Hàng loạt những băn khoăn, bức xúc của các doanh nghiệp vận tải về xe chở hàng quá tải diễn biến phức tạp, tinh vi, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến giá cước biến động làm cho các đơn vị làm ăn chân chính đứng bên bờ vực phá sản..., đã được đưa ra để cơ quan quản lý Nhà nước có các biện pháp chấn chỉnh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Xe quá tải có dấu hiệu “nhờn thuốc”
Đây là một trong những nội dung chính tại Hội nghị đối thoại về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện và lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào ngày 19/6.
Đánh giá kế hoạch kiểm tra tải trọng xe đúng và trúng của liên ngành giao thông và công an, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, toàn quốc vào cuộc ngăn chặn vấn nạn xe quá tải. Các doanh nghiệp vận tải đầu tư phương tiện để chở hàng đúng tải trọng để giá cước trở lại giá trị thực, kết quả là chỉ còn 10% xe vi phạm quá tải
Tuy nhiên, ông Thanh cũng bày tỏ sự lo ngại khi tổng kết kế hoạch liên ngành, lực lượng Công an rút khỏi và xe quá tải có dấu hiệu “nhờn thuốc”. Nếu không có giải pháp quyết liệt thì lại phát triển và càng khó điều trị.
“Một số doanh nghiệp có dấu hiệu đứng trên bờ phá sản do xe đầu tư mới không có hàng để chạy vì xe chở hàng quá tải diễn biến phức tạp, tinh vi và bức xúc cho doanh nghiệp thể hiện ở các Cảng nội địa, kho hàng, khu công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, khu mở lại tái diễn xe quá tải”, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam dẫn chứng.
Nhấn mạnh các doanh nghiệp muốn sự công bằng trong quản lý vận tải, ông Thanh cho rằng cần tăng quyền cho ngành giao thông trong kiểm soát tải trọng xe, trong đó cho phép Thanh tra Giao thông vận tải kiểm soát tải trọng xe đối với xe vi phạm.
Hiệp hội Vận tải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ tiếp tục xây dựng kế hoạch liên ngành giữa Công an và Thanh tra Giao thông vận tải để xử lý triệt để xe quá tải. Lực lượng Cảnh sát giao thông không tham gia thì cho phép Thanh tra Giao thông vận tải có thẩm quyền nào đó để xử lý xe quá tải.
Bên cạnh đó, các Hiệp hội vận tải cũng đề nghị tăng cường kiểm tra tại các đầu mối ga, cảng, mỏ ngay từ lúc xếp hàng, vì chạy trên đường là đã phá đường và quy trách nhiệm của chính quyền địa phương ở địa bàn nơi xảy ra vấn nạn xe quá tải.
“Theo quy hoạch tới năm 2020 có 28 trạm cân cố định, cơ quan quản lý Nhà nước phải làm khẩn trương để bảo vệ đường sá. Tất cả các trạm thu phí đều phải có trạm cân. Xe quá tải chạy làm đường hỏng các địa phương phải chấp nhận sửa chữa chứ đừng xin vốn bảo trì đường bộ”, ông Thanh nói.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị và khuyến khích các doanh nghiệp cần tố giác những đơn vị chở quá tải nhằm tạo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vận tải.
Sập cầu, Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp vận tải và Hiệp hội vận tải kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần giảm thời gian cấp phép xe chở hàng siêu trường, siêu trọng bằng cách giảm một số thủ tục, thời gian và chi phí đồng thời kéo dài thời hạn giấy phép cho doanh nghiệp.
Đại diện Công ty Hồng Quyên (tỉnh Nam Định) cho rằng, thủ tục xin cấp phép xe siêu trường, siêu trọng được cấp theo sức kéo thiết kế vẫn có sự “vênh nhau” giữa Tổng cục Đường bộ và Cục Đăng kiểm khi phía Đăng kiểm cho chở hàng theo đúng khối lượng xe chuyên chở nhưng các Cục quản lý đường bộ lại yêu cầu giảm so với thiết kế.
Đơn cử, khi doanh nghiệp xin giấy phép lưu hành xe quá khổ, quá tải từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam, xe của doanh nghiệp có tổng tải trọng nhỏ hơn hoặc bằng 35 tấn thì được đi trên Quốc lộ 1, còn lớn hơn phải đi theo đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trên đường Hồ Chí Minh việc lưu thông gặp nhiều khó khăn về dịch vụ mỗi khi xe hỏng hóc.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)
Khi doanh nghiệp thắc mắc về vấn đề này, cán bộ cấp phép của Cục quản lý đường bộ 1 không trả lời rõ mà chỉ nói doanh nghiệp xem lại quy định tải trọng cầu đường. Trong khi đó, các Sở Giao thông Vận tải và Cục quản lý đường bộ 3 lại cấp phép cho doanh nghiệp tổng tổ hợp xe là 48 tấn đối với xe 6 trục được đi trên Quốc lộ 1.
Chưa kể, các doanh nghiệp vận tải phải đi khảo sát, thẩm định tải trọng cầu, đường và nộp hồ sơ về Tổng cục và thời gian cấp phép lưu hành lại quá ngắn (3 tháng). Chính điều này làm cho giá thành, giá cước vận tải hàng hóa tăng cao, hiện nay chi phí vận tải cao so với khu vực là vì những chi phí này.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, tải trọng cầu đường đã công bố trên toàn quốc, khi biến động tải trọng cầu thì phải cập nhật. Thậm chí, kỳ cấp phép xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng gần nhau nếu tải trọng cầu không biến động không nên bắt doanh nghiệp đi khảo sát, thẩm định.
Ngay sau đó, ông Huyện truy vấn Cục quản lý đường bộ 1 với câu hỏi, sập cầu thì Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm và tại sao lại không cấp giấy phép lưu hành cho doanh nghiệp này?
Đại diện Cục quản lý đường bộ 1 phân trần, đường, cầu Quốc lộ thì đã công bố tải trọng toàn tuyến. Tuy nhiên, tuyến đường liên kết giữa các tuyến đường xã, huyện có sự khác nhau nên phải đi khảo sát, thẩm định các tuyến đường và cầu yếu. Đường tỉnh và huyện cũng phải cập nhật tải trọng.
Bổ sung thêm, ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ cho biết, nếu doanh nghiệp khảo sát xe siêu trường, siêu trọng lưu hành có tuyến đường đi chung với doanh nghiệp khác đã có hồ sơ khảo sát thì Tổng cục sẽ cấp luôn, không cần khảo sát.
Vì vậy, ông Chung yêu cầu các đơn vị cấp phép cần phải có sự linh động trong việc cấp phép.
So sánh với cuộc đối thoại năm trước thì các bức xúc và khó khăn vướng mắc đã giảm, ông Huyện cho rằng, các Sở Giao thông Vận tải cần xử lý cấp phép quá khổ, quá tải dể tạo điều kiện cho danh nghiệp không phải đi lại nhiều. Các Sở cập nhật đường, cầu của tỉnh lên trang web để các doanh nghiệp có thể biết.
“Kiểm định cầu để có kết quả chung cho tải trọng của tất cả các doanh nghiệp để lưu lành, nếu có sự cố do thiên tai bão lụt sẽ điều chỉnh nếu không có sự cố thì định kỳ 1 năm. Thời gian cấp giấy phép trong 3 tháng nếu có tiêu cực sẽ báo cáo với đường dây nóng của Tổng cục, không để xảy ra tiêu cực trong cấp phép. Tổng cục trưởng yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải lắp camera trong phòng cấp phép”, ông Huyện cho hay./.
Việt Hùng (Vietnam+)