Đây là một trong những yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra
trong cuộc làm việc mới đây với các bộ, ngành và Ban soạn thảo Quyết
định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn
nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết Dự thảo Quyết định có một
số thay đổi nhằm nâng cao chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức
danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) như tăng tổng điểm công trình khoa
học quy đổi; quy định số lượng bài báo công bố quốc tế; viết sách phục
vụ đào tạo; đổi mới tổ chức, hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp…
Tiêu chuẩn GS, PGS được xây dựng theo hai nhóm ngành lớn là nhóm
ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ và nhóm ngành Khoa học Xã
hội và Nhân văn, để phù hợp với đặc thù từng nhóm ngành này.
Theo Tổng thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước Trần Văn Nhung, Dự thảo
Quyết định nhằm đánh giá năng lực của các ứng viên trên “ba cạnh của một
tam giác” là nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đóng góp cho xã hội và “lý
tưởng hơn cả nếu đây là một tam giác đều”.
Bốn vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau
Tuy nhiên, sau khi đăng tải, Dự thảo Quyết định đã nhận được rất
nhiều ý kiến xây dựng, đóng góp của các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên
cứu, nhà khoa học, giảng viên đại học…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị đại diện các bộ, ngành thảo luận
những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến tiêu chuẩn chức
danh GS, PGS, tập trung vào một số điểm lớn:
Thứ nhất là quy định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đối
với ứng viên ở một số ngành đặc thù như văn hoá, nghệ thuật, thể dục,
thể thao, bác sĩ tham gia đào tạo thực hành trong các bệnh viện, các nhà
khoa học làm việc tại các cơ sở nghiên cứu nhưng không làm công tác
giảng dạy.
Thứ hai là tiêu chuẩn ngoại ngữ; thời gian giảng dạy đại học; phương
thức tính điểm quy đổi bài báo khoa học thay cho viết sách, chủ trì thực
hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ và hướng dẫn học viên cao học, nghiên
cứu sinh.
Thứ ba là cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của hội đồng giáo sư
các cấp nhằm khắc phục các bất cập, hạn chế hiện nay, bảo đảm thành viên
các hội đồng là những nhà khoa học đầu ngành, có chuyên môn và uy tín,
làm việc theo cơ chế công khai, có trao đổi và tranh luận.
Thứ tư là bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong
việc đề nghị xét công nhận và bổ nhiệm những người đạt tiêu chuẩn chức
danh GS, PGS.
Cần tính đến đặc thù một số ngành
Tại cuộc họp, GS. Nguyễn Quang Liêm, Hội đồng Giáo sư ngành Vật lý,
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng quy định phạm vi
đối tượng được xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS chỉ gồm những người
đang công tác tại các cơ sở đào tạo đã khiến những người làm việc tại
các cơ sở nghiên cứu chịu “thiệt thòi”.
“Trong các viện nghiên cứu có vị trí trợ lý, nghiên cứu viên, nghiên
cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp nhưng trong các cơ sở giáo dục
đào tạo lại có trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, rồi đến PGS, GS.
Tôi cho rằng đã đến lúc cần xem xét GS, PGS là danh tiếng hay là một
chức danh nghề nghiệp để quy định thống nhất”, GS Liêm nêu quan điểm.
Trong khi đó, GS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học
xã hội Việt Nam mong muốn Dự thảo Quyết định phải đổi mới hoạt động của
hội đồng giáo sư các cấp sao cho thực chất, đánh giá đúng, không thể để
tình trạng “yêu, ghét”, thậm chí ban phát hay loại người giỏi ngay từ
hội đồng cấp cơ sở.
Đi vào một số vấn đề cụ thể, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ
cho rằng đối với ngành đặc thù như văn hoá nghệ thuật, năng lực, phẩm
chất và những đóng góp của các GS, PGS thể hiện chủ yếu qua những sáng
tác, thiết kế, dàn dựng các tiết mục biểu diễn chứ không chỉ là các công
trình nghiên cứu, bài báo khoa học.
Có chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho rằng, theo
quy định trong Dự thảo các bác sĩ làm công tác giảng dạy thực hành cho
sinh viên y khoa trong các bệnh viện sẽ không có cơ hội được xét công
nhận GS, PGS.
“Y khoa là một ngành đặc thù, trong quá trình học tập, sinh viên phải
thực hành rất nhiều trong bệnh viện dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ
làm việc trong bệnh viện chứ không phải là trường đại học. Bên cạnh đó,
các bác sĩ có rất nhiều giải pháp mang tính ứng dụng cao nhưng hàm lượng
khoa học rất khó để công bố quốc tế nếu không được tiếp tục nghiên cứu
trong các phòng thí nghiệm hiện đại”, Thứ trưởng Cường chia sẻ.
Từ thực tế trên, ý kiến các bộ ngành cũng như Ban soạn thảo đồng tình
với đề xuất cần tính đến đặc thù của ngành văn hoá nghệ thuật, ngành y
tế hay các cơ sở nghiên cứu không tham gia giảng dạy từ trình độ đại học
trở lên khi xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS.
|
Ảnh minh hoạ |
Tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế
Tại cuộc làm việc, ý kiến các bộ ngành thống nhất cần có sự tính điểm
quy đổi công trình khoa học phù hợp với một số ngành đặc thù theo hệ số
được điều chỉnh phù hợp cho từng giai đoạn và tiếp cận với xu thế thế
giới.
Tiêu chuẩn ngoại ngữ cần kế thừa những điểm tích cực trong quy định
trước đây và để khuyến khích việc tham gia các dự án nghiên cứu, hợp
tác, trao đổi giảng viên quốc tế, Dự thảo có quy định theo hướng các ứng
viên cần thông thạo ít nhất một ngoại ngữ và đề cao yêu cầu giao tiếp
được bằng một ngoại ngữ thông dụng trên thế giới.
Các yêu cầu đối với ứng viên về hướng dẫn học viên cao học, nghiên
cứu sinh, chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ về cơ bản phải
đồng bộ với việc đổi mới chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, chất lượng
nghiên cứu khoa học.
Về tổ chức, hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp, đại diện bộ ngành
đã phân tích rất kỹ những điểm tốt, điểm lợi của mô hình hội đồng ba
cấp trước đây cũng như những điểm hạn chế và thống nhất cần có bước đổi
mới, tiến tới theo đúng xu thế quốc tế.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục đại học, căn cứ vào yêu cầu của mình về
chức danh GS, PGS trước mắt và tương lai, được tự thành lập hoặc liên
kết với cơ sở giáo dục đại học khác thành lập Hội đồng Giáo sư cấp cơ
sở. Trong trường hợp cơ sở giáo dục chưa có đủ GS, PGS các chuyên ngành
liên quan thì có quyền được mời các GS, PGS bên ngoài. Điều này khắc
phục tình trạng trước đây chỉ một số ít trường đại học đủ điều kiện được
tự thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở. Đồng thời, hoạt động của Hội đồng
Giáo sư cơ sở chủ yếu tập trung xem xét nhu cầu nhân sự, thủ tục, hồ sơ
ứng viên còn việc đánh giá trình độ khoa học của ứng viên thì tuỳ vào
điều kiện của từng trường. Bởi vì việc đánh giá cuối cùng sẽ do Hội đồng
Giáo sư Nhà nước xem xét, quyết định hoàn toàn độc lập.
Với cách tiếp cận như vậy, Dự thảo Quyết định sẽ đổi mới cơ cấu tổ
chức, phương thức hoạt động của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Theo
đó, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước-Bộ trưởng Bộ GD&ĐT căn cứ
vào đề nghị của Tổng Thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước để bổ nhiệm thành
viên của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành là những nhà khoa học có
chuyên môn, uy tín, xứng đáng là đại diện của các ngành, liên ngành khoa
học. Các thành viên của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành có thể điều
chỉnh, bổ sung hàng năm cho phù hợp với sự phát triển của các ngành khoa
học. Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành họp nhiều lần trong năm để xem
xét, đánh giá trình độ khoa học đối với các ứng viên trên nguyên tắc bàn
bạc, tranh luận thẳng thắn, công khai, minh bạch.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GG, PGS
cho các ứng viên sau khi xem xét đầy đủ hồ sơ, cũng như dựa trên đánh
giá khoa học từ Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Đây cũng là cơ quan
xem xét việc đặc cách công nhận GS, PGS cho những nhà khoa học có những
đóng góp đặc biệt; trực tiếp đánh giá lại những trường hợp có nghi ngại
về tính khách quan trong đánh giá khoa học của Hội đồng Giáo sư ngành,
liên ngành trên tinh thần có đối thoại công khai.
Đối với việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS, các ý kiến đề nghị cần bảo
đảm quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào yêu cầu, các
quy chế của nhà trường.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn
trương tiếp thu ý kiến đóng góp với tinh thần cầu thị, khoa học, công
khai, minh bạch, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Quyết định, trình Thủ tướng
Chính phủ ban hành./.
Theo chinhphu.vn