiêu quy mô đào tạo ĐH, cao đẳng đến năm 2020 là 2,2
triệu sinh viên thì đến năm 2018, riêng đào tạo đại học đã là hơn 1,7
triệu sinh viên, chưa kể một số lượng lớn sinh viên cao đẳng trong hệ
thống giáo dục nghề nghiệp.
Thạc sĩ Tống Thị Hạnh, Trường đại học Sài
Gòn cho rằng, quy mô GDĐH phát triển ngày càng nhanh nhưng phân bố chưa
cân đối. Các cơ sở GDĐH lớn và uy tín cũng như đội ngũ giảng viên có
trình độ, học hàm, học vị chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà
Nội và TP. Hồ Chí Minh; nhiều cơ sở giáo dục đại học ở một số địa phương
không có giáo sư, phó giáo sư đầu ngành. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên ở
một số vùng tập trung đông các cơ sở GDĐH như đồng bằng sông Hồng, Đông
Nam Bộ còn cao, tạo sức ép cho giảng viên phải dạy quá nhiều giờ, dạy
nhiều sinh viên trong một lớp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng
dạy; giảng viên sẽ không có thời gian để bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng,
nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học.
TS. Nguyễn Bá Cần, nguyên Phó Cục trưởng Cơ sở vật chất thiết bị đồ
chơi trẻ em (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trong 25 năm qua việc quy
hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH đã tập trung giải quyết được một số nhiệm vụ
trọng yếu có tính chiến lược và dài hạn. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát
triển thì hoạt động đào tạo tinh hoa và nghiên cứu khoa học của các cơ
sở GDĐH tốp trên chưa thể hiện vai trò đầu tàu. Trong xây dựng hệ thống
các cơ sở GDĐH còn thiếu các văn bản quy phạm pháp luật, những văn bản
có thì còn nhiều lỗ hổng hoặc chưa hợp lý do thiếu tính thực tiễn, bị
điều chỉnh thường xuyên, thiếu nhất quán.
XÂY DỰNG LẠI MẠNG LƯỚI
GDĐH được coi là bậc học sau cùng, có đủ khả năng đào tạo đội ngũ
nhân lực đáp ứng nhu cầu cho mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.
Việc quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới sẽ góp phần tạo bình đẳng về cơ
hội tiếp cận GDĐH cho mọi người; tạo môi trường đào tạo mở, hỗ trợ các
cá nhân học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Việc quy hoạch, sắp
xếp hợp lý cơ sở GDĐH cũng sẽ góp phần tiết kiệm chi phí ngân sách,
tích tụ nguồn lực, tăng đầu tư cho giáo dục, giúp đưa GDĐH nước ta sớm
tiệm cận trình độ của thế giới, phát triển lành mạnh, hiệu quả.
Để khắc phục bất cập về mạng lưới cơ sở GDĐH, Bộ GD&ĐT cho biết,
đang xây dựng hai đề án: “Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm, thành
lập một số trường sư phạm trọng điểm” và “Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải
thể các trường đại học công lập” trình Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở
quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ,
ngành giáo dục sẽ triển khai trên diện rộng việc đánh giá chất lượng các
cơ sở GDĐH làm cơ sở để phân hạng, xây dựng và triển khai quy hoạch lại
nhằm bảo đảm chất lượng toàn bộ hệ thống GDĐH trong giai đoạn 2021 -
2030. Tăng cường dự báo nhu cầu nhân lực, khảo sát nhu cầu xã hội trong
từng giai đoạn để xây dựng phương án tuyển sinh và đào tạo hợp lý, tránh
tình trạng thiếu nhân lực cục bộ. Đáng chú ý, ngành giáo dục sẽ hoàn
thiện hệ thống cơ sở dữ liệu ĐH làm căn cứ xây dựng chính sách phù hợp
nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao ở từng giai đoạn phát triển kinh
tế - xã hội cụ thể.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc, cần có những nghiên cứu và kế hoạch
tổng thể, dài hạn về phát triển GDĐH, làm cơ sở để tổ chức, sắp xếp lại.
Trong đó, việc đầu tiên là cần nghiên cứu, dự báo được nhu cầu nguồn
nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong 5 năm đến 10 năm
tới, từ đó tính toán các chuyên ngành đào tạo chủ yếu, thứ yếu... cho
phù hợp. Ngoài ra, cần sáp nhập, hợp nhất các trường đại học nhằm tạo ra
các trường ĐH lớn, trọng điểm, đa ngành có khả năng hoạt động hiệu quả;
tính toán lại số lượng cơ sở GDĐH ở mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương theo
nhu cầu nhân lực hiện tại và tương lai.
Thạc sĩ Tống Thị Hạnh cho rằng,
cần xây dựng cơ sở GDĐH theo hướng chuẩn hóa, đa dạng hóa. Trong đó, Nhà
nước cần quy hoạch lại quỹ đất để xây mới hoặc mở rộng diện tích cho
các cơ sở GDĐH đạt tiêu chuẩn; ưu tiên quỹ đất để xây dựng một số khu
đại học tập trung. Mỗi trường ĐH cần có sự đầu tư lâu dài cho thương
hiệu riêng dựa trên nền tảng là những giá trị bền vững mang bản sắc
riêng, văn hóa riêng của trường mình.../.