Cụm từ “văn hóa giao thông” những năm gần đây được nhắc đến khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụm từ này cũng được biểu đạt thông qua các phong trào về an toàn giao thông với các khẩu hiệu như: “Văn hóa giao thông là không tai nạn”, “Một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc”, “Chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông”...
Các tổ chức, đoàn thể cũng tích cực tuyên truyền và triển khai cho các thành viên trong tổ chức của mình cam kết thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trong đó có việc nâng cao ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông. Đi cùng với hoạt động vận động, tuyên truyền, chúng ta ngày càng hoàn chỉnh các chế tài, nhằm bảo đảm cho ý thức khi tham gia giao thông của người dân được thể hiện trên thực tế. Sự tác động nhiều chiều, nhiều khía cạnh, trong nhiều năm dần hình thành nên ý thức, hay nói cách khác là nét văn hóa trong tham gia giao thông ở nước ta, nhất là đối với người dân trên các địa bàn đô thị. Điều đó có ảnh hưởng tích cực tới việc hạn chế tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí trong những năm gần đây.
Thế nhưng, nhìn vào thực trạng giao thông nước ta thì thấy, ý thức, văn hóa của người dân trong tham gia giao thông chưa thể đáp ứng yêu cầu của một đất nước đang phát triển. Đi ra đường vẫn thường xuyên thấy các phương tiện chen lấn nhau khi tắc đường, tranh giành khách, vượt làn, lấn tuyến. Trên các tuyến đường, kể cả đường nội đô, người dân thường xuyên phải nghe những tiếng còi xe chói tai suốt cả ngày lẫn đêm... Khi có va chạm xảy ra thì nhiều trường hợp lao vào ẩu đả, giải quyết đúng-sai theo kiểu "luật rừng"...
Có dịp đến tham quan một số nước, chúng tôi thấy ý thức trong tham gia giao thông của người dân ở đó rất tốt. Có những thủ đô nước bạn gần như không nghe thấy tiếng còi xe, mặc dù trên các con đường luôn nườm nượp phương tiện qua lại. Việc tự giác nhường nhịn nhau trong tham gia giao thông là một yếu tố căn bản tạo nên văn hóa giao thông. Bên cạnh đó là sự ràng buộc chặt chẽ của luật pháp về giao thông. Tất cả những vấn đề đó (ý thức tự giác, hệ thống pháp luật và biện pháp thực thi pháp luật để điều chỉnh lĩnh vực giao thông) của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa hình thành nên một nền văn hóa tự giác về giao thông.
Một đất nước phát triển đòi hỏi có nhiều yếu tố, trong đó có văn hóa giao thông. Để hoàn thành công việc này trước hết phải tuyên truyền triệt để các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông tới các tầng lớp nhân dân. Việc này cũng phải được xác định như một môn học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bởi muốn hình thành và xây dựng nên ý thức văn hóa về giao thông cho một thế hệ thì từng con người phải được giáo dục nghiêm túc, có hệ thống từ khi còn nhỏ. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện bộ tài liệu về “Văn hóa giao thông” đưa vào giáo dục tại các nhà trường trong toàn quốc, bắt đầu từ năm học 2017-2018. Cùng với việc làm trên, cần phải duy trì, thực hiện thật nghiêm các chế tài hiện có, bởi ai cũng hiểu chỉ có thể tiến hành song song cả tuyên truyền, giáo dục và duy trì biện pháp cưỡng bức bằng pháp luật mới dần tạo nên ý thức tự giác trong chấp hành luật khi tham gia giao thông và cũng từ đó mới có cơ sở để xây dựng một nền văn hóa về giao thông.
Xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng. Cần phải làm cho mọi người dân nhận rõ trách nhiệm của mình và tự giác vào cuộc thì văn hóa giao thông ở nước ta mới mau thành hiện thực./.
Trần Vũ (QĐND)