Sau hai tuần xét xử sơ thẩm và nghị án, ngày 6/8, Tòa án nhân dân Thành
phố Hồ Chí Minh đã tuyên án vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn
2.
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội
đồng Quản trị Ngân hàng Xây dựng - VNCB) 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái
quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,”
tổng hợp hình phạt với bản án đã tuyên ở giai đoạn 1 của vụ án là 30 năm
tù. 45 bị cáo còn lại nhận mức án từ thấp nhất là 2 năm tù treo đến cao
nhất là 30 năm tù giam.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn tuyên thu hồi nhiều khoản tiền để đảm bảo nghĩa vụ dân sự và khắc phục hậu quả vụ án.
Cụ thể, Hội đồng xét xử nhận định dù nhóm của Phạm Công Danh không đủ
khả năng tài chính nhưng Danh vẫn tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín (sau này
Danh đổi thành VNCB) từ cổ đông nhóm Hứa Thị Phấn.
Từ đó, để duy trì thanh khoản của ngân hàng, chi chăm sóc khách hàng,
nâng vốn điều lệ của ngân hàng..., Phạm Công Danh và đồng phạm đã thực
hiện hàng loạt hành vi phạm tội gây thiệt hại cho VNCB hơn 15.000 tỷ
đồng. Trong đó, ở giai đoạn 2 của vụ án, Phạm Công Danh có hành vi sử
dụng 29 công ty do bị cáo đứng sau vay tiền tại Sacombank, TPBank, BIDV
rồi dùng tiền của VNCB gửi tại ba ngân hàng này bảo lãnh cho các khoản
vay.
Hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại của VNCB hơn 6.000 tỷ đồng khi 29 công ty không có khả năng trả nợ.
45 bị cáo còn lại nhận mức án từ thấp nhất là 2 năm tù treo đến cao nhất
là 30 năm tù giam, cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về
quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.” Trong đó, các bị cáo Trầm Bê
(59 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng
Tín dụng Ngân hàng Sacombank) nhận mức án 4 năm tù, Phan Huy Khang (45
tuổi, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) 3 năm tù, Phan Thành Mai (nguyên
Tổng Giám đốc VNCB) 10 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án đã tuyên ở
giai đoạn 1 của vụ án là 30 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự và thu hồi tài sản, Hội đồng xét xử đã tuyên thu
hồi nhiều khoản tiền để đảm bảo trách nhiệm dân sự và khắc phục hậu quả
cho cả hai giai đoạn của vụ án. Theo đó, Hội đồng xét xử không đồng tình
với quan điểm thu hồi hơn 6.000 tỷ từ ba ngân hàng Sacombank, TPBank và
BIDV vì đây là vật chứng của vụ án.
Hội đồng xét xử cho rằng toàn bộ số tiền hơn 6.000 tỷ đồng mà Phạm Công
Danh vay được từ ba ngân hàng trên mới là vật chứng của vụ án, không
phải khoản tiền gửi của VNCB tại Sacombank, TPBank và BIDV để bảo lãnh
cho các khoản vay của Phạm Công Danh đã bị ba ngân hàng này thu nợ. Theo
Hội đồng xét xử, điều này là phù hợp với giám định của Ngân hàng Nhà
nước rằng Sacombank, TPBank và BIDV không bị thiệt hại trong vụ án.
Từ đó, Hội đồng xét xử đã tuyên thu hồi tiền từ nhiều nguồn khác mà Phạm
Công Danh sử dụng từ khoản vay hơn 6.000 tỷ đồng từ Sacombank, TPBank
và BIDV.
Cụ thể, Hội đồng xét xử tuyên thu hồi từ bà Hứa Thị Phấn 600 tỷ đồng; từ
ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát) hơn 194 tỷ đồng,
từ VNCB (nay là CB Bank) hơn 2.300 tỷ đồng, từ Công ty Cổ phần đầu tư và
phát triển Hải Tiến hơn 300 tỷ đồng, từ Ngân hàng BIDV hơn 1.500 tỷ
đồng, hơn 30 tỷ đồng từ Ngân hàng Agribank, hơn 300 triệu đồng từ Ngân
hàng Bản Việt, hơn 1,9 tỷ đồng từ Ngân hàng Ocenbank và nhiều nguồn
khác.
Mối quan hệ của những bên liên quan về các số tiền thu hồi là quan hệ
pháp luật khác, được xem xét ở một vụ án khác nếu các bên có yêu cầu.
Hội đồng xét xử tuyên Ngân hàng CB Bank trả lại cho Phạm Công Danh 4.500
tỷ đồng là số tiền trước đây Phạm Công Danh dùng để tăng vốn điều lệ
cho VNCB nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Song, do Hội đồng xét xử đã tuyên thu hồi hơn 2.300 tỷ đồng được xem là
vật chứng của vụ án từ Ngân hàng CB Bank nên ngân hàng này chỉ cần phải
trả lại hơn 2.100 tỷ đồng cho Phạm Công Danh. Tuy nhiên, để đảm bảo
nghĩa vụ thi hành án của bị cáo Phạm Công Danh nên cần giữ lại số tiền
hơn 2.100 tỷ đồng này./.
(TTXVN)